Nỗ lực giảm thiểu phát thải sẽ không ngăn chặn được nhiệt độ Trái Đất nóng lên
Phân tích đa mô hình dự đoán các kịch bản khí hậu phụ thuộc vào các nỗ lực giảm thiểu phát thải trước và sau năm 2030 cho thấy rằng, ngay cả kịch bản lạc quan nhất cũng không đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C.
Vào năm 1990, các nhà khoa học của Ủy ban liên quốc gia về biến đổi khí hậu (IPCC) cảnh báo rằng, nhiệt độ bề mặt Trái Đất trung bình sẽ tăng lên từ 0,3 đến 0,6 độ C trong vòng 100 năm tới. 10 năm sau, IPCC dự báo trong Báo cáo đánh giá đầu tiên rằng hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ tăng 1 độ C vào năm 2025 và nước biển sẽ dâng thêm 20 cm vào năm 2030. Nhưng giờ đây, tình hình còn tệ hơn những gì đã thông báo trước đó.
Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu khí hậu CICERO tại Oslo (Na Uy) cho biết, dự báo của Liên Hợp Quốc rằng các chính sách khí hậu và cam kết của các quốc gia hiện nay về việc cắt giảm ô nhiễm khí CO2 sẽ làm chậm lại sự nóng lên toàn cầu, sẽ có phần hơi quá lạc quan.
Theo đó, một phân tích đa mô hình dự đoán các kịch bản khí hậu phụ thuộc vào các nỗ lực giảm thiểu phát thải trước và sau năm 2030 cho thấy, ngay cả kịch bản lạc quan nhất cũng không đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C.
Hầu hết các mô hình khí hậu tập trung vào một khái niệm được gọi là "dự báo ngược", trong đó nhiệt độ mục tiêu được xác định, chẳng hạn như mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2 độ C và các nỗ lực giảm thiểu cần thiết để đạt được chúng.
Ngay cả kịch bản khí hậu lạc quan nhất cũng không đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, cách tiếp cận này không phải lúc nào cũng phản ánh chính xác việc giảm thiểu tác động khí hậu trong thế giới thực, bởi vì các nỗ lực có thể khác nhau tùy theo từng quốc gia, theo thời gian và tùy theo sự lựa chọn công cụ chính sách, chẳng hạn như việc định giá carbon.
Nhà khoa học cấp cao của CICERO, bà Ida Sognnaes và các đồng nghiệp sử dụng 7 mô hình đánh giá tổng hợp để dự báo về tác động của lượng khí phát thải CO2 với nhiệt độ toàn cầu. Hầu hết kịch bản dự đoán nhiệt độ trên toàn cầu sẽ tăng trung bình dưới 3 độ C vào năm 2100 (phạm vi trung bình là từ 2,2 đến 2,9 độ C).
Trước khi diễn ra Hội nghị COP26, Liên Hợp Quốc cho biết, các chính sách hiện nay sẽ khiến nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng trung bình 2,7 độ C vào năm 2100 so với thời kỳ tiền công nghiệp và đây là mức tăng "thảm họa". Trong khi đó, hoạt động của con người đã thúc đẩy nồng độ khí nhà kính trong bầu khí quyển. Nó giữ lại bức xạ từ mặt trời, làm bề mặt Trái Đất nóng lên và làm tăng nhiệt độ, lượng mưa và mực nước biển - tất cả sẽ tạo điều kiện khiến các sự kiện thảm khốc dễ xảy ra hơn.
Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi khu vực trên thế giới, gây bất lợi cho sức khỏe con người, hệ sinh thái và môi trường. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra, với mọi khu vực được dự báo sẽ chịu tác động của khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là các hiện tượng nóng cực đoan, mưa, lũ lớn và hạn hán với mức độ tăng hơn so với Báo cáo AR5.
Những biến đổi này sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khỏe và đời sống của con người, đặc biệt là khi khí hậu thay đổi đột ngột sẽ ngày càng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất lương thực toàn cầu. Những thay đổi như vậy cũng sẽ ảnh hưởng đến một nền kinh tế toàn cầu.
Trái Đất đang nóng chưa từng thấy trong 7 năm qua
Theo báo cáo về Khí hậu Toàn cầu năm 2021 của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), 7 năm qua đang trên đà trở thành 7 năm nắng nóng nhất từ trước đến nay, dựa trên dữ liệu của 9 tháng đầu năm 2021.
“Từ độ sâu đại dương đến đỉnh núi, từ sông băng tan chảy đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt không ngừng, các hệ sinh thái và cộng đồng trên toàn cầu đang bị tàn phá. COP26 phải là một bước ngoặt đối với con người và hành tinh”, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres nhận định.
Với tốc độ gia tăng nồng độ khí nhà kính như hiện nay, thế giới sẽ chứng kiến mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỉ này vượt xa các mục tiêu của Thỏa thuận Paris là 1,5 đến 2 độ C, so với mức thời kỳ tiền công nghiệp.