Nỗ lực giảm khí thải carbon
Lãnh đạo hơn 50 công ty lớn các ngành dầu khí, nhôm, thép và xi măng đang nhóm họp tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) để thống nhất cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon. Sự kiện này diễn ra trước thềm Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), dự kiến diễn ra tại Dubai từ ngày 30-11 đến 12-12.
Cơ hội tốt
Hội nghị mang tên ADIPEC - nền tảng công nghiệp quốc tế đoàn kết nhằm đẩy nhanh hành động và có trách nhiệm khử carbon nhanh hơn và đảm bảo hệ thống năng lượng thế giới ổn định trong tương lai. Chủ đề của ADIPEC là: “Khử carbon - Nhanh hơn - Cùng nhau”. Chương trình hội nghị và triển lãm được thiết kế nhằm đáp ứng những thách thức và nhu cầu phải đối mặt trong chuỗi giá trị năng lượng. ADIPEC 2023 dự kiến thu hút hơn 1.600 diễn giả, gồm các bộ trưởng, CEO, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia năng lượng và nhà đổi mới. Từ nay đến ngày kết thúc sẽ có 350 phiên họp đặc biệt về các hành động cần thiết để thúc đẩy một thế giới tăng trưởng cao, ít carbon.
ADIPEC do Chủ tịch COP28 Sultan al-Jaber triệu tập, có sự tham dự của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu John Kerry. Mục đích của cuộc họp là giải quyết các vấn đề như thương mại hóa hydro, thúc đẩy công nghệ thu hồi carbon, loại bỏ khí methane và tăng cường năng lượng tái tạo. Nhắc đến vai trò của các công ty sản xuất năng lượng và tiêu thụ năng lượng hóa thạch, Chủ tịch COP28 al-Jaber nhấn mạnh ngành dầu khí phải là một phần trong cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu. Ông kêu gọi ngành năng lượng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào hoặc trước năm 2050 và đẩy nhanh cam kết toàn ngành về đạt lượng methane phát thải gần bằng 0 vào năm 2030. Hy vọng ADIPEC sẽ đạt được thỏa thuận chung về khử carbon và trình COP28 thông qua, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thách thức phía trước
Các ngành công nghiệp phát thải cao ngày càng bị áp lực lớn của dư luận thế giới. Gần đây, thường xuyên diễn ra các cuộc tuần hành quy mô lớn ở hàng trăm thành phố trên toàn cầu yêu cầu chấm dứt việc đốt nhiên liệu hóa thạch. ESG Book là công ty dẫn đầu thế giới về dữ liệu và công nghệ bền vững trong lĩnh vực quản trị môi trường, xã hội và doanh nghiệp. Theo ESG Book, đến tháng 6-2023, chỉ 22% trong số 500 công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường phù hợp với Thỏa thuận Paris, nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5oC so với mức tiền công nghiệp. Đó là mức tăng khiêm tốn so với 18% trong năm 2018.
Theo CNBC, ông Tengku Muhammad Taufik, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Tập đoàn Năng lượng nhà nước Malaysia Petronas, cho biết Petronas phải đẩy mạnh và chuẩn bị cho các hệ thống khử carbon trong tương lai. Giám đốc Điều hành Shell thừa nhận đây là thời điểm tốt nhất và cũng là thời khắc thách thức nhất với ngành năng lượng hóa thạch. Ông Patrick Pouyanne, CEO của Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ TotalEnergies, Pháp, cho rằng ngành dầu khí sở hữu tất cả các công cụ cần thiết để trở thành “người tham gia chính” trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Các nhà khoa học đã nhiều lần cảnh báo thời gian đang cạn kiệt để ngăn chặn điều tồi tệ nhất mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/no-luc-giam-khi-thai-carbon-post708284.html