Vùng đất huyền thoại

Tháng 4 ở Cần Giờ, vị biển hòa vào màu đước xanh. Cả một vùng rừng bạt ngàn cây cối vươn lên thẳng tắp như chưa từng oằn mình dưới mưa bom bão đạn

Còn trong ký ức thương binh Nguyễn Xuân Mạc, ngày 30-4-1975 là niềm vui vỡ òa khi người dân Cần Giờ chèo xuồng, nổ "máy đuôi tôm" đi đón bộ đội trong căn cứ, vừa đi vừa vẫy cờ, miệng hô vang: "Giải phóng rồi!".

"Tử địa" bậc nhất miền Nam

Ông Nguyễn Xuân Mạc là người con của vùng biển Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, năm 1970 bước vào quân ngũ khi đất nước còn chia cắt, chiến trường miền Nam rực lửa. Ông được tuyển chọn vào Đoàn 126 (đơn vị tiền thân của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126), là những viên gạch lót nền đầu tiên của lực lượng đặc công nước huyền thoại của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Năm 1971, ông vượt Trường Sơn, hành quân về phương Nam. Sau Hiệp định Paris năm 1973, ông cùng đồng đội nhận nhiệm vụ thọc sâu xuống vùng sông nước Nhà Bè, phối hợp với Đoàn 10 Rừng Sác đánh vào các mắt xích hậu cần chiến lược của địch. Đại đội 4 của ông chia nhỏ thành từng tổ 3 người, sống bám rễ đước, bùn lầy. Họ là tai mắt của chiến trường, âm thầm theo dõi tàu bè, ghi nhớ đường đi nước bước của kẻ thù để làm cơ sở cho các mũi đặc công ra tay chính xác.

Cựu binh Nguyễn Xuân Mạc

Cựu binh Nguyễn Xuân Mạc

Rừng Sác án ngữ ở cửa ngõ TP HCM từ hướng biển Đông, với hơn 40.000 ha đầm lầy ngập mặn hoang vu trở thành chiếc bẫy tử thần cho cả ta và địch. Nước ngập tới ngực, đỉa bám đầy người, cá sấu rình dưới ghe. Thế mà, những người lính đặc công như ông Mạc vẫn bám trụ. "Tối nằm dưới gốc đước, rễ quấn vào người như ôm lấy mình ngủ. Nghe bom nổ xa xa, nghe nước rì rào… không ai nói ra nhưng ai cũng thương nhau bằng cả tấm lòng" - ông Mạc hồi tưởng, mắt ngân ngấn.

Cứ như thế, giữa thăm thẳm rừng ngập mặn, một thế hệ lính trẻ đã lớn lên với khát vọng thống nhất non sông. Không hạm đội, không máy bay, chỉ với dao găm, mìn nổ chậm và lòng quả cảm, từ năm 1966 đến 1975, hàng trăm trận đánh đã được xuất phát từ Rừng Sác nhắm vào kho xăng Nhà Bè, cảng Bến Nghé, cầu Phú Mỹ… làm tê liệt cả một hệ thống hậu cần của địch. Quân Mỹ kinh hoàng gọi đây là "khu rừng chết chóc".

Còn ông Mạc, dẫu bao lần cận kề cái chết nhưng cuối cùng ông vẫn may mắn được trở về. Song, một phần da thịt thì vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Ông kể địch thường "đánh điểm", chỉ cần phát hiện động tĩnh là bom pháo "cá rô", "cá rệp" dội xuống tới tấp, cây mắm to hơn vòng tay người cũng nát vụn. "Lỡ trúng một trái thôi thì cũng không còn… miếng nào" - ông cười giòn, nhẹ tênh.

Bạt ngàn những chiến công

Trong ký ức lính trận của ông Mạc luôn hiện về hình bóng anh Sỹ - một đồng đội quê Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, người mà ông gọi đầy kính trọng: "Anh hùng thứ thiệt!". Ông kể rằng người anh hùng này đã từng góp mặt trong trận đánh kho xăng Nhà Bè - trung tâm tiếp vận nhiên liệu huyết mạch của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ. Hôm ấy, khi đánh đến khối "bột nổ" cuối cùng, lửa bốc cao ngút trời, địch tháo chạy tán loạn. Anh Sỹ "cắt" rừng rút lui nhưng mất phương hướng.

Người lính đi lạc giữa rừng, nước lợ sặc mùi bùn sình, cây cối chết trụi vì nhiễm độc hóa học. Muỗi cũng đói, bám đầy người hút máu. May mắn gặp một người chăn vịt, anh liền xin cơm nhưng người này lại đi báo cho lính Mỹ đến. Anh Sỹ chỉ kịp nhảy xuống sông, nằm yên dưới nước. Nhóm lính hung hãn lùng sục khắp nơi mà chẳng tìm được. Ba ngày sau, anh bò được về căn cứ như một kỳ tích. Thế nhưng, không lâu sau đó, anh bị địch bắn từ trên cao. "Chỉ một viên đạn mà hy sinh!" - ông Mạc rơm rớm nước mắt.

Để làm nên "huyền thoại Rừng Sác", đặc biệt là giai đoạn 1966 - 1975, hơn 860 chiến sĩ đặc công Rừng Sác hy sinh. Chiến tranh không chọn lọc nhưng lịch sử thì không quên. Nhắc về những cái chết bất tử ấy, cố đại tá - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân Lê Bá Ước, Chỉ huy trưởng Đoàn 10, từng viết nên những câu thơ như xé lòng: "Xương trắng nở hoa tận đáy sông/Mênh mông Rừng Sác nhuốm màu hồng/Năm trăm hài cốt chưa tìm được/Rừng đước bạt ngàn những chiến công".

Tái sinh

Và cũng chính từ trong khốc liệt đó, hạt giống của lòng tự trọng, tinh thần đồng đội, sự nhường nhịn và đoàn kết… đã được gieo mầm, để 50 năm sau, Cần Giờ hôm nay không chỉ là một vùng sinh quyển xanh mát được UNESCO công nhận mà còn là một biểu tượng cho sự hồi sinh, vươn lên từ máu xương của những người con đất Việt. Trong hơn 32.483 ha rừng phòng hộ ở Cần Giờ, khoảng 13.490 ha là rừng tự nhiên được tái sinh sau chiến tranh. Cần Giờ trở thành lá phổi của TP HCM, vùng sinh thái ven biển được kỳ vọng trở thành khu Ramsar đầu tiên trong một đô thị tại Việt Nam.

Không dễ gì để tái sinh một hệ sinh thái ngập mặn

Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ nhìn từ trên cao

Hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ nhìn từ trên cao

đa dạng đến vậy, càng không dễ để gìn giữ nó trong dòng chảy phát triển đô thị hóa nhanh chóng. Thế nhưng, Cần Giờ đã làm được nhờ bàn tay trồng rừng của hàng vạn người dân, thanh niên xung phong sau chiến tranh, bằng sự gắn bó máu thịt của biết bao gia đình nhận khoán giữ rừng, cùng với những quyết sách đúng đắn đặt con người và thiên nhiên trong mối quan hệ cộng sinh bền vững.

Ở vùng đất này, chúng tôi gặp những con người mà máu thịt họ đã hòa vào với gốc đước, thân mắm. Anh Nguyễn Hoàng Phiên - con trai của một trong những hộ dân đầu tiên giữ rừng, giờ cũng trở thành người "ăn cơm rừng, ngủ với rừng". Anh nói giọng nhẹ tênh: "Ngày nhỏ, tụi tui tập nói bên rừng, lớn lên thì giữ rừng. Đời tui chắc không đi đâu khác được…". Giữ rừng ở đây không phải công việc. Đó là một đời sống. Là tuần tra không kể giờ giấc, là nhận ra dấu chân lạ trên nền bùn còn ướt, là nghe tiếng rơi của trái đước mà biết gió đã chuyển mùa. Người giữ rừng không học nghề, mà sống nghề. Mỗi tháng tuần tra 20 - 30 lượt, có lúc phải căng mắt giữa đêm lội nước ròng, có lúc phải trấn an gia đình vì đối mặt với thú hoang, sạt lở hay những đối tượng xấu lẩn trong rừng...

Còn ông Trần Minh Tùng, con trai của một nữ thanh niên xung phong, kể lại kỷ niệm đi trồng rừng cùng mẹ. Cây non gãy giữa tay, bùn lún đến đầu gối, vậy mà mẹ ông vẫn cười, nói rằng: "Cứ trồng đi con, sau này con sẽ thấy nó như một phép mầu". Hơn 40 năm sau, ông Tùng đã thấy phép mầu ấy! Rừng đã hồi sinh và đời ông gắn luôn với rừng. Và điều kỳ diệu hơn cả là người giữ rừng hôm nay không phải những chiến sĩ mang súng mà là những người con, cháu của các chiến sĩ tham gia kháng chiến, mang theo trái tim đầy lửa và đôi chân chưa từng rời khỏi đất bùn của tổ tiên. Không ai ở đây dùng chữ "hy sinh", họ chỉ nói "mình chọn ở lại". Ở lại với rừng là chọn sống trong điều kiện không dễ dàng nhưng đổi lại là sự thanh thản như tiếng sóng vỗ bờ, như bóng con chim trời chao lượn giữa tán cây ngập mặn.

Một trong những dấu ấn đầy ý nghĩa khác trong hành trình trỗi dậy của Cần Giờ chính là việc huyện đã chính thức không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của TP HCM giai đoạn 2021 - 2025. Con số 6.527 hộ dân (tương đương 30,23% tổng số hộ toàn huyện) đã được phúc tra là minh chứng sống động cho sự chuyển mình bền vững của một vùng đất từng là căn cứ kháng chiến gian khổ nhất miền Đông Nam Bộ. Từ nơi từng là vùng đất "không có ánh đèn", Cần Giờ đang bừng lên ánh sáng của sự đổi thay, không chỉ là ánh sáng của đèn điện thắp sáng các xã đảo mà là ánh sáng của niềm tin, của tinh thần tự lực, tự cường đã in sâu trong huyết quản từng người dân nơi đây.

Phát triển xanh

Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cần Giờ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Được nhấn mạnh: Cần Giờ không thể phát triển như các địa phương khác, không thể công nghiệp hóa, không thể để dân cư phát triển tự phát. Làm vậy là phá vỡ hệ sinh thái - điều quý giá và độc nhất vô nhị mà thành phố đang gìn giữ!

Sự phát triển ở nơi đây không thể theo lối "mở đường, xây nhà, dựng nhà máy" như những đô thị vệ tinh khác mà phải là con đường xanh, nơi người và rừng cùng sống, nơi cây đước, cây mắm vẫn giữ vai trò "chiến sĩ tiền tiêu" trong việc bảo vệ đất, chống sạt lở, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời tạo nền tảng cho du lịch sinh thái và kinh tế biển phát triển. Thoát nghèo nhưng không đánh đổi hệ sinh thái. Phát triển nhưng không đánh mất hồn cốt vùng đất.

Bài và ảnh: Ý LINH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/vung-dat-huyen-thoai-196250428210342781.htm