Nỗ lực hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Năm 2023, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 8 bà mẹ mang thai được tư vấn, theo dõi dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả, 8 trẻ sau sinh đều có xét nghiệm âm tính với HIV. Hai vợ chồng chị P.T.T., trú tại Thành phố đều mang trong mình căn bệnh HIV, nhưng với nguyện vọng sinh con nên đã quyết định đến bệnh viện để được tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Suốt quá trình mang thai cho đến khi sinh, chị T. đều tuân thủ quy trình và các biện pháp can thiệp dự phòng theo phác đồ điều trị nên đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, âm tính với HIV. Đây là niềm vui, động viên lớn cho hai vợ chồng chị T.

Những năm qua, ngành y tế tỉnh tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ, góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV mới nói chung. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lồng ghép Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất, khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Do đó, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh được bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiến hành xét nghiệm HIV cho 2.742 lượt phụ nữ mang thai, trong đó 658 phụ nữ được xét nghiệm HIV lúc mang thai, 2.084 trường hợp được xét nghiệm HIV lúc chuyển dạ. Qua đó phát hiện 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng khi mang thai và chuyển dạ; 1 trẻ được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Những năm gần đây, gần như 100% trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đã được uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV có kết quả âm tính với vi rút HIV.

Trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ ngày 1 - 30/6) hằng năm, ngành y tế đẩy mạnh công tác truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bằng nhiều hình thức như: truyền thông trực tiếp cho các đối tượng nguy cơ cao, tuyên truyền qua áp phích, tờ rơi... với nội dung tập trung về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai, thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con, lợi ích của theo dõi tải lượng vi rút HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong 3 tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, điều trị bằng thuốc ARV sớm ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV...

Lấy mẫu xét nghiệm HIV cho người dân tại xã Đình Phùng (Bảo Lạc).

Lấy mẫu xét nghiệm HIV cho người dân tại xã Đình Phùng (Bảo Lạc).

Thạc sĩ, bác sĩ Đàm Thu Hường, Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những năm gần đây, những bà mẹ nhiễm HIV mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, vì vậy không có trẻ nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng vi rút HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện.

Hiện nay, thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được cấp hoàn toàn miễn phí tại 19 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: 10 trung tâm y tế huyện/Thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tĩnh Túc, Bệnh viện Đa khoa các huyện: Trùng Khánh, Hà Quảng, Quảng Hòa và 4 Trạm Y tế xã: Mai Long (Nguyên Bình), Đình Phùng (Bảo Lạc), Đàm Thủy (Trùng Khánh), Thái Học (Bảo Lâm). Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện có cung cấp dịch vụ sản khoa đều thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai tới khám. Để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, cần được điều trị theo phác đồ sớm để bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Những phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ này.

HIV lây qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con, là căn bệnh cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm. HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh nở hoặc cho con bú. Nếu không được can thiệp, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả, có tính nhân văn nhất nhằm làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV, góp phần duy trì các thành quả và tiến gần hơn tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.

Bảo Bình

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/no-luc-huong-toi-loai-tru-lay-truyen-hiv-tu-me-sang-con-3170863.html