Nỗ lực phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Trước nguy cơ dịch tả lợn châu Phi phát sinh và lây lan trên diện rộng, ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền các địa phương đang nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống.

 Cán bộ thú y hướng dẫn người dân biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Cán bộ thú y hướng dẫn người dân biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 142 huyện, thị xã, thành phố thuộc 39 tỉnh, thành phố trên cả nước, làm 13.655 con lợn mắc bệnh và lợn cùng ô chuồng phải tiêu hủy. Tại Lào Cai, cuối tháng 5, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 2 hộ, thuộc huyện Văn Bàn và Bảo Yên làm 5 con lợn mắc bệnh, khối lượng tiêu hủy là 350 kg. Nguyên nhân do người chăn nuôi không thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.

 Huyện Văn Bàn phun khử trùng tiêu độc khu vực xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Huyện Văn Bàn phun khử trùng tiêu độc khu vực xảy ra dịch tả lợn châu Phi.

Tại xã Nậm Mả (Văn Bàn), bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra làm 2 con lợn mắc bệnh, khối lượng tiêu hủy 70 kg. Ngay sau đó, UBND huyện Văn Bàn đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp xã tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Huyện đã kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra, vào vùng dịch, tiêu hủy lợn mắc bệnh, khử trùng tiêu độc triệt để, nhanh chóng dập tắt ổ, không để dịch lây lan, kéo dài; thực hiện báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định.

 Phun khử trùng khu vực buôn bán thịt gia súc nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Phun khử trùng khu vực buôn bán thịt gia súc nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan.

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể phát sinh và lây lan ra các địa phương khác trên địa bàn, UBND tỉnh chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương và người nuôi lợn thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đối với những địa phương chưa có dịch bệnh phát sinh, phải áp dụng nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và cần phân tích nguyên nhân khiến dịch bệnh tái bùng phát, rút kinh nghiệm, đưa ra các biện pháp phù hợp.

Với quy mô hơn 500 lợn thịt/lứa, trang trại lợn của hộ bà Đào Thị Vuông ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng) luôn chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi. Bà Vuông chia sẻ: Với những hộ chăn nuôi lớn như gia đình tôi, chỉ một chút chủ quan, lơ là dễ xảy ra dịch bệnh, gây thiệt hại lớn.

 Trước khi vào khu vực chăn nuôi, bà Đào Thị Vuông ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng) thực hiện nghiêm biện pháp khử trùng (đeo ủng chuyên biệt, lội qua hố khử trùng, rửa tay khử khuẩn...).

Trước khi vào khu vực chăn nuôi, bà Đào Thị Vuông ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng) thực hiện nghiêm biện pháp khử trùng (đeo ủng chuyên biệt, lội qua hố khử trùng, rửa tay khử khuẩn...).

Do đó, công tác phòng, chống dịch được gia đình bà Vuông thực hiện chặt chẽ. Tại lối ra, vào chuồng nuôi, gia đình bố trí hố khử trùng, thay bảo hộ lao động cho người ra, vào khu vực chăn nuôi, có ô chuồng nuôi cách ly nuôi lợn mới nhập; khu vực chuồng trại được phun khử khuẩn 2 lần/tuần, phun theo 3 lớp bảo vệ từ bên ngoài khu vực chăn nuôi, hành lang và bên trong chuồng, mỗi khu vực được phun một loại thuốc phù hợp, đồng thời hạn chế người ra, vào khu vực chăn nuôi. Từ thức ăn đến các vật dụng mang vào khu chuồng nuôi đều được khử trùng. Ngoài ra, gia đình còn thực hiện khử trùng bằng nước vôi nóng khu vực lối đi, xung quanh chuồng nuôi 1- 2 lần/tuần để hạn chế mầm bệnh phát sinh và lây lan.

Bên cạnh việc chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của các địa phương, hộ dân có nhiều năm kinh nghiệm trong chăn nuôi lợn cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch. Ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Sơn Hải cho biết: Thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng trại, cách ly đàn vật nuôi, với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” là biện pháp ưu tiên thực hiện để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Những ngày này là thời gian cao điểm để xuất bán và vào lứa lợn mới, vì vậy, hằng ngày tôi chú trọng kiểm tra sức khỏe đàn vật nuôi, cảnh giác cao độ trước nguồn lây nhiễm từ bên ngoài thông qua thương lái, phương tiện vận chuyển lợn.

Nhiều năm nay, ông Tấn luôn duy trì 40 con lợn nái, hơn 300 con lợn thịt. Với quy trình chăn nuôi khép kín, tự chủ con giống, làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên đàn lợn của gia đình không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

 Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hoạt động chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Sơn Hải không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Nhờ làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, hoạt động chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Tấn ở xã Sơn Hải không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Huyện Bảo Thắng hiện có 104 nghìn con lợn, chiếm 1/4 tổng đàn lợn của tỉnh. Chăn nuôi lợn là nghề chính của hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện. Để bảo vệ đàn vật nuôi, UBND huyện và đơn vị chức năng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, hộ chăn nuôi thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh tả lợn châu Phi; tăng cường giám sát phát hiện sớm dịch bệnh; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở giết mổ và quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Bảo Thắng cho biết: Nhằm ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan, huyện đã cấp 1.600 lít hóa chất cho các xã, thị trấn tổ chức Tháng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi. Công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho vật nuôi được đẩy nhanh.

 Cán bộ thú y huyện Bảo Thắng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Cán bộ thú y huyện Bảo Thắng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi.

Trước nguy cơ dịch bệnh có thể phát sinh và lây lan ra các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện, chính quyền cấp xã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi; tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh; lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện công bố dịch bệnh để quản lý, theo dõi khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch, truy xuất nguồn gốc ổ dịch.

 Hộ chăn nuôi cần nêu cao tính chủ động trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Hộ chăn nuôi cần nêu cao tính chủ động trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người chăn nuôi lợn chủ động đầu tư kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn; các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người chăn nuôi lợn áp dụng triệt để các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ từ khâu con giống, thức ăn, nước uống, áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo cho lợn... tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

Để giúp các hộ chăn nuôi phòng, chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả, các cơ quan chức năng và các địa phương tiếp tục tăng cường kiểm soát giết mổ động vật và việc vận chuyển gia súc, gia cầm, các sản phẩm động vật ra, vào địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/no-luc-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-post385138.html