Nói thêm về cách gọi người... Châu Mạ

Nhà nghiên cứu Đặng Trọng Hộ - cựu giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, cho rằng danh/tên không chỉ là danh, danh còn là mệnh/vận mệnh, danh gắn chặt với mệnh, hoặc góp phần tạo nên mệnh. Do vậy, khi nói hoặc viết tên của một người hay tên của một sắc tộc, cần phải hết sức thận trọng, tránh thói tùy tiện, thích gì viết nấy, nghe gì nói đó.

Người Mạ thực hiện nghi thức rước vật thiêng.

Người Mạ thực hiện nghi thức rước vật thiêng.

"Người... Châu Mạ, hay người Mạ? Trong hai cách dùng ấy, cách nào đúng, cách nào sai, hay cả hai cách đều đúng, hoặc cùng sai?", ông K'Nhiếp - một trí thức người Mạ ở xã Lộc Tân (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), tự đặt câu hỏi trước hiện tượng lưỡng khả trong cách sử dụng tên gọi người Mạ/người Châu Mạ, rồi tự lập luận: "Có lẽ vì một số người nghĩ, ngôn ngữ chỉ là quy ước, người Châu Mạ hay người Mạ thì cũng thế, chỉ để gọi tên của một sắc tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên(?!). Trong khi một số người khác rất có thể là tuýp người giản đơn, sử dụng theo thói quen của đám đông: người ta dùng người Châu Mạ thì mình dùng người Châu Mạ, người ta gọi người Mạ thì mình cũng gọi người Mạ, nghĩ nhiều mà làm gì! Từ cách nghĩ như trên, đã có những bài viết, bài nói chuyện sử dụng cả 2 cách: người Châu Mạ và người Mạ(?!)".

Theo ông K'Nhiếp, nghịch lý ở đây chính là việc chỉ có một dân tộc nhưng tồn tại 2 cách gọi: người Mạ và người Châu Mạ?! Nói về vấn đề này, ông Trần Ngọc Biên - giáo viên tiếng Mạ/tiếng Châu Mạ và tiếng K'Ho, chia sẻ: "Thực tế vẫn tồn tại 2 cách viết và đọc như trên vì nó là... ngoại ngữ (ngôn ngữ ngoài tiếng Việt), cụ thể ở đây là tiếng Mạ/tiếng Châu Mạ - một ngôn ngữ thuộc ngữ hệ Môn - Khmer, cách viết và cách đọc có những khác biệt so với tiếng Việt". Theo ông Trần Ngọc Biên, trước nay người Mạ/người Châu Mạ vẫn tự nhận mình: "An-h cau Mạ!" (Tôi [là] người Mạ). Từ "an-h" trong tiếng Mạ/tiếng Châu Mạ tương đương từ "tôi" trong tiếng Việt, phụ tố "cau" (đọc gần như "chau" và biến âm của nó là "châu" trong tiếng Việt) nghĩa là "người", "Mạ" là tên gọi của sắc tộc "Mạ". "Do không nắm rõ phụ tố "cau" có nghĩa là "người" nên một số người đã viết hoặc nói thừa một từ "người" - người/Châu Mạ, thay vì chỉ cần nói hoặc viết người Mạ là đủ"- ông Trần Ngọc Biên cho hay. "Bây giờ, ai cũng biết viết hoặc nói người Châu Mạ là thừa một chữ người/cau nhưng vì thói quen nên vẫn dùng tên gọi người Châu Mạ, bên cạnh tên gọi chuẩn người Mạ", ông K'Brèm - một trí thức người Mạ ở thị trấn Lộc Thắng (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng), nói thêm.

Theo ông Ndong Bla - một trí thức người K'Ho ở xã Gung Ré (huyện Di Linh, Lâm Đồng), ngôn ngữ là tinh hoa văn hóa, ngôn ngữ song hành cùng văn hóa trong việc xác lập bản sắc tộc người. Ngôn ngữ không chỉ là phương tiện truyền đạt ý tưởng, cao hơn nữa là truyền đạt tư tưởng, nơi để cố kết cộng đồng, trao truyền các giá trị văn hóa của tiền nhân. Ngôn ngữ còn để chứng minh và khẳng định sự tồn tại và trường tồn của dân tộc. Việc người Mạ tự nhận mình là người Mạ cho thấy sự kiêu hãnh của dân tộc này trong ý thức tự tôn sắc tộc, ngầm khẳng định dân tộc Mạ là một dân tộc có bản sắc văn hóa riêng. "Vì thế, chúng ta - những người không cùng bối cảnh văn hóa với người Mạ - hãy tôn trọng tên gọi người Mạ bằng cách chỉ nói hoặc viết người Mạ, bỏ bớt từ "Châu" dư thừa ở phía trước"- ông Ndong Bla đề nghị.

Trịnh Chu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/noi-them-ve-cach-goi-nguoi-chau-ma-post308357.html