Ninh Bình phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên lợi thế cạnh tranh, gắn với đô thị di sản, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là xu thế đang diễn ra mạnh mẽ, tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại nhiều Quốc gia, đặc biệt tại hơn 350 thành phố thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN). Bắt kịp nhanh xu hướng chung của thế giới, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã sớm xác định phát triển Cố đô Hoa Lư và hai đô thị trực thuộc là thành phố Hoa Lư và thành phố Tam Điệp trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa mới của khu vực đồng bằng Sông Hồng. Đồng thời, tỉnh cũng tích cực xây dựng lộ trình gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) giai đoạn tiếp theo dựa trên các lợi thế cạnh tranh của các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng bền vững.
Vậy lợi thế cạnh tranh của Ninh Bình trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là gì? Quá trình tiến hành các dự án nghiên cứu tiền khả thi đã phần nào chỉ ra, di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng, độc đáo tại Cố đô Hoa Lư và hai thành phố trực thuộc chính là thế mạnh ưu trội của tỉnh trong phát triển công nghiệp văn hóa như là một kênh gia tăng sức mạnh mềm văn hóa, định vị thương hiệu địa phương trong kết nối quốc tế.
Với 1.821 di tích thuộc nhiều loại hình khác nhau, 430 di sản văn hóa phi vật thể được định hình trong đời sống cộng đồng, đặc biệt tại những nơi có di sản thiên nhiên độc đáo như Quần thể danh thắng Tràng An (hệ thống các hang động, thung nước, rừng cây và Kinh thành xưa của Cố đô Hoa Lư), Khu du lịch Tam Cốc-Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Công viên động vật hoang dã Quốc gia Việt Nam, vùng ven biển Kim Sơn-Cồn Nổi thuộc khu dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng, động Thiên Hà, Sông Hoàng Long, núi Kỳ Lân, chiến khu Quỳnh Lưu, Phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, hồ Đồng Thái, hồ Yên Quang, hồ Yên Thắng… Ninh Bình đã và đang phát huy lợi thế cạnh tranh bằng các kế hoạch triển khai có trọng tâm nhóm ngành du lịch văn hóa gắn với điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn và chuỗi các sự kiện truyền thông mang tính tích hợp tại các trọng điểm là các điểm đến di sản văn hóa và thiên nhiên thuộc Cố đô Hoa Lư, thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp.
Các số liệu thống kê ban đầu đang khẳng định, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp quan trọng vào GRDP địa phương. Đồng thời, các nhóm ngành ưu tiên đã có sự bứt phá mạnh mẽ tại các đô thị di sản tạo nên diện mạo mới của một trung tâm công nghiệp văn hóa giàu tiềm năng tại Ninh Bình. Trong đó, du lịch nói chung và ngành du lịch văn hóa nói riêng có đóng góp quan trọng nổi bật vào GRDP của tỉnh. Nếu như năm 2010, doanh thu hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 551 tỷ đồng, thì đến năm 2024, con số này đã tăng hơn 16,5 lần và đạt mức cao với 9.100 tỷ đồng. Giá trị gia tăng của ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống của tỉnh Ninh Bình đạt 5.430,1 tỷ đồng năm 2024, cao gấp 10,28 lần so với cùng kỳ năm 2010.
Thành công nêu trên chính là minh chứng sống động cho hướng đi phát triển du lịch văn hóa bền vững dựa trên sự bảo tồn và phát huy sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ văn hóa gắn với các ngành công nghiệp văn hóa có liên quan như thủ công, thời trang, điện ảnh, sự kiện truyền thông, sự kiện thể thao của tỉnh nói chung và các đô thị di sản nói riêng. Trong thời gian qua, các hoạt động nghệ thuật biểu diễn gắn với các hoạt động vui chơi và giải trí nói chung; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh; phần mềm và các trò chơi giải trí đã có sự tăng trưởng theo hướng tịnh tiến, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn hóa của toàn tỉnh nói chung và ở các đô thị trong diện quy hoạch nói riêng.
Sau đại dịch COVID-19, nhóm ngành này đã hồi phục tương đối ngoạn mục khi tập trung vào thị phần tiêu dùng tại đô thị với tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng vào khoảng 6,29% năm 2023. Nhóm các ngành công nghiệp văn hóa có tính liên ngành, xuyên ngành và dựa nhiều vào các điểm đến di sản văn hóa, thiên nhiên tại các thành phố Ninh Bình, Tam Điệp, Cố đô Hoa Lư không chỉ đóng góp vào GRDP (khoảng 359 tỷ đồng, hay 0,4% GRDP của tỉnh Ninh Bình) năm 2023, mà quan trọng hơn là nó còn tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại các doanh nghiệp trẻ. Điều này đã góp phần tạo công ăn việc làm cho những lao động sáng tạo hoạt động (có 986 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong các ngành này năm 2023).
Những số liệu ban đầu cũng nhấn mạnh, nhóm ngành này có năng suất lao động ở mức khá trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình (đạt mức 363,9 triệu đồng/lao động năm 2023). Năm 2022, có khoảng 11 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí, với tổng số 833 lao động (trong đó có 406 lao động nữ) đang làm việc trực tiếp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Một trong những nhóm ngành quan trọng đã phát huy triệt để lợi thế cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hệ thống di sản ken dày tại các đô thị đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh Ninh Bình đó là sự kết nối nhóm ngành quảng cáo, truyền hình và phát thanh. Trên thực tế, giá trị gia tăng của ngành thông tin và truyền thông sự kiện tích hợp với thời trang, âm nhạc, lễ hội truyền thống, lễ hội mới cùng các sự kiện thể thao trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt mức 1.716 tỷ đồng năm 2023, cao gấp 2,42 lần so với năm 2010.
Ngành Thông tin và Truyền thông đã tạo ra được nhiều việc làm mới cho 1.509 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc vào năm 2023, đồng thời đóng góp 1,9% vào GRDP của tỉnh Ninh Bình theo giá hiện hành. Trong bối cảnh chuyển đổi số, ngành Thông tin và Truyền thông được xác định là ngành động lực thúc đẩy sáng tạo với năng suất lao động tương đối cao, đạt mức 1,138 tỷ đồng/lao động năm 2023 (cao gấp 6,23 lần so với năng suất lao động bình quân hàng năm của tỉnh Ninh Bình trong cùng thời kỳ). Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022 có khoảng 14 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành Thông tin và Truyền thông với tổng số 38 lao động (trong đó có 15 lao động nữ) đang làm việc trực tiếp.
Tỉnh Ninh Bình cũng được đánh giá là một trong những tỉnh đang bắt đầu quan tâm đầu tư thích đáng hơn tới vai trò và vị trí của ngành công nghiệp văn hóa nói chung cũng như ngành Thông tin và Truyền thông trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Chỉ tính riêng khoản chi thường xuyên cho chi sự nghiệp văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình, thông tấn, thể dục thể thao trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình năm 2023 cũng đạt mức 363 tỷ đồng (cao gấp 1,54 lần so với mức chi thường xuyên cùng kỳ năm 2018). Những “con số biết nói” trên dù chưa toàn diện, đầy đủ và chính xác nhưng phần nào cho thấy một bức tranh đa dạng thể hiện sự năng động của Ninh Bình trong việc định hình một trung tâm công nghiệp văn hóa mới tại vùng đồng bằng Sông Hồng tại cụm đô thị di sản giàu bản sắc văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đa dạng, độc đáo gắn với năng lực khởi nghiệp sáng tạo của các doanh nghiệp.
Mặc dù đã có nhiều thành công trong quá trình phát huy lợi thế phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng không thể phủ nhận, những bước chuyển của Ninh Bình chưa phát huy hết sức mạnh của “vùng đất địa linh, là nơi chứa những vật báu của trời, nơi nổi tiếng có nhiều thắng cảnh” đã từng được cha ông ta nhấn mạnh trong sử sách.
Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trên có một phần từ sự thiếu kết nối chặt chẽ trong việc phát huy vai trò của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong việc tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có tính kết nối liên ngành dựa trên khai thác, phát huy có hệ thống nguồn lực di sản và thiên nhiên của tỉnh, đặc biệt tại các đô thị di sản trên địa bàn tỉnh. Để giải quyết những thách thức đặt ra sẽ cần nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tạo sự kết nối thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo để chuyển hóa tài nguyên di sản văn hóa, di sản thiên nhiên thành chất liệu cho các thiết kế sản phẩm, dịch vụ văn hóa mới có tính độc đáo, giàu bản sắc, có khả năng thu hút, hấp dẫn người tiêu dùng và định vị thương hiệu sáng tạo của các đô thị di sản của Ninh Bình, đặc biệt là khi Hoa Lư chính thức trở thành thành phố bao gồm huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình mang trong lòng Cố đô Hoa Lư nghìn năm tuổi.
Trong bối cảnh đó, mẫu số chung của các thành phố từng là Cố đô của một số vương quốc xưa tại khu vực Châu Á như Joenju (Hàn Quốc), Chiangmai (Thái Lan), Thành Đô (Trung Quốc) khi gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UCCN là xác định rõ các giải pháp phát huy nguồn lực văn hóa, trong đó chú trọng nguồn lực di sản và cơ chế đầu tư có trọng tâm làm động lực thúc đẩy kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo theo hướng bền vững sẽ là những gợi mở cần thiết đối với tỉnh Ninh Bình.
Dựa trên các gợi mở từ kinh nghiệm quốc tế, căn cứ vào tình tình thực tế, trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ tiếp tục xác định rõ hơn lộ trình phát triển để thành phố Hoa Lư chính thức trở thành một phần của UCCN và định vị thành phố như “vùng lõi sáng tạo” của trung tâm công nghiệp văn hóa, trung tâm tổ chức sự kiện truyền thông của tỉnh.
Để hiện thực hóa lộ trình này, việc xây dựng triển khai các kế hoạch, đề án, nhiệm vụ cụ thể cần dựa trên các kết quả nghiên cứu tiền khả thi đã được thực hiện trong giai đoạn trước đó như: Đề án nghiên cứu đánh giá tiền khả thi về khả năng gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO tại Ninh Bình (2024). Mặt khác, thành phố Hoa Lư cũng cần tiếp tục cập nhật các tiêu chí chi tiết theo từng năm của mạng lưới UCCN ở lĩnh vực có thế mạnh nhằm xây dựng, triển khai các giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa ở lĩnh vực xác định là lựa chọn tiên quyết của thành phố, ví dụ như nghệ thuật truyền thống hay điện ảnh, hoặc thủ công và nghệ thuật dân gian.
Việc xây dựng Nghị quyết về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2025-2035, định hướng đến năm 2050 cũng cần kiên định quan điểm phát triển công nghiệp văn hóa ở Ninh Bình là phát triển một ngành kinh tế mũi nhọn dựa vào tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên, thành lập Ủy ban Tư vấn sáng tạo, hình thành cơ chế hợp tác công-tư, thu hút đầu tư-tài trợ cho văn hóa, xây dựng, vận hành quỹ sáng tạo, thí điểm đầu tư mạo hiểm cho các dự án tiềm năng có tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo tại các cụm đô thị di sản, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế của các ngành công nghiệp văn hóa, từ đó nâng cao sức mạnh mềm văn hóa của toàn tỉnh Ninh Bình nói chung và định vị thương hiệu thành phố sáng tạo của thành phố Hoa Lư trong kết nối mạng lưới các thành phố sáng tạo UCCN trong tương lai không xa.
PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương
Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam