Nói không với bạo lực học đường

Em Trần Yến Nhi, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cái Nước, chia sẻ, cứ mỗi khi nhớ đến cụm từ 'bạo lực học đường' là em hết sức bàng hoàng. Em không thể nào quên những tháng ngày bị bạn bè trong lớp dùng nhiều hình thức bắt nạt, đe dọa.

Yến Nhi kể lại, lúc em học lớp 3, trong quá trình học tập, xảy ra mâu thuẫn với một bạn nam trong lớp. Ngay lập tức, bạn này nghiêm cấm tất cả các bạn trong lớp không được gần gũi, chơi thân với em. Nếu bạn nào không làm theo, hoặc méc cô thì bạn đó sẽ bị bắt nạt, hăm dọa và uy hiếp, mục đích nhằm cô lập. Chưa hết, các bạn trong lớp còn không tham gia trực nhật, đề nghị Nhi phải làm thay cho các bạn và cố tình đổ nước xuống nền gạch để gây khó khăn cho khâu làm vệ sinh lớp học.

“Không dừng lại đó, trong quá trình vui chơi tại lớp, các bạn cố tình đá cầu qua lại rồi thách đố, xúi giục bạn bè ném cầu vào người, vào mặt nhưng em không dám méc cô”, Yến Nhi nhớ lại nỗi ám ảnh thời tiểu học.

Em Trần Yến Nhi, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cái Nước (ngồi đối diện cô giáo) hiện vẫn còn ám ảnh về sự vụ bạo lực học đường thời tiểu học mà bản thân chính là nạn nhân.

Em Trần Yến Nhi, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Cái Nước (ngồi đối diện cô giáo) hiện vẫn còn ám ảnh về sự vụ bạo lực học đường thời tiểu học mà bản thân chính là nạn nhân.

Khi công nghệ 4.0 phát triển, mặt trái mạng xã hội tác động tiêu cực đến các em học sinh khi tiếp cận phim ảnh không lành mạnh, mang tính chất bạo lực, dẫn đến một số em không ý thức hành vi, hoặc cố tình làm theo thói hư tật xấu để thể hiện đàn anh, đàn chị trong trường, trong lớp. Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn trong học tập, không chỉ bắt nạt, đe dọa, dùng vũ lực để giải quyết, mà còn dùng điện thoại thông minh ghi hình, chụp ảnh cổ xúy lên mạng xã hội, vi phạm nghiêm trọng vấn đề đạo đức, gây bức xúc dư luận.

Theo số liệu thống kê của Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện, chỉ tính riêng tháng 11 và tháng 12/2023, trên địa bàn huyện xảy ra 4 vụ học sinh đánh nhau, liên quan đến 22 em học sinh nam và nữ, thuộc bậc THCS. Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ban giám hiệu các trường phối hợp với phụ huynh và cơ quan công an vào cuộc điều tra, làm rõ nguyên nhân. Ðồng thời, tùy theo mức độ vi phạm, các em học sinh cũng đã bị xử lý, từ hạ hạnh kiểm đến đình chỉ học tập có thời hạn.

Thầy Lê Nha Trang, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Thạnh Hưng, xã Tân Hưng, nhận định: “Hậu quả bạo lực học đường thời 4.0 hết sức nguy hiểm, đó là làm lộ thông tin, hình ảnh nạn nhân lên mạng xã hội, để lại hậu quả nặng nề về mặt tâm lý, gia đình và làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục”.

Ðể phòng chống bạo lực học đường, cần sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó gia đình và nhà trường có vai trò rất quan trọng. Gia đình chính là môi trường, nền tảng hình thành và nuôi dưỡng nhân cách con cái; nhà trường không chỉ giảng dạy kiến thức mà còn giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử cho học sinh. Ðối với các trường hợp bạo lực học đường nghiêm trọng, nhà trường cần áp dụng biện pháp kỷ luật nhằm răn đe, giáo dục, bảo vệ sự an toàn cho học sinh. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, xây dựng trường học thân thiện ngay từ đầu năm học, để "nói không” với bạo lực học đường./.

Huỳnh Việt

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/noi-khong-voi-bao-luc-ho-c-duo-ng-a31984.html