Nơi cuối đường Trường Sơn huyền thoại

Bài cuối:
ĐỔI THAY Ở VÙNG CĂN CỨ ĐỊA TÀ THIẾT

BPO - Lộc Ninh là huyện đầu tiên ở miền Nam được giải phóng, nơi đặt căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết), Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98. Vùng đất này có nhiều công trình hạ tầng, giao thông được quy hoạch bài bản và các mô hình nông nghiệp xanh mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Những ngày tháng không quên

Thị trấn Lộc Ninh lọt thỏm giữa thung lũng được bao bọc bởi màu xanh bạt ngàn của những vườn cây công nghiệp như tiêu, cao su, điều. Diện mạo khang trang hơn với nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, đường nhựa phẳng lì đấu nối với quốc lộ 13 đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư thông thương sang nước bạn Campuchia. Lộc Ninh giống như “bảo tàng sống” với di tích Nhà Giao tế, địa điểm chiến thắng dốc 31, căn cứ Cục hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, di tích Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98, bệnh viện cổ Lộc Ninh và cụm di tích ghi dấu hành trình cứu nước của cựu Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen… khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau.

Cách trung tâm thị trấn Lộc Ninh khoảng 500m có di tích sân bay quân sự Lộc Ninh do Mỹ - ngụy xây dựng năm 1965. Đây là nơi diễn ra trận quyết chiến chiến lược giải phóng Lộc Ninh ngày 7-4-1972, đến ngày 12-2-1973 diễn ra cuộc trao đổi tù binh đầu tiên giữa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Với những giá trị to lớn ấy, ngày 12-2-1986, Sân bay Lộc Ninh được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Quốc lộ 13 đoạn qua trung tâm thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, thông qua nước bạn Campuchia

Quốc lộ 13 đoạn qua trung tâm thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh đến Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, thông qua nước bạn Campuchia

Từ Sân bay Lộc Ninh, dọc theo quốc lộ 13 chừng 17km đến thăm Di tích quốc gia đặc biệt - Khu căn cứ Tà Thiết, mỗi năm đón hàng ngàn lượt khách đến tham quan, du lịch về nguồn. Nơi đây có nhà ở, nơi làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, bếp lửa Hoàng Cầm, hầm giao ban, nhà chính ủy, hội trường… được xây dựng theo kiểu nửa chìm nửa nổi, cột, kèo làm bằng cây rừng, mái lá trung quân, nép mình dưới tán rừng Tà Thiết.

“Trung tuần tháng 4-1975, Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định gửi bức điện đến Bộ Chính trị đề nghị đặt tên chiến dịch là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Cùng với khí thế tiến công thần tốc, đến trưa 30-4-1975, lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Các đồng chí Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà đều xúc động mạnh, siết chặt tay nhau trong niềm hạnh phúc vỡ òa” - lời cô hướng dẫn viên thật đanh thép, ấn tượng. Đó là hình ảnh sâu sắc nhất trên mảnh đất Tà Thiết trong giờ phút thiêng liêng lịch sử, để rồi các nhà lãnh đạo vượt hơn 100km về tiếp quản Sài Gòn.

Đưa công nghệ vào sản xuất

Đến Hợp tác xã (HTX) lúa sạch Lộc Quang đang trồng giống lúa OM4900, OM 5451, đài thơm 8, thí điểm trồng ST24 và ST25 khoảng 100 ha, chúng tôi được nghe bà con nông dân kể chuyện về cây lúa. Nào là công đoạn làm đất xuống giống, chăm bón, thu hoạch, bán ra thị trường, trước đó là chuyện làm ăn nhỏ lẻ, mất mùa, mất giá. Nhưng nay đã khác, bà con canh tác 3 vụ, năng suất 5 tấn lúa khô/ha, giá 8.000 đồng/kg, được công ty tư nhân bao tiêu đầu ra. Chỉ tay về phía cánh đồng đang chờ vụ mới, ông Nguyễn Tân Giàu, thành viên HTX lúa sạch Lộc Quang chia sẻ: “Nhà tôi có 8 ha đất chủ yếu trồng giống lúa OM4900, chất lượng tốt, giá bán cao hơn so với giống lúa trồng trước đây. Người dân làm theo các quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa, xây dựng thương hiệu chuẩn OCOP”.

Anh Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang bên vườn tiêu được trồng theo hướng hữu cơ

Anh Phạm Thanh Chung, Giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang bên vườn tiêu được trồng theo hướng hữu cơ

Cách đó không xa là vườn tiêu của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang với diện tích 29 ha của 19 thành viên, do anh Phạm Thanh Chung làm Giám đốc. Cầm những dây tiêu khỏe khoắn, anh Chung cho hay, vườn tiêu của HTX được trồng theo hướng hữu cơ, ưu tiên công nghệ IMO ngâm ủ phân chuồng, phân bò, chuối bón cho cây tiêu, sử dụng hệ thống tự động IoT tưới và châm phân dinh dưỡng nên vườn tiêu quanh năm xanh tốt, ít sâu bệnh, cho sản lượng bình quân 65 tấn/năm, doanh thu năm sau cao hơn năm trước. HTX cũng tiên phong đưa hồ tiêu chế biến sâu, tạo ra 27 sản phẩm đạt chuẩn OCOP và đang đẩy mạnh quảng bá sản phẩm qua kênh thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị hồ tiêu.

Theo chia sẻ của cán bộ ngành nông nghiệp, trước đây, người dân trồng tiêu manh mún, chưa chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất thấp, không nhiều đầu ra nên bị tiểu thương ép giá. Hiện Lộc Ninh đã xây dựng được 21 HTX hồ tiêu với hơn 500 hộ dân tham gia chuỗi cung ứng hồ tiêu bền vững, canh tác hữu cơ, dùng hệ thống tưới tiết kiệm cho hồ tiêu. Người dân tận dụng lá trụ sống làm nọc tiêu để chăn nuôi dê, bò làm nông nghiệp tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững cây tiêu.

“Đất lửa” chuyển mình

Ngược về thị trấn Lộc Ninh có công trình xây dựng đường và kè suối Lộc Ninh, trong đó có tuyến đường 3km cùng một số hạng mục như tuyến kè, cầu dân sinh… tổng vốn đầu tư 135 tỷ đồng. Trên công trường, nhiều kỹ sư đang kiểm tra các hạng mục dự án, hàng chục công nhân lái máy xúc, máy ủi hì hục xúc đất, di dời vật liệu xây dựng. Công trình đang chậm tiến độ do vướng mặt bằng, gặp khó khăn khi thi công dưới lòng suối. Nhưng không phải chờ lâu vì theo dự kiến cuối năm nay hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần làm đẹp diện mạo của trung tâm huyện.

Lộc Ninh có quốc lộ 13 đi qua, tạo ra kết nối giao thông đến các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam Bộ, thông qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư sang Vương quốc Campuchia nhưng còn hạn chế. Cho nên việc tái lập tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh để giao thông đi lại thuận tiện, phục vụ vận chuyển hàng hóa, đẩy mạnh giao thương đang rất bức thiết. Theo kế hoạch hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga, đến năm 2025, sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt từ TP. Hồ Chí Minh đến Lộc Ninh - nằm trong hệ thống đường sắt xuyên Á, tạo nên cửa ngõ thuận lợi từ Bình Phước đi Campuchia, Lào, Thái Lan cũng như về Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh làm tiền đề phát triển tuyến du lịch Bình Phước - Phnôm Pênh - Xiêm Riệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Tạm biệt Lộc Ninh khi nắng chiều đang dần tắt phía sau lưng đồi, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay trên vùng đất nơi cuối đường Trường Sơn huyền thoại, anh dũng trong quá khứ đang vươn mình trong hôm nay, đúng với tinh thần: “Lộc Ninh xinh một cụm hồng/ Ai hay đất lửa, máu hồng đơm hoa”.

Huyện có đường biên giới hơn 100km, tiếp giáp các huyện Mê Mốt (tỉnh Tbong Khum), Sanuol (tỉnh Kratie) của Vương quốc Campuchia. Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, Cửa khẩu Lộc Thịnh, lối mở Tuần Lung - Lộc Tấn thuận tiện cho người dân qua lại buôn bán, thăm thân. Các cột mốc biên giới được bảo vệ an toàn, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng phát triển, công tác phối hợp phòng, chống buôn lậu qua biên giới chặt chẽ, góp phần giữ vững an ninh - quốc phòng, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Ông NGUYỄN GIA HÒA, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh

Bách Việt - Linh Giang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/158247/noi-cuoi-duong-truong-son-huyen-thoai