Nơi giao dịch 'chạy bằng cơm' mà hiệu quả không ngờ

Dự báo về thị trường việc làm trong tương lai, Ben Goertzel - người sáng lập và điều hành nhóm nghiên cứu SingularityNET với mục tiêu phát triển 'trí tuệ tổng hợp nhân tạo' (AGI) nhận định, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế 80% các công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, thực tế chưa chắc đã là vậy!

Trên nhiều địa bàn khó khăn, nhân viên ngân hàng vẫn phải trực tiếp “ba cùng” với người vay vốn.

Trên nhiều địa bàn khó khăn, nhân viên ngân hàng vẫn phải trực tiếp “ba cùng” với người vay vốn.

Từ những câu chuyện “người thật, việc thật”

Còn nhớ vào năm 2019, Nam A Bank trở thành ngân hàng Việt đầu tiên ứng dụng robot vào quầy giao dịch, phục vụ khách hàng. Cụ thể, tại buổi ra mắt không gian giao dịch số tích hợp hệ sinh thái thiết bị hiện đại, Nam A Bank đã “trình làng” Robot OPBA.

Theo đó, bước vào không gian giao dịch số, khách hàng sẽ gặp Robot OPBA để được tư vấn các thắc mắc theo nhu cầu. Với những cử động đã được lập trình tự động hóa, Robot OPBA có khả năng nhận diện khuôn mặt khách hàng bằng tính năng Face ID hiện đại, chủ động chào hỏi, hỗ trợ khách hàng.

Đặc biệt, khi cần trao đổi trực tiếp với nhân viên ngân hàng, Robot OPBA sẽ đưa ra lựa chọn và hướng dẫn khách hàng đến quầy giao dịch.

Trước đó, năm 2017, TPBank chính thức ra mắt mô hình giao dịch Ngân hàng tự động LiveBank. Tại thời điểm đó, đây là mô hình giao dịch ngân hàng hiện đại nhất thế giới, mới được số ít ngân hàng lớn trên thế giới thử nghiệm tại một số thị trường phát triển như Singapore từ cuối năm 2016, hay tại Mỹ từ đầu năm 2017.

Cho đến thời điểm hiện tại, LiveBank 24/7 được Tổng giám đốc TPBank cho biết: “Là biểu tượng chuyển đổi số của TPBank cũng như ngành ngân hàng Việt Nam, có thể phục vụ 90% nhu cầu giao dịch của khách hàng”.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những giao dịch “chạy bằng cơm” mà hiệu quả vượt lên trên những giá trị vật chất. Đó là câu chuyện mới diễn ra ngày 3/5/2024 tại Bình Thuận, cán bộ tín dụng Nguyễn Minh Khanh của Agribank - Chi nhánh Hàm Thuận Bắc đã kịp thời ngăn khách hàng cầm cố sổ tiết kiệm để vay tiền, chuyển cho kẻ lừa đảo 3,2 tỷ đồng.

Khách hàng là bà LTN đã lớn tuổi, buôn bán rau củ ở chợ thị trấn, không thường xuyên có giao dịch số tiền lớn. Vậy nhưng, hôm đó, bà LTN tới quầy giao dịch đề nghị cầm cố 2 sổ tiết kiệm có số tiền tổng cộng hơn 3,5 tỷ đồng để vay số tiền 3,2 tỷ đồng chuyển vào một tài khoản mang tên bà vừa được mở trong cùng ngày ở một ngân hàng khác.

Nhận thấy khách hàng có biểu hiện lo lắng, trình bày mục đích vay vốn mâu thuẫn, điện thoại của khách hàng luôn có người gọi tới nói chuyện kiểu hăm dọa, cán bộ tín dụng Khanh suy đoán là có thể khách hàng đang bị đối tượng xấu lừa đảo chuyển tiền nên đã tạm thời trì hoãn thực hiện giao dịch và báo cáo lãnh đạo chi nhánh phụ trách phối hợp giải quyết.

Tại phòng làm việc riêng với khách hàng, song song với việc giải thích cho khách hàng hiểu để tránh bị lừa đảo chuyển tiền, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng đã gọi điện báo cho Công an thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc (nơi bà LTN cư trú) phối hợp xác minh, giải quyết.

Sau khi được cán bộ công an giải thích, động viên, bà LTN đã dần trấn tĩnh, tường trình bị một đối tượng xưng danh là công an viên của Bộ Công an gọi điện nói bà có liên quan đến một vụ tàng trữ ma túy và đang bị điều tra ở Hà Nội.

Đối tượng này yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của chính mình mở tại ngân hàng khác để phục vụ “công tác điều tra” với số tiền là 3,2 tỷ đồng (do bà LTN khai với đối tượng này là có số tiền tiết kiệm đang gửi tại ngân hàng chưa đến hạn), đồng thời yêu cầu bà không được thông báo với bất kỳ một người nào cho đến khi vụ án kết thúc.

Nghe cán bộ công an và ngân hàng phân tích, giải thích thủ đoạn của đối tượng gọi điện, khi nhận ra mình bị lừa, bà LTN đồng ý không làm thủ tục vay cầm cố, cũng không rút tiền tiết kiệm trước hạn để chuyển tiền đi nữa.

Trước đó, ngày 9/4/2024, cùng ở địa bàn tỉnh Bình Thuận, một nữ nhân viên quầy giao dịch ở Chi nhánh Hàm Mỹ nhanh trí phát hiện và ngăn chặn thành công vụ lừa đảo chuyển 1,8 tỷ đồng, khi thấy khách hàng đề nghị rút sổ tiết kiệm có số tiền lớn khi chưa đến hạn có biểu hiện lo lắng.

Từ phía các tổ chức tín dụng, những cán bộ, nhân viên ngân hàng đã góp phần bồi đắp thêm hình ảnh của ngành, nơi đồng tiền của khách luôn được trân trọng, gìn giữ an toàn.

Hay ngày 11/4/2024, tại Agribank - Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, khi phục vụ khách hàng, nhân viên giao dịch của chi nhánh đã nhanh trí phát hiện dấu hiệu lừa đảo và kịp thời phối hợp với cơ quan công an giúp khách hàng không bị “mất oan” số tiền gần 200 triệu đồng.

Cũng trong tháng 4/2024, chỉ trong 1 tuần, tại Agribank - Chi nhánh huyện Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), nhân viên chi nhánh đã hỗ trợ 2 khách hàng thoát khỏi các bẫy lừa của nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng viễn thông với tổng số tiền giữ lại được là 130 triệu đồng.

Câu chuyện tương tự diễn ra tại LPBank, bà TTX ngụ tại thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, đến LPBank - Chi nhánh Cam Lộ yêu cầu tất toán hết 3 sổ tiết kiệm đều sắp đến kỳ lĩnh lãi với tổng giá trị 83,5 triệu đồng.

Trong quá trình giao dịch, nhân viên chi nhánh nhận thấy bà TTX có biểu hiện hồi hộp, lo lắng nên đã mời vào phòng riêng để trao đổi và được biết, khách hàng này nhận được một cuộc gọi video qua mạng xã hội.

Nhóm người trong cuộc gọi mặc trang phục của lực lượng công an, viện kiểm sát và thông báo bà có liên quan đến một vụ án ma túy lớn.

Đồng thời, nhóm này “dọa” bà TTX sẽ bị tạm giam trong thời gian 90 ngày để điều tra. Các cán bộ, nhân viên chi nhánh đã tuyên truyền, giải thích rõ về thủ đoạn lừa đảo nêu trên nên bà TTX đã hiểu ra, không thực hiện tất toán, chuyển tiền cho nhóm đối tượng lừa đảo.

Nêu cao tinh thần “đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng”

Những câu chuyện trên cho thấy, tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng với thủ đoạn ngày một tinh vi. Theo các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã mạo danh cán bộ công an để thực hiện các hành vi đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân và một điểm chung trong các vụ việc này là các đối tượng luôn yêu cầu bị hại phải giữ bí mật, không được chia sẻ hay tâm sự với người khác.

Tuy nhiên, nhờ sự tích cực tuyên truyền, cảnh báo các phương thức của tội phạm lừa đảo, các cán bộ, nhân viên ngành ngân hàng đã chủ động cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức nghiệp vụ, đặc biệt là nêu cao tinh thần “đảm bảo an toàn tài sản cho khách hàng”, qua biểu hiện bất thường của khách hàng đã nhanh chóng đánh giá tình hình, khéo léo, kịp thời phối hợp với công an địa phương ngăn chặn, tránh cho người dân trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Bộ Công an, hoạt động lợi dụng không gian mạng tiến hành phạm tội, nổi bật là lừa đảo trực tuyến (chiếm 57% tổng số tội phạm mạng) gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi; triệt để lợi dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD mỗi năm (riêng năm 2023 thiệt hại 1.026 tỷ USD, tương đương 1,05% GDP toàn cầu).

Do đó, trước tiên, người dân cần nêu cao cảnh giác với các số điện thoại lạ xưng là công an đòi chuyển tiền. Trường hợp bị các đối tượng lạ gọi điện đe dọa, người dân cần báo ngay với cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Từ phía các tổ chức tín dụng, những cán bộ, nhân viên ngân hàng đã góp phần bồi đắp thêm hình ảnh của ngành, nơi đồng tiền của khách luôn được trân trọng, gìn giữ an toàn.

Dự báo về thị trường việc làm trong tương lai, Ben Goertzel - người sáng lập và điều hành nhóm nghiên cứu SingularityNET với mục tiêu phát triển “trí tuệ tổng hợp nhân tạo” (AGI) nhận định, trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay thế 80% các công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, thực tế chưa chắc đã là vậy!

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/noi-giao-dich-chay-bang-com-ma-hieu-qua-khong-ngo-post347413.html