Nợ đọng vẫn đè nặng các đại gia ngành xây dựng

Sự phục hồi của thị trường bất động sản và phát triển hạ tầng đang giúp các doanh nghiệp xây dựng bắt đầu có nhiều việc để làm hơn, tuy nhiên, nợ đọng vẫn tạo áp lực khổng lồ lên vai các nhà thầu cả lớn lẫn nhỏ.

Năm 2024, Coteccons (CTD) tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu khi đạt doanh thu cao nhất 20 quý. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm tài chính 2025 (tức quý IV/2024) của CTD cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 6.886 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2023.

Khấu trừ các loại chi phí, CTD lãi sau thuế 106 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Đây đều là những con số doanh thu, lợi nhuận cao nhất của CTD kể từ đầu năm 2020 tới nay.

Giữ vững vị thế ông lớn đầu ngành, song tại ngày 31/12/2024, khoản phải thu khách hàng của CTD đạt 13.644 tỷ đồng, tăng 1.398 tỷ đồng so với thời điểm 30/6 cùng năm.

Các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đối diện nhiều thách thức trong năm 2025 (Ảnh minh họa: NM).

Các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đối diện nhiều thách thức trong năm 2025 (Ảnh minh họa: NM).

Mặt khác, dù nợ xấu của Coteccons năm qua giảm 190 tỷ đồng, nhưng vẫn ở quanh mức 2.163 tỷ đồng. Những “con nợ” quen thuộc có thể kể đến như Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh), Công ty Saigon Glory (chủ đầu tư dự án tứ giác Bến Thành) và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers). Điều này buộc công ty phải trích lập dự phòng 67% các khoản nợ xấu kể trên.

Áp lực lớn, nhưng với lượng backlog (đơn hàng đã ký) khoảng 30.000 tỷ đồng, và giá trị các hợp đồng đang tham gia đấu thầu là hơn 16.800 tỷ đồng, Coteccons vẫn có thể đảm bảo việc kinh doanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đối thủ lớn của Coteccons là Xây dựng Hòa Bình (HBC) thì lại khó khăn hơn nhiều. Nhìn vào bức tranh kinh doanh năm 2024, có thể thấy HBC đã có sự thay đổi vượt trội. Theo đó, với lợi nhuận gộp 302 tỷ đồng, tăng 24%, biên lợi nhuận gộp đạt 4,74%, tăng tới 1,51 điểm % so với năm trước.

Điều này phản ánh việc HBC đã bắt đầu “vực dậy từ đáy”, nhưng thực tế những thách thức vẫn chồng chất. Giai đoạn 2023-2024 là giai đoạn đặc biệt khó khăn của Xây dựng Hòa Bình khi không có việc để làm và đối tác không có tiền để trả nợ.

Doanh thu đột ngột lao dốc từ hơn 14.000 tỷ đồng vào năm 2022 xuống còn hơn 7.500 tỷ đồng vào năm 2023 và hơn 6.370 tỷ đồng vào năm 2024. Trong khi đó, hết năm 2022, công ty vẫn vay nợ hơn 5.100 tỷ đồng, tất cả đều là các khoản vay ngắn hạn.

Tại ngày 31/12/2024, các khoản phải thu vẫn chiếm tới 72,8% tổng tài sản, đạt 11.097 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi dù giảm 21% (1.009 tỷ đồng), nhưng vẫn rất lớn, đạt 1.947 tỷ đồng, cao hàng đầu ngành xây dựng Việt Nam.

Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu dù giảm rất mạnh nhưng mức 8,19 lần vẫn là rất cao, cho thấy tình trạng lệ thuộc vốn bên ngoài của HBC vẫn khá nghiêm trọng. Tại ngày kết thúc năm 2024, tiền và tương đương tiền của HBC chỉ đạt 282 tỷ đồng, giảm 27% so với đầu năm.

Tổng công ty Xây dựng Số 1 (CC1) cũng là cái tên đáng chú ý, dù doanh thu và lợi nhuận năm 2024 có sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước, song dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng Số 1 (CC1) âm tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2024, CC1 ghi nhận doanh thu thuần tăng 81% so với năm trước, đạt 10.157 tỷ đồng. Lãi gộp năm 2024 của CC1 đạt 484 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước. Tuy vậy, kết năm 2024, lãi sau thuế cũng chỉ tăng 18%, đạt 259 tỷ đồng.

Một điều đáng quan ngại là dù ghi nhận lãi khá cao, nhưng lãi của CC1 lại chỉ nằm trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Dòng tiền kinh doanh năm 2024 của CC1 âm rất nặng (-2.270 tỷ đồng), đánh dấu việc quay trở lại với quỹ đạo âm dòng tiền kinh doanh.

Nguyên nhân cơ bản khiến dòng tiền kinh doanh của CC1 âm rất nặng trong năm 2024 là sự gia tăng của các các khoản phải thu và hàng tồn kho. Điều này là một phần lý do công ty buộc phải gia tăng quy mô vay mượn. Đến ngày 31/12/2024, dư nợ vay của CC1 lên đến 6.020 tỷ đồng, tăng tới 40% so với đầu năm, góp phần khiến tổng nợ phải trả tăng 13% lên 12.161 tỷ đồng, gấp 2,65 lần vốn chủ sở hữu.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), đánh giá thị trường phục hồi giúp tình hình thu nợ của các doanh nghiệp khả quan hơn. Song nhìn chung, giá trị các khoản nợ đọng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản của các nhà thầu, đe dọa trực tiếp đến dòng tiền sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các nhà thầu nhỏ, ít dự án.

"Không có tiền, nhiều nhà thầu thậm chí 'phá giá' để trúng thầu các dự án. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của hệ thống doanh nghiệp xây dựng", ông Hiệp nói.

Bức tranh ngành xây dựng rõ ràng vẫn còn không ít mảng xám, tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh, những gam màu sáng đã xuất hiện dày hơn.

Đơn cử với Hòa Bình, cuối năm 2024, HBC đã nhận được những gói thầu lớn, với tổng giá trị trên dưới 7.000 tỷ đồng, cho thấy khả năng cạnh tranh đã được khôi phục phần nào.

Các doanh nghiệp khác cũng cho thấy những tín hiệu lạc quan. Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhận định một số Thông tư, Nghị định ban hành thời gian qua đã quan tâm sát sao đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt, hoạt động đầu tư công với những “bom tấn” hạ tầng cũng là điểm tựa cho nhà thầu xây dựng năm 2025.

Nhật Minh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tin-tuc/no-dong-van-de-nang-cac-dai-gia-nganh-xay-dung-1105091.html