Nơi 'mở lối về' cho những mảnh đời lầm lỗi

Trại tạm giam Công an tỉnh hiện có 162 cán bộ chiến sĩ, làm nhiệm vụ quản lý, giáo dục, cải tạo khoảng 950 can, phạm nhân.

Quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất

Quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất

Trong những năm qua, tập thể lãnh đạo và cán bộ chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với quyết tâm cao độ không để dịch Covid-19 lây nhiễm trong cán bộ, chiến sĩ và can, phạm nhân, Trại tạm giam Công an tỉnh đã có những cách làm hay được nhiều Trại tạm giam trên cả nước học tập áp dụng. Tiêu biểu như đơn vị đã triển khai lắp đặt hệ thống điện thoại nội bộ trong nhà thăm gặp can, phạm nhân và tổ chức cho cán bộ các cơ quan tiến hành tố tụng đến làm việc với can, phạm nhân thông qua hệ thống điện thoại này. Nhờ đó đã hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm Covid-19.

Cán bộ nam làm công tác quản giáo đã khó, cán bộ nữ làm công tác quản giáo còn vất vả hơn. Đặc thù công việc luôn mang đến những thử thách, đòi hỏi bản lĩnh, nhiệt huyết với nghề và sự nhẫn nại của người cán bộ quản giáo. Thượng úy Phạm Thị Trang, một trong những nữ quản giáo trẻ nhất tại Trại tạm giam Công an Hải Dương chia sẻ: “Có nhiều phạm nhân lớn tuổi, ngang ngạnh, cộm cán lúc đầu còn tỏ thái độ khi được quản giáo trẻ quản lý, giáo dục. Nhiều phạm nhân từng là “dân anh chị” ngoài xã hội khi mới vào trại thường xuyên đưa ra những đòi hỏi, yêu sách, khi không được đáp ứng thì tìm mọi cách chống đối, quậy phá, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ… Vì vậy, ngoài giáo dục, chúng tôi còn tìm hiểu, động viên can, phạm nhân giúp họ từng bước trút bỏ những tư tưởng mặc cảm, tiêu cực, chống đối, yên tâm tập trung cải tạo, rèn luyện trở thành công dân lương thiện”.

Có thể thấy, đặc thù, tính chất công việc đòi hỏi mỗi cán bộ quản giáo phải luôn sâu sát, tìm hiểu, nắm chắc lý lịch, hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phạm tội của từng phạm nhân để có biện pháp giáo dục, cải tạo hợp lý, đồng thời động viên, cảm hóa, giúp phạm nhân cải tạo tốt.

Quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất

Quản giáo Trại tạm giam Công an tỉnh hướng dẫn phạm nhân lao động sản xuất

Anh N.D.C. (sinh năm 1988, ở Tứ Thông, phường Tứ Minh, TP Hải Dương) từng bị kết án 4 năm 3 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và chấp hành án tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Những ngày đầu mới vào trại (tháng 3.2018), anh C. hoang mang, tự ti, sợ gia đình, vợ con ở nhà không tin tưởng, chờ đợi. Được các quản giáo phổ biến nội quy trại và quan tâm, khích lệ, anh N.D.C đã vượt lên mặc cảm tội lỗi, tích cực cải tạo tốt và được ra tù trước thời hạn 22 tháng 13 ngày. Hiện anh C. đang có công việc ổn định tại một cơ sở nội thất ở phường Tứ Minh.

Những cán bộ quản giáo vẫn nói vui với nhau, làm công tác quản giáo như làm những người thầy dạy dỗ, uốn nắn toàn “học sinh cá biệt”, nhưng khó khăn đó lại khiến cho thành quả họ đạt được trở nên ý nghĩa hơn rất nhiều. Đó giống như niềm vui của mỗi người thầy khi thấy những học trò ngỗ ngược dần khôn lớn, trưởng thành, biết sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Mỗi một mảnh đời hoàn lương, trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, tìm được công việc ổn định không chỉ là kết quả những nỗ lực của bản thân họ mà còn là thành quả quản lý, giáo dục, quan tâm giúp đỡ, là niềm vui của cán bộ quản giáo.

Dù làm việc trong môi trường khó khăn nhưng các cán bộ, chiến sĩ Trại tạm giam Công an tỉnh đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được cấp trên giao phó. Trong những năm qua, hàng trăm lượt tập thể, cá nhân thuộc Trại tạm giam Công an tỉnh đã được lãnh đạo các cấp biểu dương, khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong quá trình công tác.

PHƯƠNG THÙY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/noi-mo-loi-ve-cho-nhung-manh-doi-lam-loi-185799