Nỗi lo trường tư gắn mác quốc tế

Phụ huynh cần thận trọng với những trường tư thục gắn mác quốc tế hoặc liên kết đào tạo nước ngoài không minh bạch, ảnh hưởng tới lộ trình học tập của trẻ nhỏ.

Không ít trường tự xưng là trường quốc tế, gây hoang mang cho phụ huynh và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của hệ thống giáo dục.

Nhiều trường tự đeo mác quốc tế

Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện có hơn 100 trường ngoài công lập, trong đó có rất nhiều trường tự xưng là trường quốc tế. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 25 trường được kiểm định và công nhận đạt chuẩn quốc tế thực sự.

Các trường còn lại thường tự gắn mác "quốc tế" để thu hút phụ huynh mà không đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chương trình đào tạo, giáo viên, cơ sở vật chất và hoạt động ngoại khóa.

Ngay trên trang web của Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng chỉ để danh sách trường ngoài công lập với 93 trường, trong đó có 3 trường đã ngưng hoạt động. Nhìn vào danh sách này, khó có thể biết đâu là trường quốc tế.

Tại Hà Nội, tình trạng này cũng không kém phần phức tạp. Số liệu từ Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy có hơn 80 trường tự xưng là trường quốc tế, nhưng chỉ có khoảng 20 trường đạt chuẩn quốc tế theo các tổ chức kiểm định uy tín như CIS, WASC hay NEASC.

Các trường không đạt chuẩn thường chỉ sử dụng giáo trình tiếng Anh và thuê giáo viên nước ngoài mà không đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện.

Trường Quốc tế TP.HCM phát sách có nội dung nhạy cảm cho học sinh bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Ảnh: PLO

Trường Quốc tế TP.HCM phát sách có nội dung nhạy cảm cho học sinh bị cơ quan chức năng nhắc nhở. Ảnh: PLO

Nhiều bài học nhãn tiền đã xảy ra nhưng có vẻ như những cảnh báo từ thực thế ấy chưa có sức tác động lớn tới tâm lý của phụ huynh khi chọn trường “quốc tế” cho con.

Trước đây, bài học về Trường Quốc tế Gateway – nay là trường Deway (Hà Nội) được phản ánh là chưa đạt chuẩn quốc tế với các vấn đề về an toàn học đường và chất lượng giảng dạy. Năm 2019, trường Dewway lúc đó với tên Gateway cũng tự đeo mác quốc tế và xảy ra sự cố đáng tiếc khiến một học sinh thiệt mạng.

Hay như hệ thống Trường phổ thông liên cấp Newton (Hà Nội), trước năm 2019 từng tự xưng là trường quốc tế nhưng không được công nhận bởi các tổ chức kiểm định quốc tế uy tín. Nhiều phụ huynh đã lầm tưởng Newton là trường quốc tế thật.

Sau sự cố của Trường Quốc tế Gateway, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiến hành rà soát các trường tự gắn mác quốc tế thì trường Newton âm thầm che đi yếu tố "quốc tế" trên các tờ rơi, quảng cáo, xe đưa đón học sinh.

Xe của trường Newton âm thầm xóa đi từ "quốc tế", thay vào đó bằng từ liên cấp. Ảnh: CTV

Xe của trường Newton âm thầm xóa đi từ "quốc tế", thay vào đó bằng từ liên cấp. Ảnh: CTV

Thậm chí, trước đó, vào năm 2018, trường Newton đã khiến nhiều bậc phụ huynh “tá hỏa” khi đưa ra chương trình du học tại chỗ, liên kết với trường có tên George Washington International School (GWIS - Mỹ). Tuy nhiên, sau khi thẩm định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác nhận GWIS không có hoạt động giảng dạy tại các địa chỉ mà trường này đăng ký ở Mỹ, không hề có kiểm định quốc gia hay kiểm định vùng.

Một trường hợp kỳ lạ của Hệ thống giáo dục Bill Gates Schools (địa chỉ tại KĐT Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) khi dường như được đặc cách gắn thêm chữ "quốc tế".

Theo đó, Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long được UBND quận Hoàng Mai ký Quyết định thành lập số 5468/QĐ-UBND ngày 24/12/2010, do Công ty Cổ phần Bảo Phát Việt Nam làm chủ đầu tư.

Theo quyết định, đây là cơ sở giáo dục tiểu học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có tư cách pháp nhân, có con dấu và được mở tài khoản riêng.

Trong cái nắng kỷ lục của Hà Nội năm 2020, nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long (Bill Gates Schools) đã tổ chức tập trung để phản đối học thêm ngoài giờ, lên án Bill Gates School không tôn trọng phụ huynh và học sinh.

Phụ huynh sẵn rằng chuyển trường cho con khi kết thúc năm học vì không chấp nhận ứng xử thiếu tôn trọng phụ huynh của trường Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long (Bill Gates Schools).

Còn đối với hai cấp học THCS và THPT, ngày 16/3/2012, UBND TP Hà Nội đã ký Quyết định cho phép thành lập trường THCS & THPT Quốc tế Thăng Long. Đây là loại hình trường tư thục, có địa chỉ đặt tại KĐT Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội.

Hệ thống trường Thăng Long được nghiễm nhiên đeo thêm hai chữ "quốc tế" đã khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng khi tìm trường cho con.

Ngoài ra, việc cấp phép hoạt động nhưng không thể nắm được thông tin tài chính nội bộ rất có thể dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Điển hình như Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Quốc tế Mỹ (gọi tắt là Trường Quốc tế Mỹ) và Trường Quốc tế TP Hồ Chí Minh (ISHCMC).

Trường Quốc tế Mỹ đã mất cân đối tài chính dẫn đến bị đình chỉ hoạt động giáo dục 12 tháng tính từ 1/7/2024. Đây là bài học nhãn tiền cho các trường quốc tế khác về tầm quan trọng của việc duy trì chất lượng và minh bạch trong quản lý tài chính.

Trong khi đó Trường quốc tế TP Hồ Chí Minh không kiểm soát được nội dung tổ chức hoạt động giáo dục của mình dẫn đến thông tin tiêu cực, phản cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Điển hình là việc phát sách nhạy cảm cho học sinh lớp 11 trong một hoạt động đọc sách tại kỳ nghỉ lễ vừa qua, gây phản cảm trong dư luận xã hội.

Trước đó vào năm 2020, các phụ phụ huynh cũng đã từng mắc cú lừa của trường mang thương hiệu SIS (Singapore Intenational School) thực ra chỉ là một trường dân lập có liên kết đào tạo với trường quốc tế Singapore ở một số môn học. Trên thực tế, học sinh vẫn học chương trình của Việt Nam.

Trường mầm non Sun Kids tại Nghệ An cũng tự gắn mác quốc tế. Ảnh: CTV

Trường mầm non Sun Kids tại Nghệ An cũng tự gắn mác quốc tế. Ảnh: CTV

Chọn sai trường, phụ huynh nhận quả đắng

Ôm vốn bỏ chạy, bị đình chỉ vì thiếu minh bạch trong thu chi tài chính… không ít trường có cái tên rất kêu đã phải dừng hoạt động khiến nhiều phụ huynh tá hỏa tìm nơi học mới cho con, đặc biệt là những đứa trẻ đã phải hứng chịu những cú sốc đầu đời.

Trao đổi với phóng viên, một chuyên gia giáo dục cho biết, việc nhiều trường tự gắn mác “quốc tế” không vi phạm luật (vì không cấm), song việc làm này khiến không ít phụ huynh ngộ nhận. Vì vậy, để biết chắc chắn đó có phải là trường quốc tế thật hay không, phụ huynh cần tìm hiểu thật kỹ lưỡng, có thể xác minh từ phòng giáo dục và đào tạo hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương.

Đối với các trường có yếu tố đầu tư nước ngoài phải tuân theo Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Nghị định này quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm: liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài tại Việt Nam.

Theo vị chuyên gia này cho biết, sản phẩm của các công ty mà người tiêu dùng mua nhầm có thể trả lại hoặc không mua nữa nhưng giáo dục mà mua nhầm thì hỏng cả con người, hỏng cả một lứa học sinh. Dịch vụ an sinh như giáo dục, y tế không ai hỏi giá hay trả giá. Do đó, vai trò của cơ quan quản lý phải nhiều hơn những lĩnh vực khác. Vì ở đây có tính áp đặt một chiều.

Về phía cơ quan chức năng, cũng đã từng có nhiều cảnh báo từ các nhà quản lý. Ông Lê Hồng Sơn khi còn làm Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, cũng đã từng chia sẻ với truyền thông: "Chúng tôi đã và đang tăng cường kiểm tra, giám sát các trường quốc tế trên địa bàn. Việc đình chỉ hoạt động của Trường Quốc tế Mỹ vừa qua là một ví dụ điển hình cho thấy sự quyết tâm của chúng tôi trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, hiệu quả cho học sinh".

Tại Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã triển khai nhiều biện pháp để rà soát và phân loại các trường tự xưng là quốc tế, cảnh báo phụ huynh cần thận trọng và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định cho con theo học. Việc chọn sai trường có thể gây ra nhiều hệ lụy không mong muốn cho sự phát triển của trẻ nhỏ.

Hay mới đây nhất, tháng 3/2024, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Hệ thống giáo dục Bill Gates Schools được gắn mác "quốc tế" một cách kỳ lạ. Ảnh: CTV

Hệ thống giáo dục Bill Gates Schools được gắn mác "quốc tế" một cách kỳ lạ. Ảnh: CTV

Dù ngành giáo dục đã có những phát biểu hoặc bằng văn bản nói rất quyết liệt, tuy nhiên, hiện nay những trường có gắn mác quốc tế nhưng thực chất chỉ là những trường tư thục thu học phí cao lại tiếp tục nở rộ và luôn tiềm ẩn những biến cố.

Để duy trì môi trường giáo dục lành mạnh, thực hiện quyền trẻ em, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có những biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm xử lý các trường vi phạm. Các phụ huynh cũng cần được cung cấp thông tin minh bạch, rõ ràng về các trường quốc tế đạt chuẩn để có những lựa chọn sáng suốt cho con em mình.

Việc hình thành một môi trường giáo dục quốc tế chất lượng, minh bạch và công bằng không chỉ giúp học sinh Việt Nam tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến mà còn góp phần nâng cao uy tín và chất lượng hệ thống giáo dục của cả nước.

Thực tế cho thấy, các "trường quốc tế" ở Việt Nam thực chất là loại hình trường tư thục, gắn danh xưng "trường quốc tế" dựa trên cơ cấu tổ chức, chương trình giảng dạy, do các trường tự quảng bá và tự chịu trách nhiệm.

Riêng các trường do Tổng Lãnh sự các nước mở ở Việt Nam là chịu sự điều chỉnh riêng, phù hợp với cơ chế và quy định về ngoại giao giữa Việt Nam và các nước.

Luật Giáo dục 2019 không có trường quốc tế

Các loại hình nhà trường đã được quy định rõ ràng thông qua Luật Giáo dục 2019. Cụ thể, luật này đã chỉ ra ba loại hình chính của nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân: Trường công lập, trường dân lập và trường tư thục.

Trường công lập: Trường công lập được coi là trụ cột của hệ thống giáo dục quốc dân, được Nhà nước đầu tư và quản lý. Với việc đảm bảo nguồn lực và điều kiện hoạt động, trường công lập thường được xem là lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình, đặc biệt là với các đối tượng có điều kiện kinh tế bình thường hoặc thấp.
Trường dân lập: Trong khi đó, trường dân lập là kết quả của sự đóng góp từ cộng đồng dân cư ở cơ sở, bao gồm tổ chức và cá nhân tại các cấp độ nhỏ như thôn, ấp, bản, làng... Những người dân cư này tự nguyện đầu tư vào việc xây dựng cơ sở vật chất cho trường học và đảm bảo các điều kiện để trường hoạt động. Điều này thường thể hiện tinh thần cộng đồng mạnh mẽ và lòng yêu nghề nghiệp giáo viên của các bậc phụ huynh và dân cư địa phương.
Trường tư thục: Loại hình này thường được đầu tư bởi các tổ chức hay cá nhân, cả trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, điểm đặc biệt của trường tư thục là việc cam kết hoạt động không vì lợi nhuận. Điều này có nghĩa là những trường này không được phép tạo ra lợi nhuận cho cá nhân hoặc tổ chức đầu tư. Thay vào đó, bất kỳ lợi nhuận nào được tạo ra từ hoạt động của trường sẽ được sử dụng để tái đầu tư và phát triển nhà trường, thúc đẩy chất lượng giáo dục.

Lại Cường

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/noi-lo-truong-tu-gan-mac-quoc-te-d4860.html