Nơi hội tụ giá trị văn hóa truyền thống

Chợ phiên vùng cao từ lâu được biết đến là nơi giao thương và hội tụ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Mỗi phiên chợ cách nhau 5 ngày, những gian hàng thổ cẩm, khu vực ẩm thực, nơi bán hàng thủ công truyền thống hay góc bán nông sản, gia súc… vẫn được coi là 'hồn cốt' của chợ phiên để người dân gìn giữ và lan tỏa giá trị văn hóa.

Đến với các phiên chợ, du khách có thể đắm chìm trong sắc màu thổ cẩm, trong những nụ cười hồn hậu, không khí ấm cúng, thân thiện như tính cách của những con người nơi đây; đồng thời hiểu thêm nhiều điều về văn hóa truyền thống, đời sống sinh hoạt của người dân vùng cao. Các phiên chợ đều mang nét nguyên sơ, đậm bản sắc dân tộc của đồng bào sống trong khu vực, là nơi không chỉ trao đổi mua bán hàng hóa mà còn gặp gỡ, vui chơi, sinh hoạt văn hóa của người dân trên địa bàn.

Đến với huyện Bảo Lạc vào các ngày mùng 5, 10, 15, 20, 25 và 30 âm lịch hằng tháng, du khách đừng bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm chợ phiên. Chợ phiên Bảo Lạc nằm trên một con phố nhỏ giữa trung tâm thị trấn, một bên là bờ sông Gâm, một bên là dãy nhà dựa vào vách núi. Ngày áp phiên, không khí nhộn nhịp đã đến từng nhà, từng ngõ nhỏ. Từ khi mặt trời chưa nhô lên, khi những lớp sương mờ còn quấn quanh các sườn núi, từng tốp người kéo nhau về họp chợ. Vào ngày chợ, bà con mang đến những sản vật, sản phẩm độc đáo cùng nét văn hóa riêng có của dân tộc mình. Thông qua các sản phẩm được trao đổi, mua bán thấy được nét văn hóa truyền thống trong ẩm thực, như: măng đắng, măng chua, cá suối gác bếp, thịt chua… tạo nên hương vị món ăn vùng Đông Bắc; trang phục làm từ các sản phẩm dệt, các sản phẩm thủ công từ mây, tre; các bài thuốc của người Mông, Dao, Lô Lô…

Chị em dân tộc Mông lựa chọn trang phục.

Chị em dân tộc Mông lựa chọn trang phục.

Có mặt tại chợ phiên khoảng 7 giờ sáng, chúng tôi bị thu hút bởi sự phong phú của các sản phẩm được bày bán. Ghé thăm gian hàng bán quần áo, phụ kiện trang phục dân tộc Mông, tôi tò mò khi thấy các phụ kiện, trang phục được bày bán khá nhiều. Chị Lý Thị Dâừ cho biết: Trang phục truyền thống được nhiều người mua, vì giá cả phải chăng, chiếc áo có giá khoảng 200 - 300 nghìn đồng. Mỗi buổi có khi chỉ bán được vài phụ kiện như khăn đội đầu, yếm, thắt lưng... nhưng tôi vẫn vui.

Thổ cẩm là mặt hàng phổ biến làm nên thương hiệu của chợ phiên nhưng phải chịu sự cạnh tranh của các mặt hàng thời trang may sẵn nên các gian hàng thổ cẩm truyền thống ngày càng thưa thớt. Chị Dâừ cho biết thêm: Chúng tôi sản xuất thổ cẩm không chỉ để bán mà còn muốn giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá văn hóa của dân tộc mình cho thế hệ trẻ và du khách biết đến.

Thích đi chợ phiên vì vui, vì nhớ..., đó là câu trả lời của cả người bán và người mua. Với người bán, sản phẩm bán ra có thể chưa nhiều nhưng họ vẫn vui vì được gặp gỡ người quen, còn người mua đi chợ phiên ngày cuối tuần là giây phút thư giãn. Chị Đặng Thị Trang, người luôn có mặt tại chợ phiên Bảo Lạc chia sẻ: Tôi công tác và lập gia đình tại huyện Bảo Lạc đã 10 năm nên hầu như phiên chợ nào tôi và 2 con gái đều đi chợ. Tôi thích cảnh bà con dân tộc đi mua sắm, họ mặc trang phục truyền thống rất đẹp, các con của tôi giờ cũng rất thích đi chợ, đứa nào cũng mua vài bộ quần áo Mông, Dao để mặc khi đi chợ phiên.

Trong ký ức của ông Hoàng Văn Hiếu, thị trấn Bảo Lạc, khoảng 3, 4 thập kỷ trước, điều kiện đi lại còn nhiều khó khăn, người ở cách chợ phiên hàng chục km, đi chơi chợ phải đi bộ hoặc đi ngựa nên nhiều nơi trong vùng hình thành ngày áp phiên chợ từ hôm trước. Còn hiện nay, khi phương tiện xe máy đều phổ biến, đường đến chợ thuận tiện và rút ngắn hơn, tuy nhiên một số người dân vẫn duy trì thói quen đi bộ về phiên chợ. Đặc biệt, bà con từ các nơi xuống chợ với tâm thế gặp gỡ người thân quen, giao lưu, thưởng ngoạn văn hóa diễn ra ở chợ, nhất là văn hóa ẩm thực. Hầu như ai xuống chợ cũng mặc đẹp, thân thiện thăm hỏi nhau. Bà con thoải mái lựa chọn các hình thức vui chơi, giải trí được tổ chức trong không gian chợ, do vậy người dân thường nói đi chợ là đi chơi.

Trang phục truyền thống được bày bán tại chợ phiên.

Trang phục truyền thống được bày bán tại chợ phiên.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tô Thị Trang cho biết: Hiện nay, chợ phiên truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp một số thách thức. Sự gia tăng dân số cùng với quá trình đô thị hóa làm cho không gian chợ phiên bị thu hẹp; mật độ hàng hóa, số người mua sắm gia tăng dẫn đến thiếu không gian cho hoạt động văn hóa. Thu nhập hộ gia đình được nâng lên cùng với sự tiến bộ của khoa học công nghệ đã tác động đến thói quen đi chơi chợ. Người dân đến chợ phiên chủ yếu bằng xe máy, thường gói gọn trong ngày, ít còn những phiên chợ đón từ tối hôm trước, dẫn đến thời gian rảnh rỗi cho người đi chợ tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa dân tộc ngày một ít. Mạng Internet, điện thoại thông minh, mạng xã hội… tác động đến từng cá nhân, hộ gia đình, thu hút sự quan tâm của người dân và chương trình giải trí, văn hóa, văn nghệ trong nước, quốc tế đa dạng, phong phú nên một bộ phận dân chúng nhạt dần sinh hoạt văn hóa truyền thống ở chợ phiên. Chức năng kinh tế của chợ phiên có chiều hướng lấn át chức năng văn hóa vốn có của chợ truyền thống; cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm phát huy chức năng “kép” kinh tế và văn hóa của chợ phiên truyền thống ở vùng cao.

Toàn tỉnh hiện có 46 chợ phiên tại 10 huyện, Thành phố, các phiên chợ diễn ra cách nhau 5 ngày. Để chợ phiên truyền thống trở thành nơi quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút khách du lịch, quảng bá nét đẹp văn hóa gắn với kích cầu du lịch, tỉnh triển khai hoạt động phiên chợ vùng cao gắn với các ngày lễ lớn của địa phương. Phối hợp mở lớp tập huấn về xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị, tích cực lan tỏa nét đẹp văn hóa độc đáo của chợ phiên gắn với phát triển du lịch bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng vùng, địa bàn.

Thanh Bình

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/noi-hoi-tu-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-3173232.html