Nợ xấu gia tăng, thanh tra chỉ ra nhiều hạn chế tại PGBank

PGBank ghi nhận lợi nhuận quý I/2025 giảm 18%, nợ xấu gia tăng với tỷ lệ nợ có khả năng mất vốn chiếm 56% tổng nợ xấu.

Làm rõ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông

Ngân hàng Nhà nước vừa thông báo kết luận thanh tra đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - MCK: PGB).

Theo kết luận, cơ bản PGBank đã ban hành các chính sách, quy trình nội bộ về cấp tín dụng, cam kết ngoại bảng, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng... Tuy nhiên, cơ quan thanh tra phát hiện PGBank vẫn còn hạn chế và khuyết điểm.

Cụ thể, về hoạt động quản trị điều hành, quản lý rủi ro, Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc ban hành một số quy định nội bộ còn thiếu hoặc chưa kịp thời. Hiệu quả kiểm soát các chốt kiểm soát trong các quy trình, nghiệp vụ chưa cao. Chỉ đạo rà soát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến nợ xấu chưa đầy đủ, chưa làm rõ trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân trong việc để xảy ra nợ xấu...

Hoạt động kiểm soát và kiểm toán nội bộ liên quan đến xử lý, thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro còn có những tồn tại. Chưa kịp thời phát hiện những vi phạm, tồn tại trong công tác cấp tín dụng để xác định nguyên nhân, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền.

Số lượng nhân sự kiểm toán nội bộ chưa đủ để đáp ứng khối lượng và yêu cầu công việc. Hoạt động kiểm toán, kiểm tra, giám sát đối với các nội dung liên quan đến công nghệ thông tin còn hạn chế.

Hiệu quả của các chốt kiểm soát trong quy trình nghiệp vụ chưa cao, việc rà soát, đánh giá nguyên nhân dẫn đến nợ xấu chưa đầy đủ, chưa làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

Hoạt động kiểm toán nội bộ cũng có hạn chế, như chưa kịp thời phát hiện các vi phạm trong công tác cấp tín dụng, số lượng nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu và năng lực kiểm toán liên quan đến công nghệ thông tin còn yếu. Các phương pháp và công cụ nhận diện, đo lường rủi ro của ngân hàng được đánh giá là "còn giản đơn, đang trong quá trình nghiên cứu phát triển".

Trong hoạt động cấp tín dụng, qua thanh tra chọn mẫu, cơ quan thanh tra phát hiện một số trường hợp thực hiện chưa đầy đủ quy định về điều kiện vay vốn, thẩm định, xét duyệt cho vay, kiểm tra giám sát vốn vay và tài sản đảm bảo.

"PGBank cấp tín dụng cho các khách hàng có tài sản bảo đảm là tín chấp, quyền đòi nợ, khoản phải thu... và một số khách hàng có cảnh báo rủi ro về tình hình tài chính, tiến độ dự án, nguồn thu trả nợ", kết luận của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ.

Về xử lý nợ xấu, kết luận nêu năm 2023, PGBank chưa đạt 100% kế hoạch thu hồi nợ xấu đã xử lý rủi ro. Hoạt động xử lý, thu hồi nợ xấu của ngân hàng đối với một số khách hàng còn một số tồn tại như cơ cấu thời hạn khoản vay chưa đầy đủ quy định pháp luật, chưa thực hiện việc kiểm tra, đánh giá lại tình hình tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng kịp thời để có hướng xử lý, thu hồi nợ.

Quá trình thanh tra tỷ lệ sở hữu cổ phần, mua bán chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu của cổ đông tại PGBank, cơ quan đã tổng hợp được một số nội dung liên quan đến việc mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của 15 cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 0,1% vốn điều lệ của PGBank và chuyển thông tin sang cơ quan chức năng để xem xét theo quy định.

Chánh Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định xử phạt PGBank vi phạm hành chính với tổng tiền 370 triệu đồng cho 3 hành vi gồm: Không ban hành một số quy định nội bộ theo quy định của pháp luật; lập hợp đồng ủy thác không đầy đủ nội dung và không thành lập Hội đồng mua, bán nợ theo quy định.

Tính tới thời điểm hiện tại, PGBank có 16 cổ đông lớn, gồm 3 tổ chức và còn lại là các cá nhân sở hữu từ 1% vốn điều lệ ngân hàng.

Trong đó, 3 cổ đông tổ chức đều có liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Thành Công (TC Group) gồm: Công ty cổ phần Quốc tế Cường Phát với hơn 56,87 triệu cổ phần, tương ứng tỷ lệ sở hữu 11,37% vốn điều lệ; Công ty cổ phần Thương mại Vũ Anh Đức sở hữu hơn 56,11 triệu cổ phần, tương ứng 11,22% vốn; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh nắm hơn 55 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 11% vốn.

 Chất lượng nợ cho vay tại PGBank (Ảnh: BCTC quý I/2025 của PGBank)

Chất lượng nợ cho vay tại PGBank (Ảnh: BCTC quý I/2025 của PGBank)

Lợi nhuận giảm, nợ xấu gia tăng

Theo báo cáo tài chính quý I/2025, Ngân hàng Thương mại cổ phần Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) ghi nhận, thu nhập lãi thuần đạt 458 tỷ đồng, tăng 21,3% so với quý I/2024.

Hoạt động dịch vụ ghi nhận lãi thuần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 9 tỷ đồng. Mảng kinh doanh ngoại hối có lãi 13 tỷ đồng, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh khác tăng gấp đôi lên 18 tỷ đồng.

Trong kỳ, tổng chi phí hoạt động chỉ tăng 20,7%, đạt 263 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 242 tỷ đồng, tăng mạnh 53,4%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 3,5 lần lên 147 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế giảm còn 96 tỷ đồng.

Theo báo cáo giải trình của PGBank, lợi nhuận sau thuế đạt gần 76,6 tỷ đồng, giảm gần 16,3 triệu đồng (tương đương 18%) so với cùng kỳ năm 2024. Nguyên nhân dẫn đến sụt giảm lợi nhuận dù kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm trước là do chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng so với cùng kỳ năm 2024.

Ngân hàng cũng đã tập trung tăng trưởng khách hàng và đa dạng hóa nguồn thu nên thu nhập lãi thuần tăng.

Cũng theo báo cáo tài chính, tính đến cuối quý I/2025, tổng tài sản của PGBank đạt 73.552 tỷ đồng thay đổi không đáng kể so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 45.349 tỷ đồng, tăng trưởng 10%, trong khi tiền gửi khách hàng đạt 46.717 tỷ đồng, tăng 7,8%.

Ở phần nguồn vốn, tiền gửi và vay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận 850 tỷ đồng tăng gấp đôi ở thời điểm đầu năm là 419 tỷ đồng.

Tổng nợ xấu tính đến 31/03/2025 của PGBank xấp xỉ đầu năm ở mức 1.229 tỷ đồng tăng 16% so với đầu năm là 1.060 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn ghi nhận 270 tỷ đồng; nợ nghi ngờ ghi nhận 271 tỷ đồng; đáng lưu ý là nhóm nợ có khả năng mất vốn vẫn ở mức cao khi ghi nhận 689 tỷ đồng, chiếm 56% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng ghi nhận 2,7%.

Đức Huy

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/no-xau-gia-tang-thanh-tra-chi-ra-nhieu-han-che-tai-pgbank-post739130.html