Ninh Bình và thành quả từ tư duy phát triển hài hòa, bền vững - Bài 3: Hệ thống hành chính phục vụ
Ninh Bình xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số là một trong những khâu đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên có tính quyết định trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, hướng tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Bằng các giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và nỗ lực của cán bộ, công chức, Ninh Bình đã vươn lên nhóm các tỉnh tốp đầu cả nước về CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh.
Dân yêu cầu phải tận tâm
Tới UBND xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, ấn tượng ngay với chúng tôi là khẩu hiệu "10 nguyên tắc giao tiếp với công dân" được treo ngay chính giữa Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Xích Thổ. Khẩu hiệu ghi rõ: "Dân đến phải chào hỏi, dân hỏi được tư vấn, dân yêu cầu phải tận tâm, dân chờ được xin lỗi, dân phàn nàn phải lắng nghe, dân về được hài lòng...". Khẩu hiệu xác định rất rõ về trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ, nhưng chất lượng thực thi thế nào lại là câu hỏi gây tò mò với chúng tôi.
Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Vương (60 tuổi), ở thôn Đại Hòa, đang nhận thẻ bảo hiểm y tế tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả xã Xích Thổ. Ông Vương cho biết, bây giờ người trẻ thì làm các thủ tục hành chính (TTHC) qua internet, còn người có tuổi như ông thường lên trực tiếp nộp hồ sơ và nhận kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã. Ví như, để đăng ký bảo hiểm y tế tự nguyện cho hai vợ chồng, ông Vương chỉ cần điện thoại hỏi công chức phụ trách lĩnh vực lao động-thương binh và xã hội về những giấy tờ cần mang theo, sau đó mang tới nộp, làm thủ tục và sau khoảng 8 ngày ông đã nhận được thẻ bảo hiểm y tế. "Tôi chỉ cần mang hồ sơ đến một lần và sau đó chờ đến lịch hẹn nhận kết quả. Mọi vướng mắc đều được cán bộ hướng dẫn chi tiết. Tôi cảm thấy rất hài lòng", ông Vương nói.
Giới thiệu cho chúng tôi quy trình giải quyết TTHC tại xã, đồng chí Quách Văn Tuấn, công chức tư pháp-hộ tịch tại UBND xã Xích Thổ cho biết: "Ở văn phòng làm việc của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đã niêm yết rõ danh mục các TTHC, thời gian giải quyết thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại UBND cấp xã. Thông qua việc ghi cụ thể cùng sự hướng dẫn của cán bộ, người dân sẽ biết mình cần phải làm gì, cần chuẩn bị giấy tờ gì nên mọi thủ tục được giải quyết thuận tiện. Đặc biệt, khi cán bộ giải quyết không đúng hẹn, phải có công văn xin lỗi, hay điện thoại tới người dân giải thích lý do trễ hẹn và mong người dân thông cảm".
Không chỉ tại xã Xích Thổ, quá trình khảo sát tại Ninh Bình, chúng tôi nhận thấy, công tác chuyển đổi số của tỉnh được tiến hành đồng bộ, bài bản từ cấp tỉnh cho đến cơ sở; qua đó nâng cao hiệu quả công việc, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tỉnh Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là địa phương thực hiện thí điểm chuyển đổi số.
Minh bạch, chống sách nhiễu
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình đi vào hoạt động từ tháng 10-2020 thể hiện quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hiện Trung tâm đang tích hợp nhiệm vụ của 23 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, thực hiện gần 1.400 TTHC, trong đó có 864/905 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Đến nộp hồ sơ thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp của Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Quang Minh tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình, chị Hoàng Thị Bích Thùy, kế toán thuế của công ty bày tỏ sự hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư. Cán bộ hướng dẫn rõ ràng, tiếp nhận nhanh chóng và hẹn sau 3 ngày làm việc doanh nghiệp sẽ nhận được kết quả. Theo đồng chí Phạm Thị Phương Dung, chuyên viên Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), với mô hình của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, người dân, doanh nghiệp chỉ tiếp xúc với cán bộ tiếp nhận, không tiếp xúc với bộ phận chuyên môn, bảo đảm sự công bằng, minh bạch trong giải quyết TTHC. "Để trả phí dịch vụ tại trung tâm, người dân đóng ở quầy thu ngân với sự hỗ trợ của nhân viên ngân hàng, không đưa trực tiếp cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Điều này ngăn chặn tình trạng phiền hà, sách nhiễu nhân dân", đồng chí Phạm Thị Phương Dung cho biết.
Đồng chí Phạm Ngọc Phong, Phó giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình cho chúng tôi hay, việc đưa Trung tâm vào hoạt động khẳng định mong muốn và quyết tâm của tỉnh tạo bước đột phá trong CCHC mà trọng tâm là cải cách TTHC nhằm giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, hướng tới xây dựng một nền hành chính phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại. Chính vì vậy, cán bộ tiếp dân ở Trung tâm đều được lựa chọn với yêu cầu cao, được tập huấn kiến thức, nâng cao nhận thức. "Trước hết, mỗi cán bộ, công chức cần xác định đúng đắn vai trò, vị trí và trách nhiệm của mình, luôn niềm nở với người dân, giữ thái độ chuẩn mực, đúng đắn", đồng chí Phạm Ngọc Phong bày tỏ.
Công tác CCHC gắn liền với chuyển đổi số được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát với quyết tâm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Nghị quyết số 01 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định rõ nguồn lực triển khai (1% ngân sách tỉnh). Nhờ đó, năm 2021, tỉnh Ninh Bình đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố cả nước về chuyển đổi số; chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước xếp thứ 12 toàn quốc... Năm 2022, Ninh Bình là một trong 3 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và nằm trong tốp 5 địa phương cung cấp dịch vụ công trực tuyến tốt nhất. Năm 2022, chỉ số CCHC tỉnh Ninh Bình xếp thứ 17/63 tỉnh, thành phố, tăng 3 bậc so với năm 2021, cao hơn chỉ số CCHC trung bình của cả nước 1,85%.
Hấp dẫn nhà đầu tư từ sự nhiệt tâm của chính quyền
TTHC thuận tiện, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng lý giải vì sao trong những năm gần đây, Ninh Bình là địa điểm thu hút được nhiều nhà đầu tư chất lượng cao tới đầu tư, mở rộng kinh doanh. Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình cho thấy, đến nay, tỉnh đã thu hút được 942 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 172.000 tỷ đồng. Trong đó, có 93 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt hơn 1,5 tỷ USD. Một số dự án có quy mô lớn đã hoàn thành, đi vào hoạt động như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Thành Công; nhà máy sản xuất, lắp ráp camera module và linh kiện điện tử; Nhà máy sản xuất kính xây dựng CFG... Đồng chí Đinh Thị Thúy Ngần, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Bình chia sẻ, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị tham vấn lấy ý kiến của các doanh nghiệp, doanh nhân. Từ đó, tỉnh đưa ra những giải pháp, quyết sách tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp như về đất đai, quy trình thực hiện dự án đầu tư, lao động, cung cấp điện...
Ninh Bình trở thành một trong 3 trung tâm sản xuất, lắp ráp ô tô lớn nhất cả nước. Trong đó, Công ty Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam đóng góp 70% tổng thu ngân sách của tỉnh. Ông Nguyễn Minh Sơn, Tổng giám đốc Công ty Sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam cho rằng, các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình là yếu tố quan trọng để Hyundai Thành Công lựa chọn đặt nhà máy sản xuất tại đây. Từ nhà máy đầu tiên đi vào hoạt động năm 2010, công suất ban đầu 40.000 xe/năm, sau đó mở rộng lên 80.000 xe/năm, đến nay, Công ty sản xuất ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam vừa khánh thành thêm nhà máy thứ hai công suất 100.000 xe/năm tại Khu công nghiệp Gián Khẩu, huyện Gia Viễn.
Để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, theo đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, định kỳ vào ngày thứ năm của tuần cuối tháng, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ gặp gỡ doanh nghiệp, nghe phản ánh, kiến nghị đề xuất và trực tiếp giải đáp, chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân vào ngày thứ tư của tuần thứ hai trong tháng. "Nhiều người lúc đầu lo ngại việc Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp sẽ sinh ra những rắc rối. Nhưng tỉnh vẫn kiên trì thực hiện, từ đó kịp thời giải quyết những vướng mắc", đồng chí Phạm Quang Ngọc nói.
Ninh Bình xây dựng Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) để tăng cường cạnh tranh, thi đua về chất lượng thực thi nhiệm vụ giữa các sở, ban, ngành và địa phương. "Quan điểm của tỉnh là để giải quyết tốt nhiệm vụ thì phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Từ mục tiêu, chỉ tiêu chương trình công tác năm của tỉnh thì các sở, ngành, địa phương phải ra được kế hoạch của mình, thời gian hoàn thành. Để tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới các thủ tục pháp luật, các cơ quan phải họp với nhau để bàn, hiểu rõ trình tự thủ tục, phân tích, chẻ việc để giải quyết dứt điểm từng bước, từng khâu, bảo đảm công việc thông suốt, đúng pháp luật", đồng chí Phạm Quang Ngọc bày tỏ.
Có lẽ cũng chính vì sự quyết liệt, phương pháp xử lý công việc khoa học của lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương mà năm 2022, tỉnh Ninh Bình có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất nước. Ninh Bình cũng là tỉnh bàn giao mặt bằng sớm nhất, tổ chức khánh thành sớm nhất dự án thành phần của đường cao tốc Bắc-Nam thời gian qua.