Phòng ngộ độc rượu

Ngộ độc rượu là bệnh lý thường gặp ở những người uống quá nhiều rượu, nhất là các loại không rõ nguồn gốc, kém an toàn.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Ngộ độc rượu gặp nhiều ở các đệ tử lưu linh là nam giới hơn nữ giới…

Không kịp chuyển hóa

Thành phần chính của rượu là ethanol. Một lượng ethanol vừa phải đưa vào cơ thể sẽ gây ra sự kích thích và cảm giác hưng phấn.

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 90% ethanol uống vào được chuyển hóa qua gan thành sản phẩm cuối cùng là nước và CO2, khoảng 10% còn lại được đào thải qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu.

Khi một lượng ethanol nhiều quá sức chịu đựng của các bộ phận cơ quan trong cơ thể, nhất là được đưa vào trong một thời gian rất ngắn. Điều này khiến cho cơ thể quá tải và không kịp chuyển hóa để đào thải sẽ gây ra tình trạng ngộ độc các tế bào mà biểu hiện ra bên ngoài gọi là ngộ độc rượu.

Ngoài ra, các loại rượu không rõ nguồn gốc. Người bán vì lợi nhuận, bất chấp sức khỏe của người khác nên đã dùng cồn công nghiệp pha thành… rượu. Những người uống phải rượu rởm này rất dễ bị ngộ độc và thường là một vụ ngộ độc rượu tập thể.

Thành phần của cồn công nghiệp không phải là ethanol, mà là methanol - một loại cồn rất dễ gây ngộ độc khi uống. Vì khi methanol chuyển hóa trong cơ thể sẽ tạo ra một thành phần hóa học rất độc. Đó là axit formic. Chất này gây tổn thương nặng lên các tế bào não và mắt.

Tùy theo tửu lượng mà ngộ độc rượu có biểu hiện sớm ở người này, muộn hơn ở người khác. Những người bị ngộ độc rượu thường có chung các biểu hiện sau:

- Sắc thái biến đổi, ý thức lu mờ.

- Cơ thể và hơi thở nồng nặc mùi rượu.

- Thay đổi giọng nói, nói phều phào, không rõ và thậm chí nói ngọng.

- Phản ứng chậm chạp, không giữ được thăng bằng khi đứng và ngồi.

- Đi lại quờ quạng, dễ ngã.

- Thân nhiệt hạ, da chuyển màu hơi xanh, lạnh. Môi và móng tay chuyển sang màu tím.

- Khó khăn trong việc điều khiển và duy trì ý thức.

- Thở không đều, thường là thở chậm.

- Buồn nôn và nôn.

- Tiểu tiện, đại tiện không kiểm soát.

- Đau quặn vùng bụng, chướng bụng.

- Tê yếu chân tay và vùng mặt.

- Thở khó, co giật hôn mê.

- Tử vong ở các trường hợp ngộ độc quá nặng.

Tất cả các trường hợp sau uống rượu có vài biểu hiện như trên hoặc nghi ngờ bị ngộ độc rượu cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để khám và xử trí kịp thời nhằm tránh các biến chứng nặng có thể xảy ra hoặc tử vong.

 Minh họa/INT

Minh họa/INT

Sơ cứu, hướng điều trị

• Sơ cứu ngộ độc rượu: Cho uống nhiều nước, dùng lông gà, vịt ngoáy họng hoặc dùng tay móc họng gây nôn. Lặp lại nhiều lần uống nước và gây nôn. Đây được xem như là cách tự… súc ruột để thải bớt lượng rượu uống vào. Sau đó cho uống một ly nước chanh đường để chống hạ đường huyết và axit có trong chanh cũng sẽ trung hòa bớt thành phần của rượu.

Lưu ý, không để cho người bị ngộ độc rượu sặc chất nôn. Luôn ở gần bên người bị ngộ độc rượu để động viên tinh thần và kiểm soát trong khi chờ xe cấp cứu hoặc chờ người đưa đi.

Nếu người ngộ độc rượu lơ mơ, hôn mê thì đặt nằm nghiêng, đầu kê cao để tránh sặc chất nôn. Nếu có thể, thay quần áo, lau người bằng nước ấm để góp phần thải độc qua da. Đắp mền ủ ấm cơ thể chống hạ thân nhiệt.

Một số sai lầm cần tránh:

- Chủ quan với suy nghĩ say rượu là chuyện bình thường. Nên khi nhận ra thì mọi điều đã quá trễ. Hoặc người bệnh tử vong tại nhà hoặc đưa đi cấp cứu quá muộn.

- Không giữ ấm cho người ngộ độc rượu, bắt họ tắm nước lạnh làm hạ thân nhiệt cơ thể khiến cho tình trạng ngộ độc tiến triển nặng hơn.

Cho ăn hoặc đổ sữa cho uống ở tư thế nằm hoặc người bệnh lơ mơ sẽ gây sặc chất nôn. Điều này rất nguy hiểm.

- Không kiểm soát, không giúp đỡ, để người bệnh tự di chuyển mất thăng bằng ngã có thể gây chấn thương sọ não hoặc gãy chân tay.

• Hướng điều trị: Cho thở oxy hoặc đặt nội khí quản các trường hợp suy hô hấp nặng, ngưng thở. Súc rửa dạ dày các trường hợp cần thiết (chưa tự gây nôn, đến sớm). Truyền dịch để bù nước và điện giải. Ủ ấm chống hạ thân nhiệt. Trường hợp bị suy thận nặng, sẽ có chỉ định lọc máu để loại chất độc ra khỏi cơ thể.

• Phòng ngộ độc rượu: Tốt nhất là đừng uống rượu. Nếu uống thì không nên uống quá nhiều, uống rượu rõ nguồn gốc; không nên pha rượu với nước ngọt cho dễ uống. Nên nhớ rằng càng dễ thì uống càng nhiều, càng dễ bị ngộ độc.

Những người đang trong giai đoạn uống thuốc chữa bệnh thì không nên uống rượu, trừ các loại rượu thuốc được kiểm soát chuyên môn bởi các thầy thuốc y học cổ truyền. Cần ăn no trước khi tham gia chạm cốc. Hoặc thực hiện phương châm: Uống bao nhiêu, ăn bấy nhiêu và dừng lại đúng lúc.

Những cuộc chạm cốc mừng đón Xuân về, chỉ nên uống đủ để vui, đủ để hưng phấn, uống tùy sức, không nên ép hoặc thách đố nhau. Đó mới là cách uống của những người… thông minh nhất.

Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phong-ngo-doc-ruou-post718424.html