Nơi lưu giữ hồn thiêng dân tộc
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (Kiên Giang) là di tích lịch sử đặc biệt, nơi ghi dấu tội ác của thực dân, đế quốc và tinh thần kiên trung của chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Ngày nay, trại giam là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống, hun đúc lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
TRỞ LẠI NƠI MÁU XƯƠNG ĐỌNG LẠI
“Đây là chuồng cọp, nơi kẻ thù nhốt hàng trăm tù binh trong những chiếc lồng bằng kẽm gai dưới cái nắng rát da của đảo Phú Quốc. Đã từng có người tử vong ở đây chỉ vì mất nước, vì kiệt sức, vì bị tra tấn dã man…”, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh TP. Phú Quốc Trần Thị Ngọc Giàu giới thiệu, giọng trầm xuống khi dẫn đoàn khách bước qua những chuồng cọp, nơi từng đẫm máu xương của bao người con đất Việt.
Từ năm 2001 đến nay, chị Giàu đón tiếp, thuyết minh cho hàng ngàn đoàn khách đến tham quan, học tập. Cùng với 5 đồng nghiệp, trong đó có 1 thuyết minh viên tiếng Anh, chị và các đồng nghiệp là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và thế hệ hôm nay.

Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc nhìn từ trên cao.
Chị Giàu vẫn nhớ như in ánh mắt của những cựu tù binh từng trở lại nơi này - ánh mắt trĩu nặng ký ức, lặng người trước chuồng cọp… Có người rơi nước mắt, có người lặng lẽ cúi đầu chạm tay vào vách tole nơi họ từng bị giam cầm. Chính những lần gặp gỡ ấy khiến chị Giàu day dứt và nặng lòng với từng câu chuyện kể cho khách tham quan, để lịch sử không bị lãng quên, để thế hệ mai sau biết trân quý hòa bình.
Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc là nơi từng giam giữ gần 40.000 lượt tù binh cách mạng, nơi máu của gần 4.000 liệt sĩ đã thấm vào lòng đất. Kể từ Căng Cây Dừa (1953-1954), Trại Huấn chính Cây Dừa (1955-1957) đến Trại giam tù binh (1967-1973), nơi đây trở thành cỗ máy tra tấn khổng lồ giữa biển khơi do thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai dựng nên, bởi Phú Quốc cách biệt đất liền, xa khu dân cư, kẻ thù có thể mặc sức tra tấn, áp bức tù binh mà không lo dư luận lên án.
Theo Ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày, có hơn 45 kiểu tra tấn dã man được áp dụng tại đây, từ thời trung cổ đến hiện đại. Chúng kẹp ván vào ngực, siết bulông khiến tù binh vỡ ngực, dùng chày vồ, roi cá đuối, đục xương bánh chè, nướng sắt đỏ xuyên người, tra tấn bằng điện, thụt dầu, đổ nước xà bông, nước ớt vào mũi, miệng…
Có những đợt xả súng kinh hoàng như ngày 5-2-1970 làm chết 13 tù binh, bị thương 30 người; ngày 30-5-1970 làm 7 người chết, 54 người bị thương. Từ năm 1966 đến 1972 có 32 vụ vượt ngục, 204 người tìm đường thoát ra vùng giải phóng ở bắc đảo để tiếp tục chiến đấu.

Du khách tham quan Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc.
Ông Phù Xí Khiếu, ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương (TP. Phú Quốc) là một trong những người còn sống sót từ địa ngục trần gian. Ông bị bắt năm 1971 khi đang chiến đấu ở Phú Quốc. “Chúng đánh tôi mỗi ngày bằng báng súng, chày vồ, bắt ngồi trên dây chì căng, ôm ống khói lò đang cháy, thậm chí nướng người trên than đỏ. Nhiều đồng chí của tôi đã chết trong tay giặc. Tôi thì quyết không khuất phục, vẫn bí mật làm liên lạc cho cán bộ ta trong trại”, ông Khiếu nhớ lại.
Ngày 24-3-1973, sau Hiệp định Paris, những người tù binh cuối cùng tại trại C8 được trao trả, trở về với đồng đội, nhân dân. Năm 2012, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày tại Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc - một sự ghi nhận xứng đáng cho lòng dũng cảm và khí phách kiên cường.
ĐỊA CHỈ ĐỎ CHO THẾ HỆ TRẺ
Ngày nay, Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc không chỉ là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt mà còn là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Riêng quý I-2025, nơi đây đón hơn 17.500 lượt khách tham quan, trong đó có 856 đoàn, gần 9.400 lượt du khách quốc tế từ nhiều quốc gia như Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ, Thụy Điển, Ukraine… Trong 2 năm 2023 và 2024, nơi đây đón lần lượt 149.596 và 117.481 lượt du khách, trong đó có nhiều đoàn học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ mới và du khách quốc tế từ nhiều quốc gia.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị TP. Phú Quốc Đặng Thị Hồng Gấm, Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc là nơi giáo dục lý tưởng cách mạng hiệu quả, là điểm nhấn trong các chương trình bồi dưỡng đoàn viên, đảng viên mới, học sinh, hội viên. Trung tâm Chính trị, Thành đoàn và các cơ quan, đơn vị tổ chức các lớp học, chuyến đi thực tế, gắn lý thuyết với trải nghiệm thực tế, qua đó hun đúc tinh thần yêu nước, lý tưởng sống đẹp cho thế hệ trẻ.
Phó Bí thư Thành đoàn TP. Phú Quốc Lê Việt Anh cho biết: “Chúng tôi chọn những địa điểm như Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc để tổ chức lễ kết nạp đoàn viên mới bởi nơi ấy là minh chứng rõ ràng về giá trị của tự do, lòng quả cảm. Bên cạnh đó, các liên đội trên địa bàn thành phố tổ chức hành trình về nguồn và lễ chào cờ theo nghi thức đội tại nơi đây để giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần hy sinh bất khuất của anh hùng, liệt sĩ đến đội viên, thiếu nhi”.
Tham quan nhà tù đầu tháng 3-2025, ông Vũ Công Sơn, ngụ quận Hà Đông (TP. Hà Nội) nói: “Những gì tôi tận mắt chứng kiến hôm nay khiến tôi nghẹn lòng. Lịch sử đau thương nhưng cũng rất đỗi hào hùng này cần được truyền lại cho con cháu, để các thế hệ không bao giờ quên rằng hòa bình có được là từ máu, nước mắt và ý chí kiên cường của cha ông”.