Gỡ bỏ hạn mức tín dụng: bài toán cân đối dòng tiền và rủi ro

Lộ trình gỡ bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng được các chuyên gia nói là tích cực, nhưng câu chuyện cân đối và kiểm soát dòng tiền sẽ phải chặt chẽ hơn. Còn trong dài hạn, yêu cầu bắt buộc là thị trường vốn phải trưởng thành cùng thị trường tiền tệ.

Điều hành tăng trưởng tín dụng cần tránh lặp lại tình trạng tăng nóng như trong giai đoạn trước. Ảnh minh họa.

Điều hành tăng trưởng tín dụng cần tránh lặp lại tình trạng tăng nóng như trong giai đoạn trước. Ảnh minh họa.

Nghiên cứu bỏ hạn mức, cân đối dòng tiền với rủi ro

Đầu tháng 7, trong công điện về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành tăng trưởng tín dụng theo công cụ thị trường và bỏ hạn ngạch từ năm 2026.

Cập nhật thêm tại buổi họp báo hôm 8-7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), cho biết hiện đang ở trong lộ trình gỡ bỏ dần hạn mức tăng trưởng tín dụng này. Theo đó, NHNN đã giao chỉ tiêu ngay từ đầu năm 2025, đồng thời chỉ áp dụng cho các ngân hàng thương mại, gỡ bỏ chỉ tiêu cho nhóm các ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, NHNN cũng đã triển khai nhiều hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, thảo luận về vai trò của việc điều hành tín dụng theo chỉ tiêu, đã hỗ trợ tích cực với tăng trưởng tín dụng bền vững, ổn định lạm phát và kiểm soát an toàn của hệ thống tín dụng.

Ông Quang cũng nói thêm rằng không có công cụ nào vĩnh viễn, mà cần cải tiến trong điều hành, tuy nhiên cũng nhắc đến hệ lụy quá khứ vẫn còn tồn tại. Công cụ mang tính hành chính này ra đời giai đoạn 2012 với mục tiêu duy trì hệ thống an toàn, không đổ vỡ. Bối cảnh khi đó có nhiều tổ chức tăng trưởng tín dụng nóng, cá biệt lên trên 50%, vượt quá khả năng kiểm soát, đẩy thị trường vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh.

“Để đảm bảo giải pháp xử lý trọn vẹn và hài hòa, NHNN cần có biện pháp đặc thù với Việt Nam, vừa tăng tính tự chủ của tổ chức tín dụng, nhưng đảm bảo an toàn hệ thống, tăng trưởng kinh tế. Đây là bài toán của NHNN phải giải. Trong thời gian tới NHNN sẽ đánh giá tác động chính sách kỹ lưỡng, báo cáo cụ thể triển khai”, ông Quang nói.

Cân đối hạn mức tín dụng theo hình thức mới lvới tăng trưởng GDP là bài toán thách thức với Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV.

Cân đối hạn mức tín dụng theo hình thức mới lvới tăng trưởng GDP là bài toán thách thức với Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: SBV.

Hầu hết các chuyên gia đánh giá bước đi này là động thái tích cực về mặt quản lý hành chính, nhưng vẫn cần lưu ý cân nhắc cả rủi ro. “Việc thay đổi này cần phải đi cùng với việc thay đổi các quy định về các tỷ lệ an toàn, đặc biệt trong các khía cạnh như tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và quản trị rủi ro, nhằm đảm bảo ổn định hệ thống và tránh nguy cơ tăng trưởng nóng như đã xảy ra trong chu kỳ tín dụng trước”, báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty chứng khoán SSI mới đây bình luận.

Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, công cụ hạn mức là cần thiết trong những thời điểm đặc biệt, nhưng khi “điều kiện thị trường đã chín muồi” thì nên chuyển dần sang các công cụ mang tính thị trường.

Tuy nhiên, nguyên tắc vẫn là các ngân hàng chỉ được phép tăng trưởng tín dụng trong mức độ, đảm bảo được sự an toàn của chính tổ chức tín dụng đó, dựa trên các chỉ số liên quan đến an toàn hoạt động. “Ngân hàng chỉ được phép cung ứng nguồn vốn phù hợp với khả năng và năng lực của họ, vì điều này còn ảnh hưởng đến lợi ích của người gửi tiền, doanh nghiệp và toàn hệ thống”, ông Bình nói.

Thị trường cần trưởng thành

Khó khăn đầu tiên khi gỡ bỏ hạn mức, như đại diện NHNN thừa nhận, đó là bài toán cân đối giữa dòng tiền đưa ra thị trường và những rủi ro. Bài học về rủi ro thì đã nói đến nhiều, thậm chí những khoản nợ xấu giai đoạn 2013 đến nay ở nhiều ngân hàng vẫn còn đang phải xử lý. Cuối tháng 6 vừa qua, Quốc hội chính thức luật hóa Nghị quyết 42, văn bản pháp lý rất quan trọng giúp ngành xử lý tài sản xấu.

Một lưu ý khác là bỏ điều hành theo hạn mức tín dụng không đồng nghĩa với việc các ngân hàng sẽ được tăng trưởng tín dụng tự do.

Theo ông Bình, việc sử dụng các công cụ quản lý tín dụng theo thị trường sẽ khiến cho công tác thanh tra, giám sát của NHNN đối với các tổ chức tín dụng phải được nâng cao, bám sát thị trường hơn rất nhiều. Ngoài ra, các công cụ thị trường thường có độ trễ dài hơn so với việc đặt hạn mức trực tiếp như trước đây.

Từ phía các ngân hàng thương mại cũng buộc phải minh bạch hóa hơn, cung cấp thông tin kịp thời và thường xuyên hơn cho NHNN. Đồng thời, cũng phải trưởng thành trong việc đáp ứng các tiêu chí an toàn hoạt động, trong bối cảnh cơ quan quản lý liên tục cập nhật, ban hành các quy định mới về chuẩn mực liên quan đến Basel.

Một vấn đề lớn khác khi cân đối dòng tín dụng ra nền kinh tế dựa theo các công cụ thị trường, đó là không chỉ có thị trường tiền tệ mà cả thị trường vốn cũng phải trưởng thành theo.

Trên nghị trường Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng không ít lần nói về lo ngại rủi ro của ngành khi quy mô tín dụng đang phình to. Tỷ trọng dư nợ trên GDP cuối năm 2024 đạt mức 134%, tiếp tục xu hướng tăng.

Quy mô tín dụng trên GDP cao không chỉ nói về lo ngại hệ thống ngân hàng đang phải “gánh” dòng vốn đầu tư dài hạn trong nền kinh tế, mà còn liên quan đến một lo ngại khác về hiệu quả sử dụng đồng vốn chưa tương xứng với mức độ bơm vốn.

Trong những năm qua, trung bình cần 2 điểm phần trăm tăng trưởng tín dụng để mang lại 1 điểm phần trăm tăng trưởng GDP. Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là 8% thì tín dụng đặt ra hồi đầu năm lên tới 16%. Trong khi đó, chỉ số ICOR (Chỉ số Vốn–Sản lượng gia tăng) gần đây lại có xu hướng tăng, duy trì ở mức cao, phản ánh hiệu quả sử dụng vốn để tạo ra tăng trưởng đang ở mức thấp.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, cơ quan quản lý nhắc đến yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng. Các Nghị quyết gần đây của Bộ chính trị nhấn mạnh chuyển đổi dựa trên đổi mới sáng tạo, cải thiện năng suất. Riêng Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân nêu rõ yêu cầu phát triển thị trường vốn, nhắc đến hoạt động tài trợ vốn dài hạn thông qua nhiều loại hình tổ chức, nhiều sản phẩm khác, chứ không chỉ dựa vào các nhà băng.

“Dù sử dụng công cụ gì, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo được rằng mức tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng phải ở mức phù hợp với tốc độ tăng trưởng của GDP. Ngoài ra, cũng cần chuyển bớt gánh nặng sang cho thị trường vốn, thay vì để thị trường tín dụng gánh hết toàn bộ cho nền kinh tế”, ông Bình nói.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/go-bo-han-muc-tin-dung-bai-toan-can-doi-dong-tien-va-rui-ro/