Niềm vui những con đường mới
Một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam có khả năng hoàn thành sớm hơn kế hoạch từ 3 - 6 tháng, thậm chí có thể là 8 tháng; hai dự án cuối cùng trên tuyến đường Hồ Chí Minh đã được khởi công, cụ thể hóa mục tiêu nối thông toàn tuyến vào năm 2025. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tiếp tục là một trong những Bộ, ngành có mức giải ngân vốn đầu tư công cao trong cả nước… Đây là những thông tin đáng mừng.
Về kết cấu hạ tầng, theo Bộ GTVT, 6 tháng đầu năm 2024, ngành GTVT ghi nhận 4 dự án đường cao tốc đã hoàn thành đưa vào khai thác; trong đó 2 dự án đường bộ cao tốc được đầu tư theo hình thức BOT là Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Diễn Châu - Bãi Vọt vào ngày 30/6 đã kịp thời đưa vào khai thác 19km còn lại đoạn QL46B đến Bãi Vọt. Qua đó đưa vào khai thác toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nối thông và rút ngắn thời gian đi từ Hà Nội đến Vinh và từ TP HCM đến Nha Trang, nâng tổng số km đường bộ cao tốc trên cả nước lên hơn 2.000km.
Có 6 dự án đường sắt giai đoạn 2021 - 2025 cũng đã được phê duyệt và đang triển khai công tác lựa chọn nhà thầu với 1 dự án ODA và 1 dự án sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2022, 2 dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP HCM đang được tập trung tháo gỡ, dự kiến tuyến Nhổn - ga Hà Nội đưa vào khai thác tháng 7/2024, tuyến Bến Thành - Suối Tiên đưa vào khai thác tháng 12/2024.
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông là một trong những đột phá chiến lược được xác định tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Lịch sử thế giới đã chứng minh, muốn phát triển, giao thông phải đi trước một bước. Trước đây, do một số nguyên nhân về quy hoạch, sự hạn chế về nguồn lực, nhất là nguồn lực tài chính, nên từng có lúc hạ tầng GTVT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Cách đây khoảng 10 năm, ít ai dám hình dung đất nước sẽ có mạng lưới GTVT phát triển như hiện nay; như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kết thúc chuyến công tác tại Hàn Quốc. Trong nhiều kinh nghiệm của Hàn Quốc có hạ tầng. Chính vì thế, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi Hàn Quốc đóng góp vào dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Sắp tới đây, còn nhiều đại dự án khác được triển khai. Đường đến đâu, hàng hóa giao thương, kinh tế - xã hội phát triển tới đó. Đặc biệt, thời đại chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu, không có quốc gia nào trở thành thành tố của chuỗi cung ứng đó nếu GTVT chắp vá, lạc hậu, không đáp ứng yêu cầu.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/niem-vui-nhung-con-duong-moi-post517728.html