Niềm vui của giáo viên hợp đồng được tuyển dụng đặc cách
Sau hơn 1 năm đấu tranh đòi quyền lợi, gần 2.000 giáo viên hợp đồng Hà Nội đã vượt qua kỳ thi tuyển viên chức để được tiếp tục đứng trên bục giảng.
Niềm vui khi được tuyển dụng
Cách đây hơn 20 năm, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội cô Vũ Thị Yến, đã ký hợp đồng dạy cho trường Trường tiểu học Phú Minh (huyện Sóc Sơn). Giáo viên hợp đồng lương thấp, bị 'phân biệt đối xử' nhưng cô luôn nỗ lực công tác, năm nào cũng có học sinh thi học sinh giỏi cấp thành phố.
Cô Yến cho biết đã 1- 2 lần đi thi “vào biên chế” nhưng đều trượt và cô cũng xác định sẽ không tham gia kỳ thi trước mắt vì nếu thi vẫn sẽ trượt. “Người thi trượt như tôi vẫn phải làm những nhiệm vụ chuyên môn chính, bồi dưỡng học sinh giỏi trong trường”, cô Yến chia sẻ và tha thiết mong được xét đặc cách để tiếp tục công việc giảng dạy.
Còn thầy Nguyễn Văn Hùng - giáo viên giáo viên hợp đồng Trường THCS Phú Minh tâm sự: Là giáo viên hợp đồng nên các thầy cô phải rất cố gắng, thậm chí cố gắng bằng 200%. Bản thân thầy Hùng cũng là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm, giải nhất giáo viên giỏi cấp huyện, giải ba cấp thành phố.
“Do vậy, khi nhận được thông tin nguy cơ cắt hợp đồng nếu không đỗ kỳ thi viên chức, tôi cảm thấy thất vọng nhiều hơn là buồn. Chúng tôi đã cống hiến như vậy nhưng chỉ được đánh giá qua 1 bài thi, mà thi cử thì không nói trước điều gì. Nếu trước đây còn trẻ chúng tôi có thể chuyển sang nghề khác để làm, nhưng giờ, nếu đánh đổi nhiều năm cống hiến chỉ qua một kỳ thi thì ai cũng rất buồn”, thầy Hùng nói.
Đến đầu năm 2019, thành phố tổ chức thi biên chế nhưng lại không có ưu tiên gì đối với giáo viên hợp đồng lâu năm. Tham gia thi tuyển với những giáo viên mới ra trường thì các thầy cô lớn tuổi sẽ nắm chắc phần trượt và sẽ mất việc, không còn được đứng trên bục giảng.
Sau đó, nhờ sự vào cuộc của dư luận kèm theo chuỗi ngày hơn 1 năm đấu tranh đòi quyền lợi, các giáo viên hợp đồng đã được tuyển dụng đặc cách. Tháng 6/2020, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã thông báo kết quả tuyển dụng viên chức giáo viên năm 2020 đối với các giáo viên ký hợp đồng từ 31/12/2015 trở về trước. Theo đó, hầu hết giáo viên hợp đồng đều đã trúng tuyển.
Tại huyện Sóc Sơn, 124 giáo viên hợp đồng dự thi thì chỉ có 4 thí sinh không trúng tuyển do điểm thấp hơn người đăng ký cùng vị trí. Tại thị xã Sơn Tây, có 88 người đăng kí dự thi, chỉ có 1 thí sinh không tham gia sát hạch, còn lại 87 người đều đỗ sau khi đạt điểm thực hành trên 50.
Huyện Hoài Đức có 89 thí sinh dự thi, tất cả đều vượt qua bài thi thực hành với điểm số cao. Huyện Phúc Thọ hơn 200 giáo viên hợp đồng thi, cũng chỉ có vài ba người trượt Tại huyện Ba Vì - nơi các giáo viên hợp đồng lâu năm đã bị chấm dứt hợp đồng khi kết thúc năm học 2018-2019 thì đến nay hầu hết đã nhận được “trái ngọt”. 156 giáo viên dự thi, thì chỉ có 6 người trượt do rơi vào “thế” phải cạnh tranh.
Theo đuổi đam mê với nghề
Được tuyển dụng trong kỳ thi công chức là niềm vui lớn đối với nhiều giáo viên hợp đồng. Do đó, những giáo viên được tuyển dụng, có nhiều người phải đi dạy xa nhà đến các huyện Chương Mỹ, Hoài Đức, Ứng Hòa. Tuy nhiên, tâm trạng ai cũng hồ hởi, sẵn sàng lên đường để được theo đuổi đam mê với nghề.
Thầy Phùng Đức Tăng - giáo viên dạy Toán có 18 năm gắn bó với Trường THCS Phú Sơn (Ba Vì) phải đi xa nhà tới 60 km đến dạy ở Trường THCS Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), nhưng khoảng cách địa lý không làm chùn bước chân người thầy.
Giọng trầm buồn, thầy Tăng nhớ lại: Kết thúc năm học 2018-2019, huyện Ba Vì chấm dứt hợp đồng với các giáo viên. Để trang trải cuộc sống, tôi đã phải bươn trải rất nhiều nghề, mùa hè rong ruổi đi lắp đặt điều hòa, hết mùa lại đi làm điện nước, rồi khung nhôm cửa kính, hàn xì, ai có việc gì thì tôi làm nấy với ngày công 200 nghìn đồng.
“Suốt 18 năm cống hiến cho ngành giáo dục, trải qua 6 kỳ thi tuyển viên chức, cuối cùng tôi cũng đã được vào biên chế. Gánh nặng về 5 kỳ thi tuyển viên chức nhưng bị trượt, giờ đây mới được trút bỏ. Tôi đã vượt qua được chính mình và quan trọng hơn là được tiếp tục đứng trên bục giảng. Nhiều bạn bè, người thân khi biết tôi đỗ đã động viên, chúc mừng, vợ, con cũng vui lây” - thầy Tăng kể.
Mặc dù phải đi dạy xa nhà hơn 15km, nhưng thầy Nguyễn Văn Thắng - giáo viên Sinh học, Trường THCS Cẩm Bình (huyện Phúc Thọ) không giấu nổi niềm vui: Năm 2020, tôi đã trúng tuyển trong kỳ thi viên chức giáo dục nhờ chính sách xét tuyển ưu tiên của thành phố đối với giáo viên hợp đồng lâu năm.
Dù phải rời Trường THCS Cẩm Bình sau 9 năm gắn bó để đến dạy ở Trường THCS Tam Hiệp cách xa nhà 15km, nhưng với tôi khoảng cách đó chỉ là “chuyện nhỏ”, bởi từ năm học này tôi đã có niềm vui lớn là được tiếp tục gắn bó với nghề dạy học.
“Nhiều năm trong nghề, đã tham gia 2-3 kỳ thi tuyển viên chức nhưng đến tận năm 2020 mới được vào biên chế. Trong 3 năm vừa qua, cuộc sống đã bớt khó khăn hơn trước, tôi đã yên tâm công tác, cống hiến cho ngành giáo dục huyện nhà, đã đạt được nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi”- thầy Thắng tâm sự.
Là một trong những giáo viên hợp đồng may mắn được giảng dạy ở ngôi trường cũ, cô Nguyễn Bích Thủy ở huyện Sóc Sơn tâm sự: Trong 3 năm vừa qua, cuộc sống của tôi đã ổn định hơn so với trước rất nhiều. Dù có những giáo viên hợp đồng phải đi dạy xa nhà hơn, nhưng ai nấy đều vui vẻ chấp nhận vì vẫn còn cơ hội đứng trên bục giảng, vẫn được yên tâm cống hiến vì các thế hệ học trò.
Để khắc phục những bất cập trong quản lý, sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế, Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với số giáo viên đã có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí cần tuyển dụng.