Niềm vui Bánh tráng

Người thợ tráng bánh thủ công, tráng từng cái một ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa. Ảnh: TRẦN QUỚI

1. Sau bao năm rời gia đình đi học, đi làm rồi ra riêng, tôi và gia đình nhỏ của mình vẫn giữ thói quen ăn bánh tráng. Ăn bánh tráng điểm tâm sáng. Ăn bánh tráng chung với bữa cơm khi có nhiều món hợp với bánh tráng như rau sống, thịt luộc, chả cá chiên… Giữa buổi bất chợt đói lòng lại bánh tráng. Hồi trước, ở quê mỗi khi có việc phải mướn thợ về làm cho nhà mình, chủ nhà thường mua bánh tráng về cho thợ ăn giữa buổi. Nhà làm bánh tráng thì càng tiện. Sáng, trưa, chiều, tối đều có thể ăn bánh tráng, có khi có “nhưn” để cuốn, có lúc đơn giản là bánh ướt phết mỡ hẹ, hay bánh tráng sống cuốn bánh tráng chín, chấm hoặc chan vào bên trong cuốn bánh nước mắm dằm ớt cũng có thể no bụng, qua bữa…

Có lẽ vậy mà quá nửa đời phiêu bạt, tôi và chắc nhiều người ra đi từ làng quê nghèo khó đều có tình cảm sâu đậm với bánh tráng. Riêng tôi thì bảo thủ hơn, phải ăn bánh tráng ở Hòa Đa, nơi có làng nghề truyền thống làm bánh tráng lâu đời và quy mô nhất của Phú Yên, mà phải là bánh tráng tay, tức làm thủ công chứ không tráng máy. Chưa có căn cứ lý giải một cách tường minh vì sao bánh tráng thủ công ăn ngon, dẻo hơn bánh tráng làm bằng máy, nhưng thực tế thì nó ngon hơn thật, dẻo hơn thật và cũng đắt hơn đôi ba giá.

Những vỉ bánh tráng được mang ra phơi nắng. Ảnh: TRẦN QUỚI

Những vỉ bánh tráng được mang ra phơi nắng. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bánh tráng là loại thực phẩm dễ ăn, chế biến được nhiều món. Trong mâm cơm cúng gia tiên ngày tết không thể thiếu bánh tráng nướng. Bánh tráng cuốn thịt heo ba chỉ luộc (ngày tết hay có thịt rọng mắm) kèm với rau sống, dưa leo, mắm ngon, ớt xiêm dằm… ăn quên cả no. Chao ôi! Cái vị ngọt, béo, đậm đà của thịt heo, nước mắm, cái tươi xanh của rau sống quyện cùng độ dẻo thơm mùi nắng của bánh tráng, bánh nướng chín trên lửa than giòn rụm, tạo nên hương vị tuyệt vời, cứ gọi là đọng mãi trên đầu lưỡi.

Người dân Hòa Đa vẫn truyền nhau câu ca: Cá diếc bàu Súng rất ngon/ Ăn rồi còn nhớ những con sau này/ Thịt heo luộc thật khéo tay/ Bánh tráng chín dẻo mấy ngày cũng ăn!

Với tôi, bánh tráng không chỉ là thực phẩm, hương vị mà đã trở thành tình cảm, máu thịt. Tôi là con nhà nhiều đời làm bánh tráng, lớn lên được học hành, nên người cũng từ những chiếc bánh tráng. Tôi làm được tất cả các công đoạn để có cái bánh tráng, nên thấu hiểu được sự cực nhọc, tâm huyết của người làng nghề.

2. Cuối tháng Chạp Tân Sửu bước sang năm mới Nhâm Dần 2022, tôi vui, nhiều người vui vì nhận được thông tin nghề thủ công truyền thống làm bánh tráng ở Phú Yên được Bộ VH-TT-DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cùng với nghề thủ công truyền thống làm nước mắm cũng ở xứ này. Niềm vui nhân đôi nên tôi đã báo ngay với bà chị ở nhà, cùng những người làng nghề biết tin này trong mùa cao điểm nhất của nghề trong một năm: Bánh tráng tết!

Bánh tráng cuốn thịt luộc, món ngon khiến du khách thích thú khi đến Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI

Bánh tráng cuốn thịt luộc, món ngon khiến du khách thích thú khi đến Phú Yên. Ảnh: TRẦN QUỚI

Chắc là sẽ vui, vui lắm với người dân làng nghề, vì đây là lần đầu tiên, cái nghề tráng bánh này được Nhà nước công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện ngoài làng nghề bánh tráng Hòa Đa (huyện Tuy An), Phú Yên còn có làng nghề bánh tráng Đông Bình (huyện Phú Hòa) và nhiều người làm nghề rải rác ở các nơi trên địa bàn tỉnh.

Trong thời buổi công nghiệp hóa, làng nghề bánh tráng cũng hiện đại một phần, nhiều hộ chuyển sang làm bánh tráng máy, năng suất gấp cả chục lần làm bánh tráng thủ công. Nhưng không ít hộ vẫn giữ nghề truyền thống, vì nhiều lý do, trong đó có cả tình cảm, yêu nghề.

Có người trăn trở bánh tráng Phú Yên còn đơn điệu về sản phẩm, chủng loại, hình thức. Chỉ đơn thuần là bánh tráng làm từ gạo nguyên chất, có khi gạo trắng, có khi gạo đỏ (gạo lứt), bánh tráng pha mè dùng để nướng, chứ không có bánh tráng nước dừa, bánh tráng pha mắm nhân tôm, bánh sắn, bánh tráng xoài… như nhiều nơi khác.

Suy nghĩ đó cũng có lý bởi nhu cầu hiện tại của người tiêu dùng, nhưng cái gốc sâu xa nó vẫn là nghề truyền thống. Cứ giữ gìn thật tốt cốt cách truyền thống, đồng thời không bảo thủ, mà mở lòng để tiếp nhận nhu cầu của thị trường, học tập những điều hay trong sự hợp lẽ để có sản phẩm bánh tráng ngon, phong phú, đa dạng loại hình, mẫu mã.

Nghề làm bánh tráng truyền thống được Nhà nước công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là động lực tinh thần, tiền đề quan trọng cho câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không chỉ trong cộng đồng, địa phương mà lan tỏa xa hơn đến bạn bè, du khách bốn phương biết đến và trải nghiệm. Câu chuyện đó rất cần sự định hướng, dẫn dắt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, sự đồng hành của truyền thông, của doanh nghiệp du lịch và nhiều bên nữa với cộng đồng làng nghề bánh tráng (cũng như nước mắm) và những làng nghề truyền thống nói chung.

TRẦN QUỚI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270393/niem-vui-banh-trang.html