Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới
là chủ đề của Hội thảo khoa học do UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức sáng 23/3. Hội thảo nằm trong khuôn khổ các sự kiện nhân dịp kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh.
Đến dự ngoài lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, còn có các giáo sư, tiến sỹ, nhà nghiên cứu lịch sử, nhà khoa học đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu như Viện Sử học, Viện Văn học, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Ninh Bình, Hội Di sản Văn hóa Ninh Bình; các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hoa Lư, Đại học Trần Đại Nghĩa… cùng các nhà quản lý chính quyền, quản lý văn hóa, du lịch…
Phát biểu tham luận, PGS.TS Trần Đức Cường - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: Ninh Bình là một vùng cổ xưa của đất nước. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một số di tích thời đại đồ đá cũ ở khu vực núi Ba (Tam Điệp) có niên đại khoảng 30 vạn năm. Đã có không ít công trình nhắc đến vùng đất Ninh Bình trong lịch sử như Việt sử lược, An Nam chí lược, Dư địa chí, Đại Việt sử ký toàn thư…
Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Ninh Bình đã có nhiều biến đổi về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Quá trình biến đổi ấy luôn gắn với sự biến đổi của đất nước. Từ việc xây dựng Nhà nước phong kiến độc lập, các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm (từ giặc Tống, Nguyên – Mông, Minh, Thanh đến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ…) thì vùng đất Ninh Bình, con người Ninh Bình đã có nhiều đóng góp sức người, sức của cùng với nhân dân cả nước bảo vệ vững chắc lãnh thổ, lãnh hải của quốc gia, giải phóng, thống nhất đất nước.
Hội thảo nhằm làm rõ hơn về mảnh đất, con người và những đóng góp của Ninh Bình trong tiến trình lịch sử, kỷ niệm 200 năm Danh xưng Ninh Bình và 30 năm tái lập tỉnh Ninh Bình. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 52 bài tham luận, nghiên cứu về Ninh Bình trên nhiều góc độ, nhiều lĩnh vực.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn cảm ơn những tham luận, những ý kiến đóng góp sâu sắc của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Hy vọng cuộc hội thảo lần này sẽ là dịp để chúng ta làm rõ hơn nữa, tìm hiểu kỹ hơn nữa về truyền thống văn hiến của nhân dân Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử, các di sản và giá trị vật chất cũng như tinh thần cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển để vùng đất cố đô Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.