Nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục và chăm sóc trẻ mầm non

Tuy còn gặp không ít khó khăn, như: tỉ lệ trẻ/nhóm, lớp ở một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) còn cao hơn so với quy định, nhất là cơ sở GDMN ở khu vực đô thị, nơi có khu công nghiệp và cơ sở giáo dục ngoài công lập; việc đầu tư về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của một số trường mầm non vẫn còn hạn chế; hầu hết các trường mầm non công lập còn thiếu giáo viên, nhân viên y tế…, nhưng ngành Giáo dục và các cơ sở GDMN trong toàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Tuy còn gặp không ít khó khăn, như: tỉ lệ trẻ/nhóm, lớp ở một số cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) còn cao hơn so với quy định, nhất là cơ sở GDMN ở khu vực đô thị, nơi có khu công nghiệp và cơ sở giáo dục ngoài công lập; việc đầu tư về cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của một số trường mầm non vẫn còn hạn chế; hầu hết các trường mầm non công lập còn thiếu giáo viên, nhân viên y tế…, nhưng ngành Giáo dục và các cơ sở GDMN trong toàn tỉnh đã nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thực hiện nhiệm vụ giáo dục, các trường mầm non đều xác định phải xây dựng được môi trường giáo dục từng bước hoàn thiện cả về chất lượng cũng như điều kiện cho trẻ học tập và hoạt động. Nhiều trường làm rất tốt công tác tham mưu, xã hội hóa giáo dục để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, xây dựng môi trường giáo dục an toàn. Trường Mầm non Hai Bà Trưng (thành phố Phủ Lý) trước đây khá khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng đến nay đã được đầu tư xây dựng tương đối khang trang. Ngoài hệ thống phòng học, phòng chức năng và đồ chơi, đồ dùng cho các nhóm lớp, đến nay với sự đầu tư kinh phí từ ngân sách địa phương, nhà trường còn có thêm nhiều công trình phụ trợ phục vụ công tác chăm sóc và giáo dục trẻ.

Cô giáo Trần Thị Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hai Bà Trưng cho biết: Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường hiện đã cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ. Trong các năm học, nhà trường đã khai thác, phát huy tối đa công năng của các công trình giúp trẻ được học và chơi theo đúng nội dung chương trình của từng độ tuổi. Đồng thời, với sự sáng tạo, linh hoạt, tận tâm của đội ngũ giáo viên, nhà trường đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ giáo dục, huy động 100% trẻ 5 tuổi và trẻ các độ tuổi ra lớp.

Ngoài các nội dung trong chương trình giáo dục, Trường Mầm non Hai Bà Trưng (TP Phủ Lý) còn tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục theo chuyên đề, làm quen với tiếng Anh, giúp trẻ phát triển toàn diện. Ảnh: Trần Hà

Hiện nay, toàn tỉnh có 119 trường mầm non, trong đó có 113 trường công lập và 6 trường tư thục; 69 nhóm, lớp độc lập, tư thục, đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ tại trường của các bậc cha mẹ. Những năm qua, ngành Giáo dục và các cơ sở GDMN đã làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm dành quỹ đất, mở rộng diện tích để xây dựng trường mầm non, ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng đủ phòng học phù hợp với thực tế của địa phương, bảo đảm cơ sở vật chất đáp ứng việc duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi. Nhiều đơn vị đã tham mưu xây dựng và cải tạo các phòng học, phòng chức năng; chú trọng xây dựng công trình vệ sinh, nguồn nước hợp vệ sinh, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là ở các điểm trường lẻ. Đến nay, các phòng học trong các trường mầm non đã được kiên cố, không còn phòng học tạm, phòng học mất an toàn; 100% trường có nguồn nước sạch, bếp ăn bảo đảm yêu cầu, sân chơi ở các điểm trường có đồ chơi ngoài trời. Nhờ thực hiện tốt công tác tham mưu, tuyên truyền, công tác xã hội hóa giáo dục đã tạo nguồn kinh phí giúp các nhà trường mua sắm bổ sung, bảo đảm đủ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho trên 90% lớp mẫu giáo 3, 4 tuổi và 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi. Với sự đầu tư đồng bộ, đến nay toàn tỉnh có 100% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 65 trường đạt chuẩn mức 2.

Các nhà trường đã xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện, bảo đảm an toàn tuyệt đối, nâng cao về thể chất và tinh thần cho trẻ; duy trì, nâng cao tỉ lệ trẻ ăn bán trú đạt 100%; bảo đảm an toàn tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình tổ chức nuôi ăn bán trú và sử dụng, khai thác hiệu quả phần mềm xây dựng thực đơn, tính khẩu phần ăn cho trẻ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo quy định; 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng, giảm dần tỉ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, suy dinh dưỡng thể thấp còi và trẻ thừa cân, béo phì.

Thực hiện Chương trình GDMN, 100% các nhóm, lớp tổ chức học 2 buổi/ngày, có đủ đồ dùng, sách vở học tập đáp ứng yêu cầu của từng độ tuổi và thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, các nhà trường tăng cường thực hiện đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục trong thực hiện chương trình GDMN, chú trọng giáo dục phát triển hành vi, thói quen tốt và kỹ năng sống cho trẻ. 100% trẻ đến trường có đủ sách vở, đồ dùng phục vụ sinh hoạt cá nhân và đồ dùng học tập. Giáo viên thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nội dung giáo dục về: an toàn giao thông, bảo vệ môi trường; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thảm họa thiên tai... vào chương trình GDMN; tiếp tục triển khai cho trẻ làm quen với tiếng Anh ở những nơi có điều kiện. Đồng thời, tích cực đổi mới hình thức tổ chức các hoạt động chuyên đề giáo dục và chăm sóc, giáo dục theo định hướng lấy trẻ làm trung tâm; thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ khuyết tật. Đặc biệt chú trọng đổi mới tổ chức môi trường giáo dục nhằm tạo cơ hội cho trẻ tích cực khám phá, trải nghiệm và để trẻ học mà chơi, chơi mà học.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, đã có 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi thực hiện sử dụng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi bảo đảm đúng mục đích hỗ trợ thực hiện chương trình GDMN, nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục, chuẩn bị tâm thế cho trẻ em 5 tuổi vào lớp 1; sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị để tăng tỉ lệ cơ sở GDMN có sân chơi, phòng học giáo dục thể chất, trang bị đủ thiết bị, đồ chơi phát triển vận động cho trẻ theo quy định; thực hiện tốt việc đánh giá sự phát triển của trẻ làm cơ sở cho việc xây dựng và kịp thời điều chỉnh kế hoạch giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ, tình hình thực tế ở địa phương.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/no-luc-thuc-hien-tot-nhiem-vu-giao-duc-va-cham-soc-tre-mam-non-102643.html