Nổ tàu ngầm Kursk - Vụ tai nạn tàu ngầm nghiêm trọng nhất lịch sử thế giới
Một cuộc tập trận của hạm đội hải quân đã trở thành một cuộc chạy đua tuyệt vọng tìm kiếm những người sống sót ở độ sâu hàng trăm mét dưới biển.
Vào năm 2000, vụ tai nạn tàu ngầm tồi tệ nhất lịch sử thế giới xảy ra ngoài khơi bờ biển nước Nga. Một vụ nổ lớn đã đánh chìm chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân khổng lồ Kursk, giết chết hầu hết thủy thủ đoàn và khiến gần hai chục người sống sót mắc kẹt ở độ sâu hàng trăm mét dưới biển. Một đội cứu hộ quốc tế đã được huy động nhưng những nỗ lực vẫn thất bại.
“Thợ săn” tàu sân bay
Một trong những mối lo ngại lớn nhất của Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh là hạm đội tàu sân bay của Mỹ. Liên Xô coi các tàu sân bay của Mỹ vừa là bệ phóng có khả năng tiến hành các cuộc không kích hạt nhân nhằm vào đất nước, vừa là mối đe dọa đối với hạm đội tên lửa đạn đạo hạt nhân của mình. Do đó, Liên Xô đã chi một khoản tiền khổng lồ cho các hệ thống vũ khí nhằm đáp trả mối đe dọa từ các tàu sân bay Mỹ.
Tàu ngầm lớp Antey là một trong những giải pháp như vậy. Tàu ngầm, được NATO đặt biệt danh là “Oscar II”, là lớp tàu năng lượng hạt nhân được thiết kế để tiêu diệt các tàu lớn, đặc biệt là tàu sân bay. Những chiếc Oscar II dài 170m, rộng gần 20m và có lượng choán nước 19.400 tấn, gấp đôi một khu trục hạm.
Để theo kịp các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ, mỗi chiếc tàu ngầm của Liên Xô được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân OK-650 cung cấp 97.990 mã lực cho tàu. Sức mạnh như vậy giúp chúng đạt tốc độ tối đa 33 hải lý/giờ dưới nước.
Những chiếc Oscar II lớn vì chúng mang theo những tên lửa cũng rất lớn. Mỗi tàu ngầm mang theo 24 tên lửa P-700 Granit. Bản thân mỗi tên lửa có kích thước bằng một chiếc máy bay nhỏ dài 11m và nặng 7 tấn. Các tên lửa có tốc độ tối đa Mach 1,6, tầm bắn 500 km và sử dụng hệ thống nhắm mục tiêu vệ tinh.
Một quả P-700 Granit có thể mang đầu đạn nổ thông thường nặng 740kg (đủ để gây sát thương cho một tàu sân bay) hoặc đầu đạn 500 kiloton (đủ để làm nổ tung một tàu sân bay chỉ với một phát bắn). Đã có 13 chiếc tàu ngầm Oscar I và Oscar II được chế tạo, trong đó chiếc hiệu K-141 được gọi là Kursk.
Ngư lôi thất bại
Kursk được hoàn thành vào năm 1994 và được biên chế cho Hạm đội Phương Bắc của Nga. Vào ngày 15/8/2000, tàu Kursk tham gia một cuộc tập trận lớn cùng với tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov và tàu tuần dương Pyotr Velikity. Kursk được trang bị đầy đủ tên lửa và ngư lôi Granit, tàu sẽ thực hiện một cuộc tấn công mô phỏng vào Kuznetsov.
Lúc 11h20 sáng giờ địa phương, một vụ nổ dưới nước làm rung chuyển khu vực tập trận. Hai phút sau đó là một vụ nổ thậm chí còn lớn hơn. Một trạm giám sát địa chấn của Na Uy đã ghi lại cả hai vụ nổ. Một số người lính tham gia cuộc tập trận khi đó khẳng định, tàu tuần dương 28.000 tấn Pyotr Velikiy rung chuyển mạnh sau vụ nổ đầu tiên.
Các vụ nổ khiến Kursk chìm xuống biển và nằm ở độ sâu 120m. Vụ nổ đã xé toạc một vết rạch lớn ở mũi phía trước của con tàu, gần khoang chứa ngư lôi.
Hội đồng điều tra của Hải quân Nga sau đó xác định một trong những quả ngư lôi siêu nặng Type 65-76A của tàu ngầm đã phát nổ trước khi được bắn. Vụ nổ có khả năng là do một mối hàn bị lỗi không giữ được áp suất buồng nhiên liệu hydro peroxide.
Giống như nhiều loại ngư lôi, Type 65-76A sử dụng hydrogen peroxide làm nhiên liệu dưới nước. Điều nguy hiểm là hợp chất hóa học này có thể phát nổ nếu nó tiếp xúc với các hợp chất hữu cơ hoặc lửa.
Theo Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NLM), “bản thân hydro peroxide không dễ cháy, nhưng có thể gây ra sự đốt cháy tự phát các vật liệu dễ cháy và tiếp tục hỗ trợ quá trình đốt cháy vì nó giải phóng oxy khi phân hủy”.
Khoảnh khắc định mệnh
Chuyện gì đã xảy ra trên tàu Kursk? Các nhà điều tra đã đưa ra kết luận: Rò rỉ hydro peroxide gây ra hỏa hoạn, từ đó kích nổ đầu đạn của Type 65-76A và tạo ra vết nứt ở khoang chứa ngư lôi phần mũi tàu, đồng thời kích thích những quả ngư lôi còn lại phát nổ và xé nát con tàu.
Vụ chìm tàu Kursk không giết chết toàn bộ 118 thành viên thủy thủ đoàn ngay lập tức. Một trong những sĩ quan của con tàu, trung úy Dmitri Koselnikov, đã để lại một bức thư hai giờ sau vụ nổ thứ hai và có ghi lại 23 người còn sống sót.
Bất chấp nỗ lực cứu hộ được tổ chức gấp rút, bao gồm các đội cứu hộ của Anh và Na Uy, chính phủ Nga đã không thể tiếp cận kịp thời bất kỳ người sống sót nào. Xác tàu ngầm đã được trục vớt vào năm 2001 và được trả lại cho xưởng đóng tàu ngầm của Hải quân Nga tại Roslyakovo.