Nỗi lo thực phẩm 'bẩn' từ các chợ dân sinh
Thực phẩm tươi sống bày bán trên những chiếc bàn cũ tồn tại nhiều năm nơi góc chợ, xung quanh nước thải lênh láng. Từ quầy bán thịt tươi sống tới quầy bán rau, bún, đậu hũ… người bán hàng tay không đeo găng, vừa lau mồ hôi vừa bốc trực tiếp sản phẩm cho khách hàng. Đó là thực trạng đang xảy ra tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội.
Được hình thành từ nhiều năm nay, chợ “cóc” cầu Lủ, nằm giữa địa bàn hai phường Định Công, quận Hoàng Mai và phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) phục vụ một lượng lớn người dân sinh sống quanh khu vực. Ghi nhận của PV PL&XH tại chợ lúc 16h ngày 26/6, các quầy thủy hải sản đầu chợ chủ yếu bán đồ ướp lạnh, được bày trực tiếp lên hộp, thùng, chậu… không được người bán che chắn.
Tại rất nhiều khu chợ dân sinh tự phát, ngoại trừ dãy hàng thịt lợn được kê bàn cao hẳn so với nền chợ, các mặt hàng còn lại như hải sản, rau, hoa quả… đều được các tiểu thương đặt ngay dưới nền đất. Hàng chục lồng gà, vịt, ngan, chim bồ câu các loại để trên nắp cống thoát nước. Các tiểu thương buôn bán thịt trong chợ hầu như không sử dụng bao tay nilon hay bất kỳ một dụng cụ bảo đảm an toàn vệ sinh nào mà cầm trực tiếp vào sản phẩm bán cho khách.
Mùi hôi tanh của nước thải từ việc giết mổ quện với mùi phân gia cầm bốc lên nồng nặc. Người đi đường, người mua vừa đứng chờ vừa né, có khi lĩnh trọn cả bãi phân gà, vịt khi người bán giết mổ.
Nhiều hàng thủy sản được bố trí san sát nhau, thành dãy dài với những chậu tôn cỡ lớn đựng đầy nước và sản phẩm khiến cả đoạn đường luôn ngập ngụa nước. Tình trạng trên cũng diễn ra ở nhiều khu chợ dân sinh khác trong khu vực nội thành và ngoại thành.
Ngoài tình trạng bày bán thực phẩm tươi sống, rau củ quả dưới nền đất, hình ảnh các loại thực phẩm chế biến sẵn không có tủ kính che đậy, khiến bụi bặm, ruồi nhặng mang theo vi khuẩn có thể xâm nhập diễn ra khá phổ biến.
Vì không có sự phân lô từ cơ quan chức năng, người bán hàng tự chọn chỗ để bán nên đa phần cứ tiện đâu ngồi đấy. Tình trạng hàng ăn chín cạnh hàng ăn sống, rau bán gần hàng cá, thịt lợn sát ngay cạnh những thúng bún... vẫn diễn ra thường xuyên tại các chợ truyền thống.
Đó là chưa kể nhiều cửa hàng bán đồ ăn chín nhưng phơi ra chỗ đông người qua lại. Bụi bặm cùng việc nhiều khách mua có thói quen sờ tận tay, chọn tận nơi, vừa lái xe máy vừa chọn thịt xong lại quay ra bới ngô luộc, bánh, hoa quả... đã nhiễm bẩn chéo từ chỗ nọ sang chỗ kia.
Không chỉ đối với thực phẩm tươi sống, các loại thực phẩm khô cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Những mặt hàng như nấm hương, mộc nhĩ, măng khô, gia vị, cá, tôm khô… thường được đóng trong các bao nilon không nhãn mác, người mua cũng chỉ biết đến nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm qua lời giới thiệu của người bán.
Chị Nguyễn Mai Lan, cho biết: “Nhà ở ngõ cạnh chợ nên tôi ra đây mua thực phẩm hằng ngày cho đỡ mất thời gian. Tuy nhiên mùa hè nóng nực như vậy, tôi phải ra chợ sớm, vì muộn một chút là vớ phải đồ ôi, nhất là các loại thịt làm sẵn và thủy hải sản rã đông”.
Chị Lan cũng cho biết thêm, do đây là chợ tự phát, xung quanh lại không có chợ nào nên nhiều người tiện đi lại mua thực phẩm tại đây. Đặc biệt nhiều người còn mua đồ đã chế biến sẵn trong chợ về sử dụng. Cũng như nhiều chợ cóc khác, thức ăn sẵn được bày trong những hộp nhựa và xếp trên chiếc xe kéo hoặc bàn nhựa, không được che đậy. Có khi lại được bày ngay cạnh điểm bán và giết mổ gia cầm sống.
Chị Phương Oanh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ kinh nghiệm chọn thực phẩm an toàn: "Tôi thường mua ở chỗ quen tại chợ. Khi mua, người bán lấy sản phẩm từ những túi ni lon lớn, không có nhãn mác bởi vậy các thông tin về nơi sản xuất, hạn sử dụng tôi không nắm được. Theo cảm quan, tôi thấy sản phẩm không bị mốc hay hư hỏng, người bán lại là chỗ thân quen nên vẫn yên tâm sử dụng”.
Trưởng phòng Nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) bà Lê Thị Hằng cho biết, tại một số chợ dân sinh vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, vấn đề nguồn gốc hàng hóa tại chợ truyền thống cũng là điều cần quan tâm. Theo quan sát, nhiều sản phẩm được bày bán tại đây đều ở tình trạng không nhãn mác, không nguồn gốc, xuất xứ, thành phần và không có thời hạn sử dụng.
Để tránh tiền mất tật mạng, các chuyên gia y tế khuyên mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông minh, lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác đầy đủ, rõ ràng; Thông tin về chất lượng, hướng dẫn bảo quản sử dụng, hạn sử dụng đều phải được in đầy đủ trên nhãn. Đặc biệt, để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng không nên ham rẻ, mua sản phẩm không rõ ràng, không đăng ký công bố chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, mỗi người hãy kiên quyết nói "không" với những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh. Có như thế mới góp phần chung tay đẩy lùi thực phẩm "bẩn" vì sự an toàn của bản thân và gia đình.
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 14/5/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và Điều 1 Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/ 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm, cụ thể như sau:
Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 1 người đến 4 người mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…