Nỗi lo tụt hậu của các hãng ô tô Đức
Các nhà sản xuất ô tô Đức đã trải qua năm 2024 nhiều khó khăn với lợi nhuận sụt giảm, cạnh tranh khốc liệt.

Dây chuyền lắp ráp ô tô Volkswagen (Đức). Ảnh: THX/TTXVN
Để chống chọi với môi trường nhiều bất lợi, nhiều doanh nghiệp buộc phải tiến hành các kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" và đóng cửa nhà máy, sa thải lao động. Nhận định trên báo NTV của Đức cho rằng, so với những đối thủ từ Mỹ và châu Á, rõ ràng các nhà sản xuất ô tô Đức đang bị tụt lại phía sau.
* Doanh thu và lợi nhuận đều giảm
Năm 2024, các công ty trong ngành sản xuất ô tô Đức có kết quả kinh doanh kém hơn nhiều so với những đối thủ cạnh tranh khác. Điều này được thể hiện qua phân tích của công ty kiểm toán và tư vấn Ernst & Young (EY) trên cơ sở so sánh số liệu của 16 nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới. Theo EY, doanh thu của 16 doanh nghiệp này đã tăng trung bình 1,6% trong năm ngoái, vượt mốc 2.000 tỷ euro (2.158,95 tỷ USD). Tuy nhiên, cả ba nhà sản xuất ô tô lớn của Đức là Volkswagen (VW), Mercedes-Benz và BMW đều ghi nhận mức doanh thu giảm tổng cộng 2,8%.
Tổng lợi nhuận của Volkswagen, Mercedes-Benz và BMW cũng đã giảm 27% trong năm 2024. Chỉ có 2 nhà sản xuất đạt lợi nhuận thấp hơn các doanh nghiệp ô tô Đức là Nissan và Stellantis, với mức giảm lần lượt là 73% và 84%. Các nhà sản xuất khác của Nhật Bản và đặc biệt là Mỹ hoạt động tốt hơn nhiều so với ba tập đoàn ô tô Đức.
* Gió đã đổi chiều
Theo nhà quan sát thị trường Constantin Gall của EY, tình hình hiện tại cũng không mấy khả quan đối với các nhà sản xuất ô tô Đức. Nguyên nhân là do doanh số bán hàng yếu và khoản đầu tư lớn vào xe điện không mang lại hiệu quả, vì nhu cầu không cao như kỳ vọng. Ngoài ra, các nhà sản xuất Đức còn có những vấn đề nội tại như lỗi phần mềm, chi phí tái cấu trúc tăng và phải thu hồi nhiều sản phẩm lỗi.
Chuyên gia Gall phân tích, cho đến năm 2023, các nhà sản xuất ô tô cao cấp vẫn thành công trong việc áp đặt mức giá cao. Nhưng hiện gió đã đổi chiều. Tình hình kinh tế và xung đột toàn cầu khiến nhu cầu mua ô tô mới giảm đáng kể. Khả năng cạnh tranh một lần nữa được thúc đẩy bởi giá cả nhiều hơn là chất lượng. Người dân Đức cũng ngày càng quan tâm đến các hãng xe châu Á với những chiếc xe sáng tạo, nhưng giá cả phải chăng hơn. Trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô đang phải đối mặt với khủng hoảng do nền kinh tế yếu kém và nhu cầu giảm, đặc biệt là đối với xe điện, thời gian qua một số nhà sản xuất và cung cấp phụ tùng của Đức đã phải công bố các chương trình cắt giảm chi phí và việc làm.
Tình hình thậm chí có thể trở nên trầm trọng hơn nữa do tranh chấp thương mại với Mỹ. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis), Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành công nghiệp ô tô Đức. Không có quốc gia nào nhập khẩu nhiều ô tô mới từ Đức như Mỹ.
Do đó, chuyên gia Gall của công ty EY cho biết ông không kỳ vọng vào sự thay đổi tích cực trong năm nay, cả về doanh số bán hàng lẫn doanh thu và lợi nhuận. Theo ông, tại châu Âu nền kinh tế đang trì trệ, tại Mỹ thuế quan mới có khả năng dẫn đến tổn thất đáng kể cho doanh số bán hàng. Trong khi, tại Trung Quốc lại đang có sự cạnh tranh khốc liệt, chủ yếu do giá cả thúc đẩy. Chuyên gia Gall cho rằng các nhà sản xuất Đức cần phải tìm giải pháp giải quyết khó khăn, trong đó không có cách nào khác ngoài việc tái cơ cấu chiến lược và tập trung vào giá trị cốt lõi của thương hiệu.

Biểu tượng của hãng Mercedes-Benz. Ảnh: AFP/TTXVN
* Hàng chục nghìn việc làm bị mất
Theo bài viết trên báo Die Welt, ngành công nghiệp ô tô của Đức đang mất hàng chục nghìn việc làm. Tình hình hiện tại đã trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp phụ tùng ô tô. Làn sóng cắt giảm việc làm lớn tiếp theo đã được công bố.
Dữ liệu từ Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA) cho thấy trong vòng 1 năm qua (từ tháng 1/2024 đến tháng 1/2025), số lượng lao động trong ngành ô tô Đức đã giảm từ 780.000 người xuống còn 744.000 người, tương đương mức giảm 4,6%. Trong đó, tình hình cắt giảm việc làm ở các nhà cung cấp phụ tùng ô tô đặc biệt nghiêm trọng. Ở đó, số lượng lao động đã giảm 10%. Ngược lại, các nhà sản xuất ô tô chỉ ghi nhận mức giảm nhẹ 2% việc làm.
Xu hướng giảm số lượng lao động trong ngành đã xuất hiện từ lâu. Tuy nhiên, nhìn chung số lượng lao động hiện tại đã chạm mức thấp mới, tương đương với mức của năm 2012. Và xu hướng này vẫn tiếp tục. Những "gã khổng lồ" trong ngành công nghiệp xương sống của Đức như VW, Bosch, ZF đã công bố các kế hoạch cắt giảm việc làm hàng loạt trong những năm tới. Riêng VW có kế hoạch cắt giảm một phần tư tổng số việc làm tại Đức và giảm một nửa công suất hoạt động của các nhà máy. Điều này sẽ tác động đến các nhà cung cấp có mối liên hệ chặt chẽ với VW trong một chuỗi giá trị kéo dài. Cuối cùng, nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đối mặt với nguy cơ phá sản.
Một trong những lý do chính dẫn đến việc cắt giảm việc làm là quá trình chuyển đổi sang xe điện, cũng như quá trình số hóa phương tiện và quy trình tại các nhà sản xuất. Cả hai xu hướng này đều khiến nhiều vị trí công việc trở nên thừa thãi. Chủ tịch VDA Hildegard Müller cho biết trên thực tế, số lượng việc làm trong ngành ô tô bị mất đi do quá trình chuyển đổi không phải là điều mới mẻ và luôn rõ ràng.
Các doanh nghiệp đã cố gắng làm cho sự thay đổi này được xã hội chấp nhận. Tuy nhiên, những con số hiện tại rất đáng báo động vì chúng vượt xa những gì có thể giải thích được bằng những thay đổi chung trong ngành công nghiệp này. Trên thực tế, ngành sản xuất ô tô Đức cũng đang phải chịu ảnh hưởng từ suy giảm kinh tế ở châu Âu. Mặc dù doanh số bán ô tô mới ở châu Âu tăng nhẹ vào năm ngoái (lên mức 16,1 triệu chiếc), nhưng sản lượng sản xuất tại châu lục này lại giảm.
Các nhà sản xuất Trung Quốc nói riêng đang ngày càng chiếm lĩnh nhiều thị phần hơn tại châu Âu. Theo phân tích của các chuyên gia tư vấn EY, doanh số bán hàng của toàn ngành công nghiệp ô tô Đức trong năm 2024 đã giảm 5% so với năm 2023, xuống mức 536,1 tỷ euro.
Theo Chủ tịch VDA Hildegard Müller, số liệu cắt giảm việc làm cho thấy nhu cầu cấp thiết về hành động chính trị liên quan đến khuôn khổ chính sách kinh tế ở Đức và châu Âu. Ông kêu gọi chính phủ liên bang mới của Đức cần thay đổi xu hướng chính sách kinh tế của mình để phù hợp với tình hình hiện tại. Ngoài các chương trình đầu tư lớn còn cần phải có những cải cách cơ bản về địa điểm đầu tư.
Các công ty công nghiệp vừa và nhỏ nói riêng đang phải chịu rất nhiều áp lực trong điều kiện hiện tại. Ông Müller chỉ trích rằng trong khi phần còn lại của thế giới đang tăng cường khả năng cạnh tranh bằng những chương trình và cải cách cụ thể, qua đó thu hút các công ty và các khoản đầu tư, thì Đức và châu Âu ngày càng bị bỏ lại phía sau trong bảng xếp hạng vị trí đầu tư.
Trong ngắn hạn, tình hình thị trường lao động khó có thể cải thiện nhanh. Chỉ số việc làm của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo cho thấy điều này. Trong tháng 3/2025, chỉ số này tiếp tục giảm xuống mức 92,7 điểm, từ mức 93,0 điểm của tháng 2/2025. Theo Viện Ifo, nhiều ngành công nghiệp Đức đang liên tục cắt giảm việc làm, quá trình này đã diễn ra trong gần hai năm qua. Các ngành kinh tế khác không thể bù đắp được sự suy giảm này. Do đó, dự kiến tỷ lệ thất nghiệp tại Đức sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong năm nay.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/noi-lo-tut-hau-cua-cac-hang-o-to-duc/368491.html