Nơi giữ 'hồn' văn hóa Lô Lô giữa đại ngàn

Xã Lũng Cú (Đồng Văn) là mảnh đất linh thiêng nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Du lịch trên địa bàn phát triển mạnh mẽ, nhu cầu ăn, nghỉ của du khách tăng cao, nhiều homestay, nhà hàng, điểm lưu trú được xây dựng. Trong đó, Dảnh House là một trong những homestay mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Lô Lô xã Lũng Cú; đây không chỉ là nơi lưu trú mà còn là nơi giữ “hồn” văn hóa dân tộc Lô Lô giữa đại ngàn núi đá.

Dảnh House là hometsay nằm trên địa bàn thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, có diện tích gần 2.000 m2, được thiết kế gồm 1 ngôi nhà gỗ truyền thống nằm ở vị trí trung tâm, là ngôi nhà chính. Xung quanh gồm 5 nhà ở mô phỏng 5 cặp trống đồng của 5 dòng họ lâu đời và đông nhân khẩu nhất tại thôn Lô Lô Chải là dòng họ Vàng, Mùng, Sình, Dìu, Lù. Ngoài ra, còn có hệ thống nhà hàng quầy cafe với thiết bị hiện đại; hệ thống phòng xông hơi đá nóng, khu gội đầu dưỡng sinh và ngâm chân các loại thảo mộc vùng cao nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ trong lưu trú, đáp ứng được nhu cầu của khách lưu trú tại Dảnh House.

Toàn cảnh homestay Dảnh House.

Toàn cảnh homestay Dảnh House.

Chia sẻ về ý tưởng xây dựng homestay, chị Hoàng Mỹ Khánh, chủ Dảnh House cho biết: “Tôi là con dâu, cháu dâu của dòng họ Vàng, là dòng họ lâu đời của dân tộc Lô Lô. Ông nội chồng tôi là người hiến tặng Trống đồng cổ của dòng họ cho Bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tầm và trưng bày. Thế hệ chúng tôi luôn mong muốn kế thừa và phát huy truyền thống của gia đình trong việc bảo tồn, giới thiệu và quảng bá về văn hóa dân tộc Lô Lô nói chung, Trống đồng Lô Lô nói riêng đến du khách khi tham quan làng Cổ tích Lô Lô Chải. Bởi lẽ, chiếc Trống đồng của người Lô Lô là một biểu tượng văn hóa thiêng liêng vô cùng đặc sắc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2015. Sau khi tham khảo ý kiến của các già làng, người có uy tín trong thôn, ông, bà trong họ, gia đình tôi đã xây dựng khu homestay với thiết kế các căn bungalow mô phỏng theo hình cặp Trống đồng của người Lô Lô với mong muốn quảng bá văn hóa truyền thống và phát triển kinh tế du lịch bền vững dựa trên nền tảng của văn hóa bản địa. Để hoàn thiện được mô hình các cặp trống đồng trong homestay đảm bảo đúng văn hóa truyền thống, chúng tôi đã thuê 25 thợ lành nghề của địa phương, tiến hành xây dựng liên tục trong 1 năm. Homestay được đặt tên là Dảnh House cũng mang ý nghĩa riêng. Trong đó, “Dảnh” trong tiếng Lô Lô có nghĩa là “Trống đồng”. Dảnh House là mong muốn du khách đến lưu trú tại đây như trở về ngôi nhà của mình”.

Những căn bungalow mô phỏng theo hình chiếc Trống đồng của đồng bào Lô Lô.

Những căn bungalow mô phỏng theo hình chiếc Trống đồng của đồng bào Lô Lô.

Được biết, Dảnh House có 3 hạng phòng. Trong đó, hạng phòng nhà gỗ truyền thống gồm 10 phòng là những căn phòng ngủ nhỏ, thiết kế như phòng ngủ gia đình thông thường. Hạng phòng này được tu sửa lại từ chính căn nhà của gia đình đã sinh sống. Liền kề với khu nhà truyền thống là khu panaroma có thể ngắm trọn cảnh bình minh trên Cột Cờ Quốc gia Lũng Cú và chiêm bái khu tâm linh Chùa Lũng Cú. Hạng bungalow Trống đồng là hạng mục phòng chủ đạo của homestay, gồm 2 hạng phòng là phòng đơn và phòng đôi được mô phỏng theo 2 cặp trống đồng. Trong đó, phòng đơn đặt tên là Dảnh Pò, có nghĩa là Trống Đực; phòng đôi đặt tên Dảnh Mo có nghĩa là Trống Cái. Các hạng phòng Trống đồng đều có sân nhỏ riêng của từng căn.

Nhằm quảng bá văn hóa truyền thống đến với du khách, Dảnh House thường xuyên tổ chức đốt lửa trại, chương trình giao lưu giữa nghệ nhân địa phương và du khách. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn xã Lũng Cú tổ chức biểu diễn văn nghệ vào tối thứ 7 hàng tuần. Ngoài ra, còn có khu vực riêng để chị em dân tộc Lô Lô trong thôn thêu trang phục truyền thống của đồng bào giúp du khách trải nghiệm thực tế những đường thêu tinh xảo, ý nghĩa từng họa tiết trên bộ trang phục vô cùng sặc sỡ nhưng rất hài hòa của dân tộc Lô Lô. Bên cạnh đó, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cùng với người dân như: Tham gia các sự kiện dân gian của làng, đám rước dâu, lễ đặt tên cho trẻ sơ sinh, lễ cúng tổ tiên và tham gia các hoạt động sinh hoạt thường ngày khác.

Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động tại homestay.

Du khách được trải nghiệm nhiều hoạt động tại homestay.

Chị Hoàng Mỹ Khánh cho biết thêm: Từ 30.4 đến 31.12.2024, homestay đi vào hoạt động thử nghiệm để du khách trải nghiệm, đã đón gần 1.000 khách đến lưu trú trực tiếp và sử dụng các dịch vụ. Từ 1.1.2025, Dảnh House chính thức đi vào hoạt động. Trong dịp Tết Dương lịch và Âm lịch Ất Tỵ, Dảnh house đã đón hơn 700 khách lưu trú và khoảng 3.000 khách đến checkin. Đến nay, các đánh giá của du khách đều vô cùng hài lòng với dịch vụ mà homestay cung cấp. Đặc biệt, homestay còn giải quyết việc làm cho 6 lao động địa phương, có thu nhập ổn định từ 5-13 triệu đồng/người/tháng.

Có thể thấy, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch, những homestay mang đậm nét văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Đồng Văn đã và đang khẳng định được chỗ đứng của mình. Dảnh House là minh chứng rõ nét cho việc kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống. Từ đó giúp nâng cao đời sống cho người dân, cũng là cách để đưa những giá trị văn hóa được bảo vệ và lan tỏa.

Bài, ảnh: MY LY

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202502/noi-giu-hon-van-hoa-lo-lo-giua-dai-ngan-b382bbd/