Những YouTuber của núi rừng

Khoảng hai năm gần đây xuất hiện khá nhiều YouTuber làm nội dung về du lịch, ẩm thực trong đó có những YouTuber người địa phương ở các tỉnh miền núi vùng Tây Bắc như Lào Cai, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái… Họ đã góp một phần công sức vào việc quảng bá du lịch, gìn giữ và bảo tồn những nét văn hóa bản địa thông qua nhiều video độc quyền và có sức hút lớn.

Người dân bản Cống Dua, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) làm đường bê-tông nhờ sự kêu gọi hỗ trợ của kênh Gái bản.

Người dân bản Cống Dua, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) làm đường bê-tông nhờ sự kêu gọi hỗ trợ của kênh Gái bản.

Nở rộ các kênh

YouTube Partner là chương trình hợp tác của YouTube với những người sáng tạo hay chủ sở hữu video để hiển thị quảng cáo trên các video của họ. Việc đăng ký trở thành YouTube Partner sẽ rất hữu ích khi bạn có những video độc quyền và có độ viral (lan truyền) mạnh, hay đơn giản là bạn có khả năng tạo ra video, nó sẽ mang lại cho bạn nguồn thu nhập tương đối tốt. Tuy nhiên, không như 4, 5 năm trước, YouTube giờ yêu cầu chủ kênh phải đạt được ít nhất 1.000 người theo dõi và 4.000 giờ xem mới đủ điều kiện tham gia YouTube Partner. Nghĩa là chủ kênh phải xây dựng nội dung hấp dẫn nếu muốn thu hút được người theo dõi, trước khi nghĩ đến việc nhận tiền từ YouTube.

Các YouTuber chuyên nội dung về du lịch, ẩm thực ở vùng Tây Bắc như Hoa ban Food, Sapa TV, Nhịp sống Tây Bắc, Về miền Tây Bắc, Hoa ban Tây Bắc, Trình tường TV, Gái bản, Trai bản, Rubathan, Giàng A Pháo, Nguyễn Tất Thắng… gần đây được khá nhiều người quan tâm, theo dõi. Dẫu rằng rất khó để họ vươn tới vị trí của những YouTuber nổi tiếng và dẫn đầu danh sách hàng triệu người theo dõi, đạt hàng tỷ lượt truy cập ở Việt Nam như FAP TV, Pops Kids, Pops Music… nhưng sự đóng góp của họ trong việc quảng bá du lịch, ẩm thực và văn hóa phía bắc, nhất là vùng Tây Bắc, là không hề nhỏ. Trong danh sách 250 YouTuber hàng đầu theo bảng xếp hạng của trang vn.noxinfluencer.com, Hoa ban Food đạt thứ hạng đáng kể với vị trí thứ hơn 100, với 699 video, 2,69 triệu người theo dõi và hơn 1,12 tỷ lượt truy cập.

Thành công của Hoa ban Food đã thúc đẩy xu hướng xây dựng kênh và quyết tâm theo đuổi việc trở thành YouTuber ở các bạn trẻ vùng Tây Bắc. Anh Phạm Tân, chủ kênh Hoa ban Food tham gia YouTube từ tháng 1/2013. Ban đầu anh chỉ nhằm mục đích giới thiệu các sản vật vùng Tây Bắc để bán hàng nhưng sự đón nhận của khán giả ngoài sức tưởng tượng đã thôi thúc anh mở rộng phạm vi nội dung liên quan du lịch, ẩm thực và khám phá.

Tham gia YouTube vào tháng 3/2007, kênh Giàng A Pháo của chàng trai người Hà Giang có tên trùng với tên kênh đạt hơn 300 nghìn người theo dõi và hơn 167 triệu lượt truy cập trong những năm gần đây. Vào tháng 8/2011, Sapa TV, kênh chuyên về văn hóa và ẩm thực Sa Pa (Lào Cai) của anh Hoàng Hải đạt hơn 879 nghìn người theo dõi và hơn 479 triệu lượt truy cập. Hoặc Rubathan (viết tắt cụm từ Ruộng bậc thang) vào tháng 10/2011 đạt gần 100 nghìn người theo dõi và hơn 34 triệu lượt truy cập. Sau họ là kênh Nguyễn Tất Thắng vào tháng 1/2013 với 237 nghìn người theo dõi và hơn 245 triệu lượt truy cập; kênh Gái bản vào tháng 9/2016, với 374 nghìn người theo dõi và hơn 232 triệu lượt truy cập; kênh Trai bản vào tháng 7/2014 với hơn 47 nghìn người theo dõi và hơn 15,32 triệu lượt truy cập…

Quảng bá du lịch, văn hóa

Mục đích ban đầu của những YouTuber nêu trên là giới thiệu địa điểm du lịch, con người và nét sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chính địa phương nơi họ sinh sống đến với người xem. Một số tranh thủ quảng cáo bán sản phẩm địa phương như mật ong rừng, thịt trâu gác bếp, măng lá và củ, mắc khén, hạt dổi… Tuy vậy, điểm chung là tất cả đều rất chịu khó đi, chịu khó tìm tòi trong xây dựng nội dung và mày mò dựng hình. Nhờ đó, với nhiều chủ đề khác nhau và rất độc, lạ, họ đã nhanh chóng thu hút được lượng người theo dõi đông đảo, đạt được Nút bạc (100 nghìn người theo dõi) qua đó giúp số lượt truy cập tăng lên. Rồi từ những bình luận, góp ý của người xem, họ tiếp thu để chỉnh sửa, cải tiến về nội dung, nâng cao chất lượng hình ảnh. Những video được các YouTuber thực hiện không còn là những clip ngắn dựa theo cảm hứng, quay bằng điện thoại thông minh mà có nội dung cụ thể, hình ảnh chất lượng cao, âm thanh tốt từ các thiết bị như máy ảnh, máy quay Gopro và flycam. Tất cả đều nhằm đáp ứng và thỏa mãn nhu cầu thưởng thức của người xem vốn ngày càng quan tâm hơn đến những địa điểm du lịch, văn hóa truyền thống của các địa phương hay chỉ đơn giản là ẩm thực của vùng cao.

Hoàng Hải cho biết, mặc dù lập kênh từ năm 2011 nhưng mãi đến năm 2019, anh mới theo đuổi nghiêm túc việc trở thành một YouTuber. Khi đó, Hải chỉ muốn ghi lại những hình ảnh đẹp về thị trấn Sa Pa nơi anh sinh sống, các chợ phiên và giới thiệu với khách du lịch mà nhà xe của anh hằng ngày vẫn đưa đón họ tham quan. Nhờ đó mà chỉ trong một năm, hàng trăm video của Sapa TV đã được người xem đón nhận, với số người theo dõi hiện đạt hơn 879 nghìn sub (đăng ký) và hơn 479 triệu lượt truy cập.

Tương tự là Vi Văn Tú của kênh Gái bản. Ban đầu chàng trai người Tày sinh năm 1989 cũng chỉ muốn ghi lại những nét văn hóa của mảnh đất Yên Bái quê hương anh. Nhưng hơn một năm qua, Vi Văn Tú quan tâm nhiều hơn đến công việc của một YouTuber, mặc dù anh vẫn đang làm việc tại Nhà máy Sản xuất thức ăn chăn nuôi Voi Vàng của Công ty cổ phần Việt Pháp ở Vĩnh Phúc. Anh chỉ có hai ngày nghỉ cuối tuần để lên nội dung rồi thực hiện video.

Ẩm thực Tây Bắc và chợ phiên luôn là chủ đề được các YouTuber khai thác. Điều này có thể khiến một số nội dung trùng lặp và trở nên nhàm chán. Nhưng quan trọng, họ biết cách khai thác những góc độ khác nhau để truyền tải thông điệp của mình, trong đó có việc kết hợp làm từ thiện, hỗ trợ cộng đồng. Những gì cần nói đều đã được các YouTuber thực hiện, qua đó giúp người xem hiểu rõ hơn về vùng Tây Bắc hùng vĩ, truyền thống văn hóa độc đáo và cuộc sống của người dân nơi đây.

Những hoạt động xã hội ý nghĩa

Bao nhiêu lượt view (lượt xem) thì các YouTuber nhận được tiền từ YouTube? Theo ông Nguyễn Thanh Thiện Tài, Giám đốc điều hành và người sáng lập Công ty Compa Marketing, việc YouTuber được trả bao nhiêu tiền từ 1.000 view phụ thuộc vào số người xem nhấp chuột vào quảng cáo và thị trường video họ cung cấp. Do đó, dù số lượt xem có thể xấp xỉ nhau, số tiền thu được từ các kênh YouTube vẫn có thể có sự khác biệt, chênh lệch. Chẳng hạn như tỷ lệ nhấp chuột vào quảng cáo tại Việt Nam ở khoảng 5% trên tổng số lượt xem. Như vậy, với một triệu lượt xem, số tiền YouTuber thu được từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng.

Thị xã Sa Pa (Lào Cai) là địa điểm được các YouTuber thực hiện nhiều video nội dung.

Thị xã Sa Pa (Lào Cai) là địa điểm được các YouTuber thực hiện nhiều video nội dung.

Chia sẻ vấn đề này, Vi Văn Tú của kênh Gái bản thừa nhận, số tiền họ nhận được từ YouTube có lúc cao, lúc thấp và thường không ổn định, chỉ chủ yếu dựa vào lượt người xem. Nguyễn Đức Tuệ, chủ kênh Rubathan, cũng có chung quan điểm và cho biết, trừ một số YouTuber, phần lớn họ vẫn chưa thể sống được hoàn toàn bằng nghề này.

Không dễ để các YouTuber vùng Tây Bắc ngày nào cũng có thể rong ruổi trên những cung đường hiểm trở, vào tận các bản sâu trên núi, nhất là mùa mưa bão, và hoàn chỉnh ít nhất một video để đăng trên tài khoản của họ. Càng không dễ nếu họ xem đây là một nghề để kiếm sống, trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày và duy trì niềm đam mê.

Điều đáng nói là dù các YouTuber này có sẵn điều kiện về kinh tế hay chỉ trông chờ vào nguồn tiền từ YouTube, họ cũng không chỉ sống vì bản thân mình. Bởi trước tiên, họ là những người con của vùng Tây Bắc, lớn lên từ nghèo khó và họ hiểu rõ cuộc sống của người dân tộc thiểu số vất vả như thế nào. Chính vì thế, khi có dịp được đi nhiều, gặp nhiều, họ càng cảm thông với những mảnh đời, những khó khăn mà người dân trải qua và sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết. Nói như Nguyễn Đức Tuệ, Tây Bắc mà cụ thể là Yên Bái quê hương anh, có vẻ đẹp hùng vĩ và còn nhiều bí ẩn thu hút du khách khám phá. Nhưng bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, kênh Rubathan vừa chia sẻ những hình ảnh tươi đẹp về Tây Bắc, đồng thời cũng phản ánh chi tiết những mảnh đời khó khăn nơi đây với hy vọng có sự giúp đỡ của cộng đồng để người dân quê anh có cuộc sống tốt hơn.

Trong khi đó, Hoàng Hải của Sapa TV để lại ấn tượng bằng nhiều hành động ý nghĩa như tự bỏ tiền lợp mái nhà cho hàng chục người dân sau đợt mưa đá, dông, lốc ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) hồi tháng 4/2020, giúp đỡ những người dân tỉnh Quảng Bình trong đợt bão lũ tháng 10/2020 hay chỉ đơn giản là chế biến những nồi cá kho tương riềng, bò sốt vang, cháo gà… biếu người nghèo các bản ở Lào Cai.

Hàng loạt hoạt động thiện nguyện như làm nhà, xây đường, xây cầu, tặng quà… đã được Vi Văn Tú thực hiện gần đây tại Yên Bái. Nổi bật nhất là việc anh huy động cộng đồng, các nhà hảo tâm giúp 26 hộ dân với hơn 50 nhân khẩu bản Cống Dua, thôn Làng Linh, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu hoàn thành con đường bê-tông dài 2 km lên bản với những đoạn dốc nguy hiểm, nằm sát bờ vực.

Các YouTuber của núi rừng như những hướng dẫn viên du lịch đang miệt mài giới thiệu cho du khách về phong tục, con người Tây Bắc nơi họ sinh sống. Không có gì chân thật, sống động hơn bằng các video mà họ tải lên mỗi ngày. Sự ủng hộ dành cho những kênh YouTube của họ qua mỗi cú nhấp chuột như like (thích), đăng ký, chia sẻ sẽ giống như việc chúng ta góp thêm từng nghìn đồng vào hoạt động thiện nguyện mà họ đang triển khai nhằm giúp cuộc sống của người dân các dân tộc thiểu số bớt vất vả hơn.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/nhung-youtuber-cua-nui-rung--668755/