Nỗ lực 'vay nóng' 20 tỉ USD bất thành trước khi sụp đổ của SVB

Ngân hàng Thung lũng Silicon không kịp nhận khoản tiền vay, trong khi khách hàng ồ ạt rút tiền trước khi bị tiếp quản.

 Nỗ lực 'vay nóng' 20 tỉ USD bất thành trước khi sụp đổ của SVB (Ảnh: Reuters)

Nỗ lực 'vay nóng' 20 tỉ USD bất thành trước khi sụp đổ của SVB (Ảnh: Reuters)

Trước khi sụp đổ, ban lãnh đạo của Ngân hàng Thung lũng Silicon (Silicon Valley Bank - viết tắt: SVB) đã cố gắng tìm kiếm khoản cho vay khẩn cấp từ hệ thống ngân hàng Mỹ và thuyết phục ngân hàng lưu ký của họ đóng cửa muộn để xử lý các giao dịch quy mô hàng tỉ USD, theo The Wall Street Journal.

Trong khi đó, những người gửi tiền chạy đua rút tiền khỏi SVB thông qua ứng dụng trên thiết bị di động, đồng thời đề nghị mạng lưới startup của họ làm theo.

Những người đi rút tiền đã thắng thế. Giới chức Mỹ đã đóng cửa SVB, ngay trước khi hàng tỉ USD 'cứu trợ' khẩn cấp sắp đến tay nhà băng này.

"Chúng tôi muốn xây dựng bảng cân đối kế toán đúng cách. Nhưng thời gian và tình hình cụ thể không cho phép làm điều đó", một nhân viên của SVB nhớ lại.

Lượng tiền gửi rút khỏi SVB tăng tốc trong buổi sáng ngày 9/3. Ban lãnh đạo ngân hàng liên tục đưa ra những chỉ đạo qua điện thoại, trong khi nhân viên theo dõi và nhắn tin về chi tiết những chỉ đạo đó cho nhau.

Đó cũng là thời điểm mà SVB bắt đầu tìm kiếm sự trợ giúp từ hệ thống ngân hàng Mỹ.

Họ ban đầu liên hệ với San Francisco Federal Home Loan Bank (tạm dịch là Hệ thống cho vay nội bộ liên bang - viết tắt: FHLB) để hỏi vay 20 tỉ USD. Tuy nhiên, lời đề nghị của SVB đến quá muộn để FHLB San Francisco có thể xử lý trong ngày hôm đó. Nguồn tin của The Wall Street Journal nói rằng, FHLB đề nghị cho SVB vay một khoản tiền nhỏ, nhưng ngân hàng này từ chối.

FHLB là mạng lưới gồm nhiều ngân hàng tư nhân, được chính phủ bảo trợ chuyên hỗ trợ cho vay thế chấp, đã hoạt động được gần 100 năm. Những ngân hàng gặp khó khăn có thể thế chấp tài sản đổi lấy các khoản cho vay.

SVB chuyển sang kế hoạch B, đề nghị FHLB San Francisco chuyển 20 tỉ USD tài sản đảm bảo sang cửa sổ chiết khấu của Fed, nơi mà họ có thể lấy được nguồn vốn khẩn cấp.

Tuy nhiên, ngân hàng này lại gặp phải rắc rối. Giao dịch này đòi hỏi nhiều quy trình thủ tục. Thêm nữa, SVB vốn đã có một khoản vay tại FHLB, nên hệ thống này cần phải xem lại xem cần giữ lại bao nhiêu tài sản đảm bảo.

SVB cũng cố gắng chuyển 20 tỉ USD tài sản tới Fed thông qua Bank of New York Mellon (BNY Mellon), một trong số những ngân hàng lưu ký của họ. Nhưng SVB đã hành động quá muộn do lỡ mất thời gian tiếp nhận giao dịch.

Giám đốc điều hành lúc bấy giờ của SVB, Greg Becker, gọi điện cho Robin Vince, giám đốc điều hành của BNY Mellon để yêu cầu gia hạn giao dịch. Phía BNY Mellon đồng ý sẽ cố thử.

Ít giờ đồng hồ sau, BNY Mellon làm việc với SVB và các quan chức Fed tại Washington và New York, những người chịu trách nhiệm chuyển chứng khoán tới cửa sổ chiết khấu của Fed để cho ngân hàng vay tiền.

Fed cần có một giao dịch thử nghiệm trước khi thực hiện giao dịch thật. Điều này tốn thêm thời gian và Fed không gia hạn thêm thời hạn chót hàng ngày là 16h00 để giúp đỡ SVB. Cho tới cuối ngày 9/3, SVB vẫn không thể nhận được tiền.

Trụ sở của FHLB San Francisco (Ảnh: WSJ)

Trụ sở của FHLB San Francisco (Ảnh: WSJ)

Trong ngày hôm sau, BNY Mellon chuyển số tài sản đảm bảo sang Fed thành công, tạo điều kiện cho SVB vay tiền từ ngân hàng trung ương. Theo những người hiểu chiến dịch giải cứu, FHLB San Francisco lúc đó vẫn đang làm thủ tục chuyển tiền, thì xuất hiện một thông báo đến từ Tổ chức Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC): cơ quan này đã tiếp quản SVB.

“Chúng tôi đang trong quá trình chuyển tài sản đảm bảo và chờ một cuộc gọi từ Fed và SVB,” một phát ngôn viên của FHLB San Francisco kể lại. “Và khi chúng tôi đang chờ một cuộc gọi thì FDIC đã tiếp quản SVB.”

Theo Wall Street Journal, một số người ở SVB vẫn tức giận về vụ tiếp quản và khó chịu khi quá trình giải cứu mất quá nhiều thời gian. Họ nói rằng ngân hàng này bị tiếp quản ngay trước khi nhận được “phao cứu sinh” từ Fed hoặc một bên mua, nhưng họ cũng thừa nhận rằng quy mô rút tiền quá lớn khiến ngân hàng không thể trụ vững.

Elizabeth Smith, một phát ngôn viên của Cục Bảo vệ và Đổi mới Tài chính California, nói rằng chính quyền bang phối hợp với các cơ quan liên bang để tiếp quản ngân hàng này là do nó đã phá sản. “Ngân hàng này hoạt động một cách không an toàn do điều kiện tài chính của nó,” bà nói.

Theo Wall Street Journal

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/no-luc-vay-nong-20-ti-usd-bat-thanh-truoc-khi-sup-do-cua-svb-post165316.html