Nỗ lực khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam

Sáng 30-5, Cục Khoa học quân sự, Văn phòng 701 (Bộ Quốc phòng - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, gọi tắt là Ban Chỉ đạo 701) chủ trì, phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế Khoa học và công nghệ xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin tồn lưu sau chiến tranh đối với con người, môi trường ở Việt Nam.

Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao, Cục trưởng Cục Khoa học quân sự, Ủy viên Thường trực Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo 701; Thiếu tướng, GS, TS Trần Viết Tiến, Phó giám đốc Học viện Quân y; ThS Lê Hòa Nam, Phó cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm/ Bộ Tài nguyên và Môi trường đồng chủ trì Hội thảo.

 Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao phát biểu tại Hội thảo.

Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ; một số bộ ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã nỗ lực trong công tác nghiên cứu, khắc phục, xử lý, giảm thiểu ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin đối với con người và môi trường. Các điểm nóng về ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin đang từng bước được ngăn chặn, xử lý góp phần giảm nguy cơ ảnh hưởng đối với sức khỏe con người và môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng và đang được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước.

 Quang cảnh buổi Hội thảo quốc tế.

Quang cảnh buổi Hội thảo quốc tế.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung nghiên cứu, thảo luận, chia sẻ về các kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của chất độc dioxin đến con người và một số kết quả hợp tác, hỗ trợ nạn nhân; kết quả thực hiện, ứng dụng, thử nghiệm công nghệ xử lý dioxin tại các sân bay Đà Nẵng, A So, Biên Hòa; kế hoạch thực hiện dự án xử lý dioxin sân bay Biên Hòa; xây dựng tiêu chí, các yêu cầu trong thiết kế công nghệ xử lý dioxin và các giải pháp quan trắc môi trường. Đồng thời các đại biểu cũng đưa ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với con người và môi trường trong thời gian tới.

Kết luận hội thảo, Thiếu tướng, PGS, TS Ngô Văn Giao nhấn mạnh: Để tiếp tục thúc đẩy công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh đối với con người và môi trường ở Việt Nam, các cơ quan, tổ chức cần tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế, đẩy mạnh phát triển các nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tiếp nhận các trang thiết bị xử lý, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân để sớm hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

 Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo cùng chụp hình lưu niệm.

Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo cùng chụp hình lưu niệm.

Tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về ảnh hưởng của chất độc hóa học/dioxin đến sức khỏe con người. Thực hiện các chương trình, dự án cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người khuyết tật nói chung, các nạn nhân chất độc da cam/dioxin nói riêng; phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho nạn nhân tại cơ sở y tế và cộng đồng, hỗ trợ sinh kế giúp các nạn nhân chất độc hóa học/dioxin từng bước hòa nhập cộng đồng.

Đối với 8 tỉnh (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum, Bình Phước, Đồng Nai, Tây Ninh) bị phun rải nặng hóa học, cần tiếp tục thúc đẩy nhanh công tác hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Đây là dự án hợp tác giữa Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Trong thời gian tới, dự án sẽ được mở rộng, thực hiện hỗ trợ nạn nhân tại 3 tỉnh mới là Bạc Liêu, Cà Mau, Quảng Ngãi.

Tin, ảnh: THU THẢO

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/no-luc-khac-phuc-hau-qua-bom-min-chat-doc-hoa-hoc-sau-chien-tranh-o-viet-nam-778982