Nỗi niềm 'người gác cổng' chăm sóc sức khỏe

Là nơi đầu tiên đón tiếp và chăm sóc sức khỏe cho người dân, các trạm y tế được ví như "người gác cổng” chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhưng với điều kiện làm việc thiếu thốn, tình hình dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm có xu hướng phức tạp, các nhân viên nơi đây đang chịu không ít áp lực.

Công việc luôn bận rộnChúng tôi tới Trạm Y tế xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) đúng ngày trạm tổ chức cho trẻ uống vitamin A và cân, đo cho trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Hơn 6 giờ 30, các nhân viên của trạm đã có mặt, tập trung sắp xếp chỗ ngồi chờ cho mẹ và trẻ. Các bà mẹ vừa lục tục chở con tới, 5 nhân viên y tế liền chia nhau ra, người ghi thông tin của trẻ vào sổ, người cho trẻ uống vitamin A, người dẫn trẻ đi cân, đo… Ở phòng khám bệnh, y sĩ Ngô Thị Bích Liên - Trưởng trạm lần lượt khám bệnh cho khoảng 10 người dân. Trong phòng vừa hết bệnh nhân, y sĩ Bích Liên lại ra hỗ trợ các nhân viên cho trẻ uống vitamin A… Khi y sĩ Bích Liên vừa ăn xong bữa trưa thì lại khẩn trương tiếp nhận, xử trí khâu vết thương ở môi cho một bệnh nhi bị ngã khi trèo tường rào rồi cho chuyển tuyến để điều trị tiếp. Sau đó, trạm lại tiếp nhận một ca bị tai nạn do kính cắt…

Cho trẻ uống vitamin A tại Trạm Y tế xã Phước Đồng.

Ca trực sáng Chủ nhật tuần trước của y sĩ Trương Thị Thanh Thuận (Trạm Y tế xã Ninh Sim, thị xã Ninh Hòa) cũng đầy bận rộn. Khi chị đang làm sổ sách thì một người dân thôn Tân Lập tới báo có ca chuyển dạ tại nhà mà người thân đi vắng hết. Quơ vội túi cấp cứu, chị lập tức tới thôn. "Lúc đó, tôi rất hồi hộp, trong đầu chỉ lo giả định các tình huống và cách xử trí cho sản phụ. Rất may, sản phụ khỏe mạnh, dễ sinh. Lúc cắt rốn, làm vệ sinh, cân cho em bé xong, thấy bà mẹ cười tươi cảm ơn, tôi rất xúc động", y sĩ Thuận nói.

Năm 2002, mỗi trạm y tế chỉ có trung bình 5,41 cán bộ/trạm và hầu hết không có bác sĩ. Năm 2012, con số này tăng lên 6,12 cán bộ/trạm; 57 trạm y tế có bác sĩ, chủ yếu trình độ đa khoa. Hiện nay, trung bình có 8,3 cán bộ/trạm; 68 trạm có bác sĩ cơ hữu; các trạm còn lại đều có bác sĩ tăng cường về làm 2 ngày/tuần, cùng với 712 nhân viên y tế thôn bản, góp phần tích cực chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân toàn tỉnh.

Bác sĩ Nguyễn Khiêm tuyên truyền phòng bệnh cho người dân xã Ninh Sim.

Từ giữa tháng 6-2023, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế về phân luồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại các trạm y tế của TP. Nha Trang, số lượt khám tại 27 trạm đã tăng đáng kể. Tại Trạm Y tế phường Phương Sơn, mỗi ngày, trung bình trạm khám bệnh cho 40 - 50 người, cao điểm gần 100 người; 9 cán bộ, nhân viên của trạm gần như hoạt động liên tục do phải đảm nhận từ phòng dịch đến tiêm chủng vắc xin, cùng hàng loạt chương trình quốc gia về y tế... Nhân viên các trạm y tế ở thị xã Ninh Hòa cũng luôn tay. "Tuần trước, vừa sơ cứu, chuyển tuyến cho một ca tai nạn, tôi lại đến thôn Xuân Hòa 1 để khám, chuyển cấp cứu cho một bệnh nhân 72 tuổi bị hôn mê. Đây là bệnh nhân được trạm quản lý theo dõi tăng huyết áp, tiểu đường đã nhiều năm", y sĩ Phạm Thị Xuân Thắm - Trưởng Trạm Y tế xã Ninh Phụng cho biết.

Cán bộ Trạm Y tế phường Phương Sơn (TP. Nha Trang) tư vấn cho bệnh nhân.

Những trải lòng

Theo y sĩ Xuân Thắm, Trạm Y tế xã Ninh Phụng có 9 người, trừ 1 bảo vệ, 1 nhân viên đang nghỉ sinh, thực tế còn 7 người, cùng 1 bác sĩ tăng cường không thường xuyên, khám bệnh BHYT cho khoảng 650 - 850 người/tháng, ngoài ra còn quản lý theo dõi hơn 900 người mắc bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng. Nhưng hiện tại, trạm chỉ có 2 thiết bị đo huyết áp, test nhanh đường huyết, bóp bóng bằng tay, đo tim thai, hút nhớt cấp cứu và bình ôxy. Ngoài khám bệnh BHYT, mỗi nhân viên còn quản lý 4 - 5 chương trình y tế. Những đợt bùng phát dịch sốt xuất huyết, 2 ngày nghỉ cuối tuần, các cán bộ, nhân viên của trạm cùng lực lượng địa phương phải chia nhau đi khắp 8 thôn tuyên truyền, diệt lăng quăng. Từ hồi dịch Covid-19 tới giờ, nhân viên không được nghỉ bù sau ca trực.

Kiểm tra sức khỏe cho trẻ em tại Trạm Y tế xã Ninh Phụng (thị xã Ninh Hòa).

Cũng do trang thiết bị y tế ít, nên sau 2 - 3 tháng điều trị thuốc cho bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính không lây nhiễm, Trạm Y tế xã Phước Đồng phải gửi bệnh nhân đi xét nghiệm các chỉ số sinh hóa để đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh thuốc cho phù hợp. Phụ trách địa bàn gần 32.500 dân, 13 cán bộ, nhân viên của trạm khá vất vả khi thực hiện các tiêu chí về y tế thuộc bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025. Họ phải khám, điền thông tin theo biểu mẫu, nhập lên phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử; thu thập, quản lý, thống kê và tuyên truyền người dân tham gia BHYT tự nguyện; cập nhật chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ; bổ sung vitamin A, viên sắt/đa vi chất; truyền thông giáo dục dinh dưỡng; theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ dưới 5 tuổi; phối hợp kiểm tra an toàn thực phẩm theo đợt, đột xuất…; tất cả đều phải lập sổ theo dõi, báo cáo. "Mới đây, 1 y sĩ của trạm thi đậu bác sĩ, cả trạm vui mừng rồi lại lo, vì các nhân viên còn lại sẽ phải gánh thêm việc… ", Trưởng trạm Ngô Thị Bích Liên ưu tư.

Ở khu vực miền núi, đời sống kinh tế khó khăn, người dân đi nương, rẫy nhiều, nhận thức về phòng bệnh chưa cao, cán bộ của trạm phải đến tận nhà, hoặc lồng ghép tuyên truyền tại các buổi họp thôn. "Huyện Khánh Vĩnh đang cao điểm dịch sốt rét, nhưng nhân viên xuống thôn tuyên truyền xong, người dân lại quên; gửi giấy mời đi khám thì nói chừng nào bệnh mới khám. Để giám sát ca bệnh, trạm phải cử cán bộ tới nhà lấy mẫu máu xét nghiệm ngay khi biết có người đi rừng về", y sĩ Hà Nam - Trưởng Trạm Y tế xã Giang Ly cho biết.

Bác sĩ chuyên khoa II TRỊNH NGỌC HIỆP - Phó Giám đốc Sở Y tế: Những năm qua, bộ máy tuyến y tế cơ sở đã thay đổi, phát triển theo hướng hoàn thiện, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. 136 trạm và 18 phân trạm y tế cấp xã duy trì đầy đủ việc chăm sóc sức khỏe ban đầu; từng bước quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho người dân tại địa bàn. Tuy nhiên, hiện nay, trang thiết bị y tế tại các trạm còn hạn chế và xuống cấp; chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập, khiến công tác phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát các bệnh không lây nhiễm tại tuyến cơ sở chưa theo kịp những thay đổi về cơ cấu bệnh tật trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển mạnh mẽ.

Hiện nay, mỗi đêm, 1 cán bộ, nhân viên y tế trực tại trạm được nhận 40.000 đồng (tiền trực 25.000 đồng, tiền ăn 15.000 đồng); thứ Bảy, Chủ nhật, ngày lễ được từ 47.000 đến 60.000 đồng. Một nhân viên trạm y tế làm 4 năm, thu nhập hàng tháng chỉ hơn 5 triệu đồng. Công việc vất vả, thu nhập thấp… nhưng nhiều cán bộ trạm y tế bày tỏ, mong muốn lớn nhất là trạm được trang bị thêm các thiết bị mới, đồng bộ; đơn giản thủ tục đấu thầu để việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế ở các trung tâm y tế nhanh hơn, kịp thời chuyển cho các trạm để điều trị. “Chúng tôi cũng mong được tăng cường nhân lực, quan tâm hơn về chế độ lương, phụ cấp, bồi dưỡng… để cán bộ trạm y tế có điều kiện được nghỉ ngơi, có thời gian đi học nâng cao trình độ”, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Khiêm - Trưởng Trạm Y tế xã Ninh Sim trải lòng.

NGUYỄN VŨ - BÁ NGHĨA

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/y-te-suc-khoe/202406/noi-niem-nguoi-gac-cong-cham-soc-suc-khoe-7f574ff/