Nỗ lực 'vượt khó' thực hiện nhiệm vụ bảo đảm cung ứng điện
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây dựng Kế hoạch năm 2024 với nhiều giải pháp, nỗ lực cao nhất nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngày 2/1, tại Hà Nội, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2024.
Theo báo cáo của EVN, quy mô hệ thống điện Việt Nam đến cuối năm 2023 đạt khoảng 80.555MWvề tổng công suất nguồn, tăng thêm khoảng 2.800MW so với năm 2022. Trong đó, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664MW, chiếm tỷ trọng 27% toàn hệ thống. Việt Nam đang đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Báo cáo của EVN tại hội nghị cho thấy, một số kết quả chính về sản xuất - cung cấp điện năm 2023 cụ thể như điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 280,6 tỷ kWh, tăng 4,56% so với năm trước; điện thương phẩm ước đạt 251,25 tỷ kWh, tăng 3,52%.
Đối với công tác đầu tư xây dựng, EVN tiếp tục gặp nhiều khó khăn nhưng Tập đoàn cùng các đơn vị đã rất nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ. Giá trị khối lượng đầu tư xây dựng toàn Tập đoàn năm 2023 ước đạt 90.997 tỷ đồng.
Việc cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo, xã đảo tiếp tục được EVN chú trọng. Đến cuối năm 2023, số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,74%, trong đó số hộ dân nông thôn có điện đạt 99,60%. EVN đang triển khai đầu tư cấp điện lưới quốc gia cho huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với mục tiêu hoàn thành vào năm 2026.
Nhiều chỉ tiêu kỹ thuật tiếp tục được thực hiện tốt trong năm 2023. Tỷ lệ tổn thất điện năng toàn EVN ở mức 6,15%, giảm 0,1% so với năm 2022. Độ tin cậy cung cấp điện tiếp tục được cải thiện, trong đó chỉ số SAIDI (thời gian mất điện bình quân 1 khách hàng trong năm) toàn Tập đoàn giảm còn 242 phút (giảm 25 phút so với năm 2022).
Trong công tác kinh doanh, dịch vụ khách hàng, EVN đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các dịch vụ điện để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và xã hội. 100% dịch vụ điện được cung cấp trực tuyến ở mức độ 4 tại Cổng Dịch vụ công Quốc gia, các trung tâm hành chính công và Cổng Dịch vụ công của các tỉnh/thành phố. Theo dữ liệu được công bố trên Cổng Dịch vụ công Qquốc gia, năm qua EVN duy trì vị trí Top 3 dẫn đầu về chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong nhiều tháng liên tiếp.
Đối với công tác tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải, kết quả thực hiện tiết kiệm điện năm 2023 của EVN ước đạt 1.815 triệu kWh. Bên cạnh đó, hơn 11.730 khách hàng có mức tiêu thụ từ 1 triệu kWh/năm trở lên đã ký kết thỏa thuận tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) tự nguyện phi thương mại với các tổng công ty Điện lực, tiềm năng DR khoảng 2.860MW.
Thực hiện chủ đề năm về "Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí", EVN và các đơn vị đã nỗ lực thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi phí và tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để nỗ lực cân bằng kết quả sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, trong năm 2023, công tác quản lý và chỉ đạo điều hành cung ứng điện vẫn còn tồn tại, hạn chế. Trong đó, để xảy ra tình trạng thiếu điện và phải thực hiện tiết giảm điện tại một số địa phương khu vực miền Bắc trong các ngày đầu tháng 6. Việc xảy ra tình trạng thiếu điện trong mùa khô vừa qua do xảy ra đồng thời nhiều yếu tố bất lợi, trong đó có các nguyên nhân khách quan và chủ quan, như dự phòng nguồn điện tại khu vực miền Bắc rất thấp, ảnh hưởng El Nino dẫn đến hạn hán kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm thấp đột ngột, đặc biệt tại khu vực miền Bắc. Nhu cầu phụ tải tăng cao, nhiều nhà máy nhiệt điện than trên toàn hệ thống bị sự cố do nhiệt độ nước làm mát tăng cao, công tác sửa chữa, khắc phục sự cố một số nhà máy nhiệt điện than ngoài EVN bị kéo dài.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc EVN, giá các loại nhiên liệu cho sản xuất điện mặc dù có giảm so với năm 2022, nhưng vẫn ở mức cao nên chi phí khâu phát điện tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đảm bảo cân đối tài chính của EVN.
Nỗ lực cao nhất bảo đảm cung ứng điện
Dự báo trong năm 2024, EVN sẽ tiếp tục phải đối mặt hàng loạt các khó khăn, thử thách.Trong bối cảnh đó, EVN đã xây dựng Kế hoạch năm 2024 với nhiều giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6-6,5%.
Đồng thời đảm bảo cân bằng tài chính để đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của Tập đoàn được phát triển bền vững.
Báo cáo của EVN chỉ rõ, Tập đoàn đặt mục tiêu tập trung mọi nỗ lực nhằm cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.
Thực hiện các nhiệm vụ được giao về xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.
Bước vào năm 2024, EVN đã đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ chính nhằm nỗ lực "vượt khó" để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ cung ứng điện phục vụ phát triển kinh tế- xã hội của đất nước và đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Theo đó, phấn đấu điện thương phẩm đạt từ 262,26 -269,3 tỷ kWh; tỷ lệ điện dùng cho truyền tải và phân phối không vượt quá 6,05%; năng suất lao động tăng trên 8%; kế hoạch vốn đầu tư toàn Tập đoàn: 101.911 tỷ đồng. Đồng thời phấn đấu đảm bảo cân bằng tài chính, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước.