Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn
Châu bản triều Nguyễn được UNESCO vinh danh Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2014, Di sản tư liệu thế giới vào năm 2017. Hiện, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I nỗ lực thực hiện bảo tồn và giữ gìn lâu dài Mộc bản triều Nguyễn, phát huy được các giá trị tư liệu lịch sử - văn hóa quý giá.
86.000 văn bản gốc quý giá của 11 triều vua
Theo ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính hình thành trong hoạt động quản lý của Nhà nước triều Nguyễn từ 1802 đến 1945, do các cơ quan chính quyền trung ương, địa phương soạn thảo và trình lên Hoàng đế phê duyệt. Các bản chính có bút tích trực tiếp của Nhà vua được lưu trữ tại kho văn thư của Nội các hình thành nên khối Châu bản triều Nguyễn còn lại đến ngày nay.
Đặc biệt, trên Châu bản lưu giữ được bút tích ngự phê trực tiếp của 10 vị Hoàng đế triều Nguyễn gồm: Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Đây là những tư liệu quý báu đặc sắc, bởi không phải triều đại phong kiến nào hay bất cứ vị quân vương của quốc gia nào cũng có được.
Bút phê của các Hoàng đế cũng vô cùng phong phú với nhiều hình thức: châu phê, châu điểm, châu khuyên, châu mạt, châu sổ, châu cải, thể hiện quan điểm chỉ đạo và ý chí của Nhà vua trong từng vấn đề cụ thể. Văn phong bút pháp của mỗi Hoàng đế cũng mang những dấu ấn riêng, thậm chí một số bút phê đã đạt đến “cái thần” của thư họa. Vì vậy, Châu bản không chỉ là một loại hình văn bản hành chính thông thường mà nhiều văn bản trong đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật.
Với giá trị nguyên gốc và đáng tin cậy, Châu bản triều Nguyễn cung cấp những tư liệu quý báu, chân xác, phản ánh toàn diện giai đoạn lịch sử nhà Nguyễn từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX trên nhiều lĩnh vực như: tổ chức hành chính, văn hóa giáo dục, an ninh - quốc phòng, kinh tế, ngoại giao… Đây cũng là những tài liệu mang tính pháp lý quan trọng trong việc xác lập, chứng minh và bảo vệ chủ quyền quốc gia Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định và Bảo Đại. Trong đó, có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản. Hai triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa.
Sẽ lưu trữ và tuyên truyền trên nền tảng số
Ngay sau khi Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu của UNESCO, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Bảo quản, phát huy giá trị di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn” với mục tiêu tiếp tục bảo quản an toàn tài liệu, xử lý triệt để các Châu bản hư hỏng nặng, đẩy mạnh việc phát huy giá trị khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn với nhiều hình thức, nhằm giới thiệu đến công chúng rộng rãi trong và ngoài nước giá trị của di sản tư liệu này.
Thực hiện Đề án “Bảo quản, phát huy giá trị di sản tư liệu Châu bản triều Nguyễn”, trong những năm qua, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá Châu bản đến công chúng. Ngày 17/11/ 2023, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp khai mạc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại” nhân dịp hướng tới Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) tại số 18 Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy (Hà Nội). Sự kiện giới thiệu đến công chúng hàng trăm trang tài liệu đặc sắc được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới và nhiều hiện vật tiêu biểu. Trong đó, nhiều văn bản quan trọng lần đầu tiên được công bố.
“Trưng bày lần này là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa trưng bày hiện vật gốc kết hợp với công nghệ trình chiếu. Đây cũng là một trong những bước đi đầu tiên mang tính thử nghiệm đối với trưng bày tài liệu lưu trữ tại Việt Nam. Với hàng trăm hình ảnh, tài liệu, tư liệu và một số hiện vật, ký ức của một triều đại sẽ được tái hiện ở đây, chúng tôi hy vọng sẽ đem đến cho người xem những ấn tượng mới, những trải nghiệm thực sự sinh động”, ông Đặng Thanh Tùng cho biết.
Ngoài trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều”, những năm qua Trung tâm Lưu trữ quốc gia I đã tổ chức nhiều triển lãm thu hút đông đảo công chúng, như: Triều Nguyễn với việc biên soạn chính sử qua Châu bản, Mộc bản - Di sản tư liệu thế giới; Văn bản hành chính nhà nước qua Châu bản triều Nguyễn; Văn thư triều Nguyễn qua Châu bản; Thái Y viện triều Nguyễn; Quan xưởng triều Nguyễn qua Châu bản; Thư pháp của các Hoàng đế nhà Nguyễn; Cung đình đón Tết, gần đây nhất là triển lãm ảo 3D Giáo dục triều Nguyễn qua Di sản tư liệu Châu bản - Mộc bản...
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cũng xây dựng nhiều phim tư liệu giới thiệu tài liệu Châu bản trên các đài truyền hình và trên Fanpage, Youtube của Trung tâm. Ngoài ra, thực hiện khuyến nghị của UNESCO đối với Di sản tư liệu, Trung tâm cũng đã biên dịch tiêu đề các văn bản Châu bản sang tiếng Anh để phục vụ công chúng rộng rãi trên mạng diện rộng. Khu trưng bày cố định “Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới” đã được xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2017. Tại đây hàng năm đều có các sự kiện trưng bày triển lãm, giới thiệu quảng bá Châu bản triều Nguyễn và tài liệu lưu trữ thu hút khá đông công chúng, đặc biệt là giới trẻ.
Theo bà Nguyễn Thu Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I: “Chúng tôi sẽ đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu Châu bản triều Nguyễn và tài liệu lưu trữ trên nền tảng số như phòng đọc ảo, triển lãm trực tuyến 2D, 3D; ứng dụng các công nghệ tiên tiến như thực tế ảo (VR), thực tế ảo tăng cường (AR), mã QR... trong các hoạt động sự kiện, trưng bày triển lãm tài liệu lưu trữ”.