Nỗi lòng của những đứa con trưởng thành 'chạy trốn' khỏi cha mẹ
Trải qua thời thơ ấu đầy chấn thương với cha mẹ độc hại, những đứa con chọn cắt đứt liên lạc khi lớn lên, từ chối thực hiện nghĩa vụ hiếu thảo mà xã hội áp đặt.
Mùng 3 Tết Nguyên đán năm 2017, thời điểm mọi người đoàn tụ gia đình, Joey Liaw (34 tuổi) lặng lẽ một mình đi đến nhà hàng.
Nữ giáo viên chuyên dạy trẻ khuyết tật đã mong chờ được ăn bữa tối với cha của mình vào 17h, sau khi ông tan làm. Cô ngồi đó 3 tiếng đồng hồ nhưng ông không xuất hiện.
"Ông ấy không nhấc máy. Tôi chờ đến mức đau dạ dày. Và khi tôi về nhà thấy cha đã ngồi ở nhà, ông nói rằng quên mất là hai cha con có hẹn ăn tối", Liaw thất vọng nhớ lại. Mẹ cô đã mất nhiều năm trước.
"Ông ấy thậm chí không nói 'xin lỗi', mà cũng đã tự ăn xong rồi. Vậy nên ông ấy bảo tôi tự ăn đi", cô kể với CNA, nhấn mạnh rằng đây là một trong vô số lần cha thờ ơ với cô từ khi còn nhỏ.
Đó cũng là "giọt nước tràn ly" khiến cô quyết định cắt đứt liên lạc với cha mình. Ba năm trước, cô đóng gói đồ đạc, rời khỏi nhà mà không một lời báo trước và sống trong căn hộ cho thuê kể từ đó.
Những đứa con chạy trốn khỏi cha mẹ
Liaw là một trong rất nhiều người con trưởng thành chọn chạy trốn khỏi những bậc cha mẹ mà họ coi là độc hại, với lý do đã bị ngược đãi, thao túng cảm xúc và thiếu tình cảm suốt nhiều năm.
Hiện tượng này cũng trở thành chủ đề được thảo luận rộng rãi trên mạng xã hội. Những người trẻ ngày càng thẳng thắn hơn về áp lực trong gia đình, đặt ra ranh giới và cố gắng bình thường hóa việc tránh xa mối quan hệ độc hại với cha mẹ.
Trên TikTok, người trẻ khắp thế giới chia sẻ về câu chuyện riêng của mình, thu hút hàng nghìn lượt xem với các hashtag #nocontactwithparent (không liên lạc với cha mẹ) và #raisedbynarcissists (được nuôi lớn bởi cha mẹ ái kỷ).
Phong trào này cũng đã tạo ra một chủ đề nóng trên Reddit, có tên "Estranged Adult Kids" (Những đứa con lớn lên thành người lạ), với khoảng 45.000 thành viên chia sẻ lời khuyên và kinh nghiệm.
Ở Singapore, vấn đề nhức nhối này được thừa nhận. Đạo luật Phụng dưỡng Cha mẹ đã được sửa đổi vào tháng 7/2023 để bảo vệ những đứa con bị ngược đãi khỏi việc phải chu cấp cho cha mẹ.
Trong một cuộc tranh luận về sửa đổi luật, nghị sĩ Quốc hội Seah Kian Peng cho biết cứ 3 trường hợp tại Tòa án cấp dưỡng cha mẹ thì có một trường hợp liên quan đến trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi, ngược đãi hoặc bỏ bê khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, việc rời đi chưa bao giờ dễ dàng. Không phải là một hành động nổi loạn, những người con trưởng thành như Liaw cắt đứt với cha mẹ để có được sự bình yên trong tâm hồn.
Cô đã bật khóc khi nhớ lại những vết thương cũ trong cuộc phỏng vấn với CNA TODAY, trong đó có câu chuyện đau lòng vào đúng sinh nhật tuổi 19 của mình.
Cha chưa bao giờ tổ chức sinh nhật cho cô. Sau khi mẹ mất lúc cô mới 15 tuổi, ông đã bỏ đi theo người phụ nữ khác.
Ngày sinh nhật tuổi 19 của con gái, trong lúc đang chở Liaw đến nơi làm việc, cha cô gọi điện cho tình nhân của ông. "Ngồi trong xe, tôi nghe được người phụ nữ đó hỏi cha tôi có nhớ sinh nhật cô ta không, và ông ấy nói 'Tất nhiên là nhớ rồi' và đọc đúng ngày tháng. Khoảnh khắc đó, trái tim tôi như bị xé thành trăm mảnh".
Khi còn nhỏ, cha cũng không bao giờ ôm hay nói "cha yêu con", cũng chẳng hỏi han chuyện của cô ở trường. "Tôi cảm thấy mình chỉ là sản phẩm của kỳ vọng xã hội từ cha mẹ, là họ phải kết hôn và sinh con. Họ chưa sẵn sàng để làm cha mẹ", Liaw nói.
Vết thương tâm lý
Đối với nhiều người con khác, chấn thương cuối cùng khiến họ chạy trốn khỏi cha mẹ là sự hành hạ về thể xác. Một viên chức dự án trong dịch vụ công, chỉ tiết lộ tên là Carla, cho biết cha đã nhiều lần đánh cô "đến mức chảy máu".
"Có lần, ông ta chửi mắng chỉ vì tôi quên tắt đèn ở hành lang và ánh sáng đó làm ông mất ngủ. Ông ta hét lớn đến mức ở tầng trên còn nghe thấy, và dọa đánh tôi", người phụ nữ 27 tuổi kể lại.
Trước đây, khi còn làm việc trong lĩnh vực điện ảnh, Carla rất sợ nhận dự án mới vì nếu về nhà muộn, con chó sẽ sủa và làm cha thức giấc, khiến ông bực tức và đòi đánh cô. Vì chuyện đó, sự nghiệp của cô không thể phát triển.
Sau khi cha mẹ ly hôn, Carla sống với cha cho đến năm 2021. Sau đó, cô quyết định "không thể sống như thế này thêm nữa" và chuyển ra ngoài cùng người yêu của mình.
Bạo lực gia đình từ cha cũng là nguyên nhân khiến cô Oh (32 tuổi, chuyên gia nhân sự) quyết định dọn ra ngoài vào năm 2015.
Hồi tiểu học, có lần cô về nhà và thấy mảnh thủy tinh vỡ vương vãi khắp sàn, đồ đạc lật úp. Cô không vào nhà được, phải đợi người giúp việc đến dọn dẹp.
"Tôi không chứng kiến cuộc ẩu đả nhưng thấy mẹ khóc và đã bị đánh đập dã man. Đó là khoảng thời gian khó khăn", Oh nhớ lại.
Năm 16 tuổi, cô phải nhập viện vì vấn đề sức khỏe. "Họ (cha mẹ) cãi nhau về việc ai sẽ trả tiền viện phí trước mặt tôi. Đó là lúc tôi cảm thấy mình hoàn toàn đơn độc", Oh nói.
Cô nói thêm rằng lúc đó đã nghĩ quẩn đến chuyện kết thúc cuộc đời. "Tôi đã nghĩ nếu họ có thể đối xử với tôi như vậy thì có phải gia đình không? Tôi có thể tin tưởng họ nổi sao?".
Còn Jason Neo (34 tuổi, quản lý chuỗi cung ứng) quyết định cắt đứt với cha mẹ vì họ ngoại tình. Họ chẳng mấy khi ở nhà và luôn tranh cãi kịch liệt. Kết quả là họ ly hôn khi Neo mới 8 tuổi.
Anh ở với cha một thời gian rồi chuyển đến sống cùng mẹ, người sau đó đã tái hôn. Nhưng cha dượng đối xử với Neo không tốt. Đến khi mẹ và cha dượng có con gái chung, anh càng cảm thấy mình bị ruồng bỏ.
Năm hai đại học, anh chuyển ra ngoài sống với bạn gái - người bây giờ là vợ anh. "Mẹ tôi đã liên tục chia rẽ tôi và bạn gái vào thời điểm đó, nói xấu cô ấy và làm mối người phụ nữ khác cho tôi ngay trước mặt bạn gái tôi", Neo nhớ lại.
Cùng năm đó, mẹ anh ly hôn cha dượng. Điều này khiến Neo tức giận vì biết rằng em gái cùng mẹ khác cha sẽ phải trải qua nỗi đau như anh đã từng.
Đỉnh điểm của mâu thuẫn là khi mẹ đòi lấy 30% lương lúc anh bắt đầu đi làm. Anh từ chối, chỉ đưa cho bà 100 SGD (73 USD) vì anh đang tiết kiệm tiền cho đám cưới và mua nhà.
"Sau đó, bà ấy đi khắp khu phố để rêu rao rằng tôi không cho đồng nào. Mọi người bắt đầu chỉ trích tôi là không hiếu thảo. Người mẹ nào lại làm như vậy với con mình cơ chứ?", Neo bức xúc.
Một năm sau, Neo và mẹ tranh cãi gay gắt lớn đến mức anh đập bàn và nói: "Nếu mẹ không nằm ốm liệt giường, đừng bao giờ gọi cho con nữa. Con không muốn nghe tin tức gì từ mẹ nữa".
Đến nay đã 7 năm kể từ khi anh nói câu cuối cùng đó với mẹ. Về phần cha, Neo cũng cắt đứt liên lạc vì ông nghiện cờ bạc và vay nợ khắp nơi, còn muốn vay hàng nghìn USD từ anh.
Theo chuyên gia, trải nghiệm tiêu cực trong mối quan hệ với cha mẹ có thể ảnh hưởng đến con cái cho đến lúc họ trưởng thành, dù đã chấm dứt liên lạc. Điều này thậm chí ảnh hướng đến quan điểm của họ về các mối quan hệ thân mật và gia đình.
Liaw nói rằng: "Mối quan hệ với cha chắc chắn khiến tôi mất niềm tin vào đàn ông, nghi ngờ vào trách nhiệm của họ khi xây dựng gia đình".
Sau chấn thương thời thơ ấu, Carla không muốn sinh con vì sợ sẽ truyền những tổn thương cho thế hệ tiếp theo.
"Tôi lo rằng mình có thể có một 'bà mẹ hổ' bên trong mình, sẽ bù đắp quá mức cho những thứ tôi không có. Tôi không muốn làm ai đó bị sang chấn giống như tôi đã từng", Carla nói.
Đối với những tranh cãi về lòng hiếu thảo mà con cái cần có, Oh cho rằng điều đó cần được thúc đẩy hai chiều. Theo cô, cần phải có sự tôn trọng và thấu hiểu lẫn nhau, cha mẹ không nên sinh con chỉ vì kỳ vọng điều gì đó ở con mình, mà phải thực sự yêu thương đứa trẻ.
"Trẻ em nên được tạo ra từ tình yêu thương, chứ không phải từ những nghĩa vụ gây ra quá nhiều tổn thương và đau đớn. Với tôi, lòng hiếu thảo là một cấu trúc xã hội ăn sâu vào mỗi chúng ta để duy trì sự phát triển của xã hội, nhưng lại không tính đến hoàn cảnh gia đình riêng lẻ", Oh bày tỏ.