Ninh Bình: Lấy công nghiệp văn hóa làm đòn bẩy phát triển du lịch
Ngày 9/5, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình phối hợp với Báo Tiền phong tổ chức hội thảo 'Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh'.
Dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước cùng hàng chục doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội thảo.
Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định, đây là diễn đàn có ý nghĩa thiết thực, nơi đón nhận những ý kiến tâm huyết, trí tuệ có tính định hướng, tầm nhìn dài hạn và đưa ra các giải pháp mang tính đột phá dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững du lịch tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước. Đây là cơ sở để Ninh Bình luôn kiên định các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng "xanh, bền vững và hài hòa"; phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản hỗn hợp Quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch của quốc gia và quốc tế.
Ninh Bình ý thức sâu sắc rằng, du lịch không chỉ là khai thác tài nguyên mà phải gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Vì thế, Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8% GRDP. Để làm được điều đó, tỉnh cần mở ra, đánh thức kho di sản văn hóa, biến văn hóa thành động lực - thông qua công nghiệp văn hóa, sáng tạo, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, kết hợp với các giá trị văn hóa bản địa, nghệ thuật, ẩm thực, làng nghề... Đồng thời, tỉnh ứng dụng công nghệ số, thu hút các dự án đầu tư chất lượng như “đô thị di sản thiên nhiên” để tạo đột phá.

Tổng Biên tập Báo Tiền phong Phùng Công Sưởng phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, nhà báo Phùng Công Sưởng, Tổng Biên tập Báo Tiền phong cho rằng, để du lịch Ninh Bình tiếp tục phát triển bền vững, có chiều sâu và mang lại giá trị kinh tế cao, đạt được những thành tựu mới, cần một “cú hích”, một đòn bẩy chiến lược - chính là công nghiệp văn hóa.
Các chuyên gia nhận định tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa tại Ninh Bình rất lớn. Tỉnh có các làng nghề truyền thống như thêu ren Văn Lâm, chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân, hát chèo, hát xẩm, ca trù; có những truyền thuyết dân gian gắn với vua Đinh - vua Lê có thể trở thành kịch bản sân khấu hóa đặc sắc… Khi công nghiệp văn hóa được lồng ghép và phát triển song hành cùng du lịch, Ninh Bình sẽ có nhiều khác biệt, độc đáo ghi dấu trong lòng du khách.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo.
Ghi nhận, đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng, hội thảo không chỉ là hoạt động chuyên môn có ý nghĩa thực tiễn cao, mà còn là một bước đi cụ thể trong tiến trình hiện thực hóa Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia.
Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ luôn đồng hành cùng tỉnh trong việc thể chế hóa các định hướng phát triển công nghiệp văn hóa gần với du lịch. Bộ sẽ hỗ trợ về mặt chính sách, kết nối nguồn lực đầu tư, tư vấn chuyên môn và kêu gọi sự tham gia của các tổ chức văn hóa, mạng lưới sáng tạo trong, ngoài nước vào các dự án cụ thể của tỉnh. arnh
Để hội thảo thu được nhiều kết quả, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các đại biểu tập trung chia sẻ thẳng thắn, có trách nhiệm, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn; trong đó, tập trung vào các giải pháp như: Tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm du lịch văn hóa, xây dựng sản phẩm và dịch vụ văn hóa đặc trưng theo vùng miền, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ những tiềm năng, thế mạnh, giải pháp để đưa du lịch phát triển dựa trên nền tảng công nghiệp văn hóa trong hai phiên thảo luận “Lợi thế vàng của Ninh Bình để thúc đẩy du lịch” và “Công nghiệp văn hóa là động lực thúc đẩy du lịch”.