Nỗ lực phát triển du lịch bền vững của 'viên ngọc quý' miền Bắc Thái Lan
Giữa không gian xanh của miền bắc Thái Lan, Chiang Mai đang viết nên một câu chuyện đột phá về phát triển du lịch bền vững - một mô hình được nhiều điểm đến trên thế giới ngưỡng mộ và học tập.
Chiang Mai, “viên ngọc quý” của miền Bắc Thái Lan, không chỉ mê hoặc du khách bởi cảnh sắc thiên nhiên hữu tình mà còn bởi kho tàng văn hóa sâu sắc. Thành phố cổ kính này như một bức tranh sống động, nơi truyền thống hòa quyện hiện đại, tạo nên một bức tranh hài hòa giữa đời sống và thiên nhiên.
Tuy nhiên, điều làm nên sự đặc biệt của Chiang Mai chính là cách thành phố này phát triển du lịch. Thay vì xem nó như một ngành công nghiệp sinh lợi thuần túy và khai thác một cách ồ ạt, Chiang Mai chọn một lối đi riêng, đó là phát triển du lịch bền vững, gắn liền với cộng đồng. Điều này từng được Thị trưởng Aroon Kampa nhấn mạnh: "Chúng tôi cam kết biến Chiang Mai thành một điểm đến du lịch bền vững".
Bảo tồn bản sắc văn hóa theo cách đặc biệt
Chiang Mai cho đến nay được xem như một “bảo tàng sống” của vương quốc cổ Lanna, khi vẫn bảo tồn gần như nguyên vẹn những di sản của nền văn minh vĩ đại này, từ ngôi chùa tuổi đời hàng trăm năm như Wat Pa Dara Phirom Phra Aram Luang, tới những nghề thủ công truyền thống như chạm khắc bạc hay dệt thổ cẩm.
Đơn cử, nghề dệt thổ cẩm được các nghệ nhân địa phương truyền lại từ đời này sang đời khác, với những họa tiết phong phú và màu sắc tự nhiên, tạo nên những tác phẩm thời trang và trang trí độc đáo. Không những vậy, du khách có thể tham gia vào các lớp học dệt, học cách sử dụng các loại sợi tự nhiên và tạo ra sản phẩm của riêng mình.
Không chỉ là những công trình kiến trúc độc đáo hay những nghề truyền thống tinh xảo, các phong tục thường ngày của người dân địa phương cũng được ngành du lịch Chiang Mai chú trọng gìn giữ, bảo tồn và quảng bá. Thành phố chủ động tổ chức các tour du lịch cộng đồng, với những trải nghiệm như học nấu các món ăn truyền thống, tham gia các hoạt động nông nghiệp như trồng lúa, thu hoạch rau củ tìm hiểu về các nghi lễ, tục thờ cúng thần linh của người Lanna.
Những hình thức mới mẻ này giúp du khách không chỉ hiểu rõ hơn về văn hóa địa phương, về cách người dân Chiang Mai sống hòa hợp với thiên nhiên, mà còn tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng địa phương, góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị văn hóa đặc biệt của thành phố.
Lấy thiên nhiên làm yếu tố cốt lõi
Biến bảo vệ môi trường trở thành một phần không thể tách rời của du lịch là yếu tổ quan trọng tiếp theo đưa Chiang Mai trở thành một điểm sáng của du lịch bền vững. Các khu bảo tồn như Vườn Quốc gia Doi Suthep-Pui, Trung tâm voi Mae Taeng hay Vườn Bách thảo Hoàng Hậu Sikrit không chỉ là điểm tham quan mà còn là nơi bảo vệ và cung cấp môi trường sống tự nhiên cho một số loài động thực vật quý hiếm, là những “lớp học” sống động đối với du khách về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.
Trong đó, Trung tâm Voi Mae Taeng là một hình mẫu tiêu biểu trong việc kết hợp giữa du lịch và bảo tồn. Tại đây, các hoạt động tương tác thân thiện với voi như cho ăn, tắm ... được kết hợp hài hòa với việc giáo dục về vòng đời, thói quen sinh hoạt và cách chăm sóc, bảo tồn voi một cách nhân đạo. Qua đó, du khách hiểu rõ hơn về sự phức tạp và tầm quan trọng của việc bảo tồn loài voi, một biểu tượng văn hóa của Thái Lan.
Là không gian nghiên cứu và bảo tồn với hơn 1.900 loài thực vật, Vườn Bách thảo Hoàng hậu Sikrit không chỉ cung cấp một khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn là một trung tâm giáo dục về thực vật học và bảo tồn sinh học. Với các khu vực đặc biệt như vườn xương rồng, khu rừng mưa, và nhà kính, du khách có thể khám phá sự đa dạng của thực vật từ nhiều vùng khí hậu khác nhau.
Ngoài ra, Vườn Bách thảo Hoàng hậu Sikrit còn tổ chức nhiều chương trình giáo dục, từ các khóa học ngắn hạn về làm vườn hữu cơ, bảo tồn động vật hoang dã, đến những chiến dịch nâng cao nhận thức về môi trường như "Chiang Mai Green City".
Những điểm đến này đều góp phần tạo nên một Chiang Mai nơi du lịch không chỉ là khám phá mà còn là học hỏi và tham gia vào công cuộc bảo vệ thiên nhiên. Thành phố đã chứng minh rằng du lịch có thể là một công cụ hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, tạo ra một mô hình mà các điểm đến du lịch khác trên thế giới có thể học hỏi.
Chọn kinh tế xanh để tạo sinh kế bền vững
Du lịch ở Chiang Mai được thiết kế để mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng địa phương, tạo ra một vòng tuần hoàn kinh tế bền vững và công bằng. Các homestay, dịch vụ hướng dẫn du lịch, và các sản phẩm thủ công đều được phát triển với mục tiêu nâng cao thu nhập và chất lượng sống của người dân thành phố.
Ví dụ điển hình có thể kể đến Chợ Jing Jai - nơi không chỉ buôn bán mà còn giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp bền vững. Tại chợ Jing Jai, nông dân, thợ thủ công địa phương có thể trực tiếp bán các loại rau quả, thực phẩm tươi ngon hay các mặt hàng thủ công, từ đó giảm bớt khâu trung gian, đảm bảo giá cả hợp lý cho cả người bán và người mua. Hầu hết quần áo, túi xách, nữ trang được bán tại Chợ Jing Jai đều là hàng thủ công địa phương, được làm từ các nguyên liệu thân thiện với thiên nhiên.
Thúc đẩy các tiêu chuẩn môi trường là một phần quan trọng khác đối với du lịch xanh ở Chiang Mai. Điều này được chính quyền thành phố thực hiện thông qua các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ thiên nhiên và văn hóa, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp du lịch áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động kinh doanh của mình.
Những nỗ lực trên không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa tại Chiang Mai, mà còn tạo ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao đời sống người dân và giảm thiểu sự phụ thuộc vào du lịch không bền vững. Điều đó càng cho thấy, du lịch bền vững ở Chiang Mai không chỉ là việc bảo vệ môi trường mà còn là việc tạo sinh kế lâu dài đối với cộng đồng địa phương.