'Nới' tầm bay cho vùng trời Tân Sơn Nhất
Vào năm 2006, để bảo đảm an ninh vùng trời quốc gia, Bộ Quốc phòng đã ban hành quyết định khu cấm bay trên không phận Thành phố Hồ Chí Minh (VVP4), nằm giữa cụm 3 sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và Long Thành, giới hạn cao từ mặt đất/nước đến 3.000m.

Vùng cấm bay trên không phận Thành phố Hồ Chí Minh (VVP4-màu xanh).
Do ảnh hưởng của khu cấm, cả tàu bay đến và khởi hành từ sân bay Tân Sơn Nhất phải bay quãng đường xa hơn, tăng giảm độ cao với độ dốc không tối ưu, khiến năng lực sân bay, vùng trời và hiệu quả khai thác bay bị giảm mạnh.
Tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, thời tiết được chia thành mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) khá rõ rệt, giữa hai mùa có 2 tháng chuyển tiếp là tháng 10 và tháng 4.
Trong mùa khô, hướng gió thịnh hành tại Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là Bắc và Đông Nam, tốc độ trung bình 2,5 m/giây, trời ít mây, nhiệt độ trung bình 26,5°C, độ ẩm trung bình 75%, số ngày mưa ít, lượng mưa nhỏ. Tháng 11 và 12 do ảnh hưởng của bão, áp thấp nhiệt đới và nhiễu động trên đường gió đông mậu dịch nên vẫn có xác suất mưa dông.
Trong mùa mưa, hướng gió chủ yếu là Tây và Tây Nam, tốc độ trung bình 3m/s. Trong thời kỳ này, tháng 5 có dông nhiều nhất (trung bình 18,4 ngày), tháng 9 có mưa nhiều nhất (trung bình 26 ngày, lượng mưa trung bình 1584,8mm). Thời kỳ này Sân bay Tân Sơn Nhất thường chịu ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới, bão, áp thấp nhiệt đới và nhiễu động mạnh trong thời kỳ gió mùa Tây Nam, làm trần mây thấp, thời gian mưa kéo dài và tầm nhìn giảm đi đáng kể.

Sân bay Tân Sơn Nhất có hoạt động bay đông đúc nhất cả nước, bình quân hằng ngày có khoảng 750 chuyến bay cất, hạ cánh.
Sân bay Tân Sơn Nhất có hoạt động bay đông đúc nhất cả nước, bình quân hằng ngày có khoảng 750 chuyến bay cất, hạ cánh, hướng hoạt động chính là đường cất-hạ cánh 25, với khoảng 70% số lượng tàu bay đi/đến về phía bắc và phía đông. Khu cấm VVP4 chạy dọc theo đường cất-hạ cánh, khi gặp thời tiết xấu, để bảo đảm an toàn, tàu bay buộc phải vòng ở độ cao thấp, gây nguy cơ vi phạm vùng cấm.
Do không tối ưu được đường bay, tình trạng quá tải tại Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra, khiến công tác điều hành bay gặp rất nhiều khó khăn, kiểm soát viên không lưu phải làm việc hết sức căng thẳng.
Các chuyên gia ngành hàng không nhận định, thời gian gần đây, kinh tế-xã hội đất nước ta phát triển, an ninh-quốc phòng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ và được đánh giá là quốc gia có tiềm lực quốc phòng mạnh trên thế giới. Khi khoa học kỹ thuật phát triển, việc quản lý, kiểm soát và bảo vệ vùng trời Tổ quốc đã được ứng dụng bằng những khí tài, công nghệ hiện đại.
Từ năm 2000 đến nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã đầu tư Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất (mới), Trung tâm Kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và tiếp tục đầu tư Trung tâm Kiểm soát không lưu ATCC Hồ Chí Minh với các hệ thống quản lý, điều hành bay đồng bộ, tiên tiến nhất hiện nay.
Ngoài ra, ngành hàng không còn đầu tư nhiều hệ thống radar giám sát sơ/thứ cấp Tân Sơn Nhất, radar giám sát mặt sân, giám sát ADS-B,… Các công trình, hệ thống này “phủ kín” khu vực Tân Sơn Nhất từ mặt đất/nước lên đến FL460 (mực bay tương đương 13.800m), giúp tăng cao khả năng giám sát tàu bay tại khu vực vùng trời Tân Sơn Nhất cũng như vùng cấm VVP4, góp phần cùng Quân chủng Phòng không-Không quân giám sát, bảo vệ chặt chẽ các vùng trời liên quan.
Trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì khu cấm VVP4 với phạm vi rộng kéo dài trong nhiều năm qua đã làm giảm năng lực ngành hàng không dân dụng, gây lãng phí và thiệt hại không nhỏ cho nguồn lực quốc gia.
Do đó, các chuyên gia hàng không kiến nghị Chính phủ, Bộ Quốc phòng nghiên cứu, xem xét giảm độ cao khu cấm xuống 1.500m, cho phép các cơ quan hàng không thiết kế, dẫn dắt tàu bay theo các mạch bay ngắn hơn hiện tại, tàu bay không phải giữ độ cao khi qua khu cấm, giúp giải phóng vùng trời nhanh hơn để nâng cao năng lực sân bay và vùng trời.
Trong trường hợp thời tiết xấu, nếu phạm vi khu cấm được thu hẹp lại, tàu bay không phải bay tránh nhiều, giúp giảm nguy cơ mất an toàn và tàu bay vi phạm vùng cấm.

Minh họa dẫn dắt tàu bay tối ưu về hạ cánh Tân Sơn Nhất (mạch màu đỏ- Giới hạn cao VVP4 giảm xuống 1500m; mạch màu xanh dương, xanh lá - Giới hạn cao VVP4 lên đến 3000m).
Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán sơ bộ, căn cứ sản lượng bay hiện tại, nếu được giảm giới hạn vùng cấm xuống 1.500m, khi quân sự không hoạt động, mỗi ngày tại sân bay này, sẽ giảm được gần 3.000km bay, tương đương giá trị hơn 620 triệu đồng. Việc giảm độ cao khu cấm VVP4 được đánh giá sẽ mở ra không gian phát triển mới cho ngành hàng không, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng 2 con số của đất nước.
Trước mắt, các cơ quan chức năng có thể áp dụng thử nghiệm trong khoảng 6 tháng, giao đơn vị quản lý bay thiết kế phương án bay hiệu quả, an toàn và giữ gìn tuyệt đối an ninh, an toàn vùng trời Tổ quốc. “Nới lỏng” vùng trời không có nghĩa buông lỏng kiểm soát an ninh-quốc phòng, mà chính là tối ưu hóa việc phân chia không phận giữa dân sự và quân sự một cách an toàn, hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/noi-tam-bay-cho-vung-troi-tan-son-nhat-post873223.html