Nồm ẩm là gì và các biện pháp hạn chế cần biết
Nồm ẩm ở miền Bắc diễn ra khi độ ẩm của không khí lên cao, hơi nước ngưng tụ trên tường, sàn nhà, đồ vật... làm quần áo lâu khô, ẩm ướt khó chịu.
Nồm ẩm do đâu?
Dạng thời tiết nồm ẩm thường diễn ra ở miền Bắc từ khoảng giữa tháng 2 đến tháng Tư hàng năm.
Nồm ẩm khiến bề mặt đồ dùng trong nhà sẽ bị đọng nước do chúng giữ nhiệt kém lại không có khả năng hút ẩm như sàn nhà, đồ điện tử. Ngoài ra bề mặt tường, sàn nhà trơn ướt, thậm chí như bị dội nước vào. Còn bên ngoài, thời tiết cũng cảm giác lạnh hơn, mây mù nhiều hơn.
Nguyên nhân của hiện tượng này là do thời tiết rét và khô kéo dài nhiều ngày làm cho nhiệt độ mặt nền, sàn nhà rất thấp. Sau đó gió nồm mang không khí ẩm và ẩm từ biển thổi vào đất liền, khối không khí này ấm có nhiệt độ ngưng tụ sương tương đối cao, trong lúc nhiệt độ mặt nền, sàn vẫn còn thấp hơn cả nhiệt độ điểm sương của không khí vì chưa bắt kịp với nhiệt độ không khí, và như vậy hiện tượng đọng nước đã xảy ra.
Tùy theo chênh lệch nhiệt độ giữa mặt nền với nhiệt độ điểm sương của không khí nhiều hay ít mà mức độ “Nồm” đọng sương nặng hay nhẹ. Nhiệt độ mặt nền càng tháp so với nhiệt độ điểm sương thì mặt nền càng bị ướt nhiều, thậm chí sũng nước.
Độ kéo dài của hiện tượng “Nồm” cũng rất khác nhau, mối đợt từ một vài ngày đến hàng tuần lễ, nó kết thúc khi cógió lạnh và khô từ phía Bắc thổi về. Mỗi năm có thể xảy ra vài ba đợt như vậy hoặc nhiều hơn tùy theo thời tiết hàng năm.
Các biện pháp chống nồm ẩm
Nồm ẩm gây ra nhiều phiền toái trong đời sống hàng ngày như quần áo thường xuyên ẩm ướt, gây khó chịu khi mặc. Đặc biệt, nền nhà trơn trượt gây nguy cơ các vấn đề về sức khỏe khi trượt ngã. Tường nhà ẩm ướt còn làm hỏng hóc các thiết bị điện tử, đồ gỗ, nguy cơ chập cháy...
Nồm ẩm còn gây ra các vấn đề về sức khỏe như: bệnh khớp, tim mạch, ho, hen suyễn, đau đầu, tiêu hóa và những căn bệnh mãn tính kinh niên của người cao tuổi,… do việc bài tiết qua da bị hạn chế, các lỗ chân lông bí không thoát hơi nên gây mệt mỏi và đau nhức, khó chịu. Ngoài ra, nồm ẩm còn làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, bệnh ngoài da, dị ứng.
Do đó, cần phải khắc phục tối đa tình trạng nồm ẩm để bảo vệ ngôi nhà và sức khỏe gia đình.
Đóng kín cửa
Khi trời nồm, nhiều người có xu hướng mở cửa thông thoáng để không gian các phòng được khô thoáng hơn. Tuy nhiên đây lại là hành động hoàn toàn sai lầm vì việc mở cửa khi trời nồm chỉ càng khiến cho ngôi nhà càng thêm ẩm ướt.
Vì vậy trong những ngày này, bạn nên đóng kín các cửa, chỉ mở cửa khi thực sự cần thiết và đặc biệt là khi không khí khô ráo hơn.
Tốt nhất, bạn nên hạn chế mở cửa, đồng thời tìm cách bịt các lỗ hổng trong nhà, hạn chế tối đa sự trao đổi khí ẩm để hạn chế hiện tượng đổ mồ hôi của nền nhà.
Lau nhà bằng giẻ khô
Trong những ngày thời tiết nồm ẩm, bạn nên hạn chế lau nhà bằng nước. Cách tốt nhất là dùng giẻ khô, sạch để lau nước trên nền nhà. Nếu như thực sự cần lau dọn, hãy dùng những chiếc khăn cotton vắt thật kĩ rồi mới lau, hoặc các loại khăn có độ xốp cao để lau nước đọng lại, sau đó dùng giẻ khô để lau lại ngay lập tức, tránh để nền nhà ẩm ướt gây tình trạng trơn trượt.
Sử dụng điều hòa chế độ nóng
Nếu nhà bạn có điều hòa hai chiều, hãy bật chế độ khô nóng. Điều hòa sẽ hút hết hơi nước trong môi trường, giúp lưu thông không khí, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên, đặc biệt là trong những gia đình có trẻ nhỏ.
Nếu không có điều hòa hai chiều, quạt điện cũng là một ý kiến hay nhưng hãy chú ý để không bị lạnh.
Sử dụng máy hút ẩm và vật liệu hút ẩm
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều vật liệu hút ẩm giá rẻ nhưng hiệu quả chống nồm ẩm lại không hề tệ, đặc biệt rất dễ áp dụng như: than, vôi, báo cũ, hột hút ẩm,...
Việc sử dụng hột hút ẩm đối với góc tường, góc nhà và tủ quần áo khá hiệu quả mà bạn không nên bỏ lỡ. Ngoài ra, một số cây trồng trong nhà cũng có khả năng hút ẩm, thêm oxy và loại bỏ khí cacbonic, điển hình như cây dương xỉ.
Nếu có điều kiện, đừng ngần ngại mua loại máy này về sử dụng bởi chúng sẽ là trợ thủ đắc lực trong những ngày nồm ẩm, giúp ngôi nhà của bạn được khô thoáng, sạch sẽ.