Nợ công của Việt Nam có xu hướng giảm

Tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP) có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Diễn biến dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong dự báo và trong tầm kiểm soát.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa công bố tình hình nợ công của Việt Nam từ năm 2018 đến tháng 6/2022.

Theo đó, tỷ lệ nợ công của Việt Nam so với tổng sản phẩm quốc dân (GDP) có xu hướng giảm trong những năm gần đây. Từ 58,3% GDP (năm 2018) xuống còn 55,9% GDP năm 2020 và đến năm 2021 chỉ còn 43,1%.

Cùng với đó, nợ chính phủ, nợ chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương cũng giảm dần. Cụ thể, nợ chính phủ cũng giảm từ 51,7% GDP năm 2017 xuống còn 39,1% GDP năm 2021. Nợ chính phủ bảo lãnh giảm từ 9,1% GDP năm 2017 xuống 3,8% GDP năm 2021. Nợ chính quyền địa phương năm 2021 chỉ khoảng 0,6% GDP trong khi năm 2017 bằng 1,1% GDP.

Tính đến hết năm 2021, nợ nước ngoài của quốc gia giảm còn 38,4% GDP so với năm 2017 là 49% GDP. Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia tính trên tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 6,2%, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 21,8%.

Về đối tác đa phương của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho vay nhiều nhất khoảng 380 nghìn tỷ đồng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho vay hơn 188 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các chủ nợ song phương của Việt Nam đang là Nhật Bản cho vay hơn 316 nghìn tỷ đồng; Hàn Quốc hơn 32 nghìn tỷ đồng, Pháp hơn 30 nghìn tỷ đồng; Đức hơn 14.349 tỷ đồng…

Diễn biến dư nợ và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ vẫn nằm trong dự báo từ đầu năm và trong tầm kiểm soát cho dù biến động tỷ giá khá mạnh. Cụ thể, dư nợ bằng USD là 455 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,9%; dư nợ bằng JPY là 346 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5%; dư nợ bằng EUR là 179 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5% và còn lại là dư nợ bằng các loại tiền khác chiếm 4%.

Báo cáo đánh giá xếp hạng tín nhiệm Việt Nam năm 2021 của Fitch Ratings cũng cho thấy, nợ chính phủ của Việt Nam thấp hơn đáng kể so với các quốc gia có cùng mức xếp hạng tín nhiệm “BB”. Kết quả này một phần phản ánh việc Việt Nam đã sớm thành công trong việc ngăn chặn dịch Covid-19. Tỷ lệ nợ chính phủ gộp trên GDP của Việt Nam được dự báo khoảng 42% GDP vào năm 2023, thấp hơn tương đối so với mức trung bình của các nước có cùng xếp hạng (khoảng 56%).

Xét về cơ cấu, nguồn vay của Chính phủ hiện nay phần lớn đến từ các kênh trong nước, chiếm khoảng 90% lượng huy động hằng năm của Chính phủ. Đối với nguồn vốn vay này, phát hành trái phiếu vẫn là phương án chiếm tỷ trọng cao. Theo số liệu năm 2021, kỳ hạn bình quân của trái phiếu là 13,92 năm và lãi suất phát hành bình quân là 2,3%/năm. Hiện nay, mức thanh khoản trái phiếu chính phủ được đánh giá vẫn có sự duy trì ổn định. Trong khi đó, 10% lượng huy động còn lại của Chính phủ là từ khoản vay nước ngoài (từ các tổ chức như WB, ADB và Nhật Bản) với kỳ hạn khoảng 20 - 30 năm, lãi suất ưu đãi khoảng 1,2%/năm.

Tính đến nay, có thể thấy các chỉ tiêu an toàn nợ công đảm bảo nằm trong mức trần, ngưỡng nợ được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15: Trần nợ công hằng năm không quá 60% GDP, trần nợ chính phủ hàng năm không quá 50% GDP, trần nợ nước ngoài quốc gia hằng năm không quá 50% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước không quá 25%, trả nợ nước ngoài của quốc gia so với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (không bao gồm trả nợ gốc ngắn hạn) không quá 25%.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/no-cong-cua-viet-nam-co-xu-huong-giam-682961.html