Nỗ lực hơn nữa trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, ngày 6/11, Quốc hội dành cả ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành.
Giám sát các "lời hứa", cam kết
Phát biểu tại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực.
“Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các “lời hứa”, cam kết của Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành. Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, đã chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra”- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Trong đó, nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và tiếp tục cần thời gian để hoàn thành.
Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực hơn nữa trong triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Cũng tại hội trường, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày Báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Trình bày báo cáo tại phiên chất vấn, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo các Tòa án đổi mới phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, đẩy mạnh và tăng cường tranh tụng, thực hiện nghiêm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan nhằm đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức áp dụng pháp luật; khẩn trương đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Về lĩnh vực kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, công tác thực hành quyền công tố kiểm sát các hoạt động tư pháp có nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu cơ bản đều vượt so với yêu cầu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội.
Giao thông và quản lý tài sản công "nóng" nghị trường
Theo đó, nội dung chất vấn bao quát trên mọi lĩnh vực và được chia thành 4 nhóm vấn đề chính về: Kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; văn hóa xã hội và nội chính, tư pháp. Hình thức chất vấn theo tinh thần hỏi nhanh đáp gọn, các thành viên Chính phủ đã làm rõ các câu hỏi của đại biểu ngay tại phiên chất vấn, thể hiện rõ vai trò tư lệnh ngành, lĩnh vực quản lý. Đại biểu Quốc hội cũng theo dõi, giám sát và tích cực tranh luận lại các ý kiến của thành viên Chính phủ để làm sáng tỏ vấn đề, điều này thể hiện sự quan tâm sâu sát của đại biểu liên quan đến từng lĩnh vực; đồng thời, đưa ra được những giải pháp cụ thể tháo gỡ vướng mắc đối với vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về thực hành tiết kiệm trong chi thường xuyên, quản lý tài sản công và nâng mức tín nhiệm của Việt Nam. Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sau khi có Nghị quyết 74 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã lấy kiến của các bộ, ngành, tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thực hiện cho các năm tiếp theo. Là cơ quan tập hợp và quản lý nhà nước về tài sản công, Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về tài sản công để theo dõi những biến động của tài sản công, từ đó, siết chặt để quản lý hiệu quả hơn.
Về tín nhiệm quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, tín nhiệm quốc gia Việt Nam được thế giới đánh giá cao. Nếu như một số quốc gia bị hạ điểm thì Việt Nam được đánh giá nâng hạng với mức “triển vọng và ổn định”. Điều này tạo niềm tin cho các quỹ tài chính, quỹ đầu tư đổ tiền vào nền kinh tế và thúc đẩy phát triển.
Các vấn đề liên quan việc tăng tổng mức đầu tư dự án; thủ tục đấu nối các tuyến đường giao thông của huyện, tỉnh và các tuyến quốc lộ; phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục; xã hội hóa hạ tầng các cảng hàng không... là những vấn đề "nóng" được các đại biểu Quốc hội quan tâm; đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải làm rõ trách nhiệm cũng như nêu giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Trả lời chất vấn về quan điểm của Bộ trong phân kỳ đầu tư với các dự án đường cao tốc 2 làn xe, 4 làn xe chưa có làn dừng khẩn cấp liên tục, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong thời gian qua, đặc biệt giai đoạn 2021-2026, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông. Nhiệm kỳ này đã dành trên 375 nghìn tỷ đồng để triển khai xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng, chủ yếu xây đường cao tốc.
"Tuy nhiên, việc xây dựng hiện chỉ đạt hơn 70% nhu cầu. Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường cao tốc trong bối cảnh nguồn lực có hạn là rất khó khả thi", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhận định.
Hiện, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đều thực hiện phân kỳ đầu tư đối với các tuyến đường cao tốc. Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm, Bộ Giao thông vận tải đã nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để thực hiện phân kỳ đầu tư theo nguyên tắc đảm bảo đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhưng cũng tạo tiền đề và sự thuận lợi trong giai đoạn sau khi có nguồn lực để nâng cấp.
Thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành địa phương, đề xuất hoàn thiện các đoạn tuyến cao tốc còn lại theo quy hoạch, ưu tiên các tuyến mới có 2 làn xe, có lưu lượng lớn để đảm bảo cả nước có hệ thống đường cao tốc đồng bộ, hiện đại.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước đã trả lời về những vấn đề các đại biểu chất vấn về lĩnh vực kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành.
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế
Chiều 6/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trả lời chất vấn trước Quốc hội một số nội dung liên quan đến lĩnh vực kinh tế tổng hợp.
Trả lời chất vấn của đại biểu về tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Sau 2 năm thực hiện, nhiều mục tiêu, chính sách đã phát huy tác dụng như: tạo dư địa cho chính sách tài khóa và tiền tệ được sử dụng linh hoạt, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng...
Các loại thị trường (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp) tiếp tục được phát triển. Vừa qua đã khai trương thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đối với thị trường chứng khoán, hiện đang phấn đấu nâng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Đồng thời, chúng ta cũng tiếp tục phát triển lực lượng doanh nghiệp theo mục tiêu đề ra; hạ tầng giao thông cũng có sự phát triển mạnh mẽ...
Về đầu tư cho văn hóa, giáo dục, đào tạo, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh giải pháp khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng văn hóa. Trong Chương trình này, sẽ ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu trọng tâm.
Về vấn đề cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn. Tiếp tục rà soát, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu liên quan tới cổ phần hóa, đặc biệt là các đại diện chủ sở hữu, các cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.