Nỗ lực mang lại cơ hội sống cho hàng vạn bệnh nhân ung thư

Chất phóng xạ là dược chất quý giá không thể thiếu trong chẩn đoán và điều trị các căn bệnh ung thư đang ngày một tăng ở Việt Nam, một phần phải nhập khẩu từ nước ngoài. Năm 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các chuyến bay thương mại quốc tế ngưng hoạt động cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt nguồn nhập khẩu các loại đồng vị phóng xạ do không thể vận chuyển. Hàng vạn bệnh nhân mắc bệnh ung thư hiểm nghèo trong nước sẽ không còn cơ hội sống nếu không có nguồn từ Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt (LPƯ).

Đảm bảo an toàn vận hành Lò phản ứng hạt nhân để sản xuất dược chất phóng xạ

Đảm bảo an toàn vận hành Lò phản ứng hạt nhân để sản xuất dược chất phóng xạ

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng trên mọi mặt của đời sống xã hội, trong lúc khó khăn nhất, cũng là lúc tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Viện Nghiên cứu hạt nhân nỗ lực và tăng tốc - đó là cách của các nhà khoa học đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng. Năm qua, đơn vị hoàn thành 12/12 nội dung, chỉ tiêu đề ra, trong đó vượt mức 4 chỉ tiêu quan trọng như: tổng thời gian hoạt động của (LPƯ) vượt 85%; tổng hoạt độ thuốc phóng xạ cung cấp cho các bệnh viện vượt 70%; số lượng công trình được công bố trên tạp chí quốc tế ISI vượt 58%; tổng doanh thu triển khai kỹ thuật và dịch vụ vượt 24%. Chỉ tiêu quan trọng nhất chính là Viện đã vận hành khai thác an toàn LPƯ hạt nhân với 34 đợt dài ngày và một số đợt ngắn ngày với tổng thời gian hoạt động đạt 4.140 giờ, tăng 43% so với năm 2019, tăng gấp ba so với giai đoạn 2010 - 2019; công tác an toàn bức xạ luôn được đảm bảo. Công tác kiểm tra, bảo dưỡng, duy tu và nâng cấp các hệ thống công nghệ LPƯ luôn được quan tâm thực hiện định kỳ; chương trình đảm bảo chất lượng trong vận hành và khai thác LPƯ tiếp tục được duy trì và hoàn thiện.

Việc tăng thời gian hoạt động LPƯ đã sản xuất được 1.365 Ci đồng vị phóng xạ các loại, tăng gấp 2 lần so với thời kỳ trước COVID-19, cung cấp thuốc phóng xạ cho 23 bệnh viện trong nước với tần suất 1 tuần một lần. Do tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, việc nhập khẩu dược chất phóng xạ cho các bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, có thời điểm trong năm là hoàn toàn không thể nhập khẩu đồng vị từ nước ngoài do các chuyến bay quốc tế ngưng hoạt động. Trước tình hình đó, lãnh đạo Viện Nghiên cứu Hạt nhân đã chỉ đạo tăng lượng sản xuất dược chất phóng xạ để có đủ thuốc cung cấp cho nhu cầu của người bệnh. Được biết có khoảng hơn 40% dược chất phóng xạ - những phương thuốc đặc biệt với những tính chất vật lý và sinh hóa có khả năng giúp chẩn đoán, chụp ảnh phát hiện và định vị những bất thường trong cơ thể con người cũng như điều trị một số bệnh lý ung thư - được dùng trong các cơ sở y học hạt nhân trên cả nước đều xuất phát từ LPƯ hạt nhân Đà Lạt. Nhưng với tổng cộng 1.365 Ci đồng vị phóng xạ các loại sản xuất được trong năm qua đã đáp ứng được 90% nhu cầu điều trị các căn bệnh ung thư trong nước, thậm chí trong thời gian giãn cách vì COVID-19 ở quý 2 đã đạt 100%. Các loại dược chất - đồng vị phóng xạ được sản xuất tại LPƯ Đà Lạt có giá thành chỉ bằng 25% giá nhập khẩu, là cơ hội để giúp người nghèo có điều kiện chữa bệnh. Ngoài các căn bệnh ung thư, LPƯ hạt nhân Đà Lạt đã tự sản xuất được hàng chục dược chất - đồng vị phóng xạ khác nhau đang được sử dụng để chẩn đoán và chữa trị rất nhiều bệnh hiểm nghèo, đã giảm bớt lượng dược chất đồng vị phóng xạ phải nhập khẩu. Các xưởng sản xuất thuốc phóng xạ của Viện Nghiên cứu hạt nhân được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn GMP-WHO tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất dược phẩm.

Bên cạnh việc tăng giờ vận hành để sản xuất đủ lượng dược chất đồng vị phóng xạ, Viện đã thực hiện đúng và đảm bảo chất lượng 17 đề tài khoa học, trong đó 4 đề tài cấp Nhà nước, 6 đề tài cấp Bộ, 3 đề tài nghiên cứu cơ bản, 4 đề tài cấp cơ sở. Thông qua thực hiện đề tài, đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị trong ứng dụng y học hạt nhân phục vụ chữa bệnh cứu người như: Thiết kế, chế tạo 2 hốc chiếu mới trong vùng hoạt LPƯ hạt nhân Đà Lạt nhằm nâng cao sản lượng sản xuất đồng vị phóng xạ, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước; Báo cáo chiến lược nạp tải cho LPƯ Đà Lạt đến khi sử dụng hết 102 bó nhiên liệu theo các tiêu chí an toàn và khai thác; Thiết kế chế tạo hệ kiểm soát thông lượng neutron cho hệ điều khiển LPƯ hạt nhân Đà Lạt; Báo cáo về phương pháp và cập nhật kết quả nghiên cứu đánh giá đặc trưng phóng xạ trong các cấu trúc chính của LPƯ hạt nhân Đà Lạt; Quy trình kỹ thuật phân tích sai hình NST do tổn thương phân tử DNA ở pha G2 của chu trình tế bào...

Trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ngoài chẩn đoán và chữa trị các bệnh hiểm nghèo, các sản phẩm đồng vị phóng xạ từ LPƯ hạt nhân ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như: y tế, an toàn bức xạ, nông nghiệp, thủy điện và môi trường. Việc đẩy nhanh Dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân mới với lò phản ứng công suất 10 MW (lớn gấp 20 lần LPƯ hạt nhân Đà Lạt) tại Đồng Nai trên diện tích 100 ha sẽ sớm thay thế LPƯ hạt nhân Đà Lạt đã hết hạn sử dụng. Từ đó, nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia, mang lại cơ hội được chữa bệnh cứu sống cho hàng triệu người bệnh nghèo, thúc đẩy sự phát triển bền vững nhiều lĩnh vực. TS. Phan Sơn Hải - Viện trưởng cho biết: Năm 2021, Viện Nghiên cứu Hạt nhân tiếp tục tập trung cụ thể các chỉ tiêu trên các mặt công tác như nghiên cứu khoa học; triển khai ứng dụng kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực, đặc biệt là y tế; đảm bảo kỹ thuật và vận hành thiết bị lớn; an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, an ninh và xử lý thải phóng xạ; xây dựng tiềm lực nghiên cứu, triển khai; hợp tác quốc tế; công tác tổ chức cán bộ và đào tạo; công tác đảm bảo hoạt động và quản lý chung của Viện. Đặc biệt, chuẩn bị tốt nhân lực sẵn sàng tham gia thực hiện các nội dung liên quan đến Dự án Trung tâm Nghiên cứu KHCN hạt nhân.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202103/no-luc-mang-lai-co-hoi-song-cho-hang-van-benh-nhan-ung-thu-3048920/