Nông dân An Lão 'sống khỏe' nhờ… chuối sứ

An Lão là huyện miền núi của tỉnh Bình Định, có diện tích đồi núi lớn, nhiều nông dân đã tận dụng thế mạnh này để phát triển cây chuối sứ. Từ đây, cây chuối không chỉ tạo ra sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn giúp họ thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp.

Năm 2022, hơn 30 hộ nông dân đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Nghĩa và An Toàn tiếp tục được huyện An Lão hỗ trợ cây chuối sứ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc nhằm thực hiện mô hình trồng chuối sứ chất lượng cao trên đất hộ gia đình canh tác.

Cây xóa đói, giảm nghèo

Đây chỉ là một trong những hỗ trợ trong dự án phát triển liên kết sản xuất cây chuối sứ của huyện An Lão. Hiện, nhiều hộ dân xã An Nghĩa và An Toàn không chỉ trồng và phát triển thành công những cây chuối giống được hỗ trợ mà còn chủ động nhân giống, mở rộng diện tích để nâng cao thu nhập.

Ông Đinh Văn Nhiên (ở thôn 5, xã An Nghĩa), cho biết gia đình ông hiện có 200 gốc chuối. Chỉ sau 14 tháng, cây trồng này đã cho thu hoạch và có thể ra buồng quanh năm nên nguồn thu không bị bó hẹp. Trồng chuối cũng không tốn nhiều công chăm sóc, mỗi năm chỉ cần bón phân từ 1-2 lần.

Đặc biệt, nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nên cây chuối sứ phát triển tốt, thân to, buồng chuối lớn, quả đẹp. Chính vì vậy mà các đơn vị thu mua ở trong huyện và các huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn đều đến tận vườn để đặt hàng.

Theo tính toán của người dân, trung bình mỗi buồng chuối khoảng 8 nải, mỗi nải bán được khoảng 8.000 đồng. Mỗi hộ dân ở đây trồng ít cũng 100 gốc nên cho thu nhập khá cao. Kinh tế gia đình của nhiều nhà cũng có chiều hướng phát triển hơn. Nếu so với các loại cây khác, chuối sứ là cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tập quán canh tác của đồng bào nơi đây.

Đặc biệt có những hộ tích cực mở rộng diện tích, trồng từ 1 ha. Với những hộ này, thu nhập có thể từ 40 - 50 triệu đồng/năm từ chuối là bình thường.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp huyện An Lão, nhờ trồng chuối sứ mà nhiều hộ dân đã xóa được đói, giảm được nghèo, đời sống khá dần lên. Những hộ ở An Nghĩa và An Toàn có của ăn, của để, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn không phải ít.

Nhờ có sự định hướng và hỗ trợ tích cực từ địa phương nên cây chuối sứ nhanh chóng được lan tỏa, diện tích phát triển mạnh. Từ vài ha ban đầu, đến nay trên 2 xã An Nghĩa và An Toàn đã có khoảng 50ha.

Đặc biệt, chuối sứ không những mang lại nguồn thu ổn định cho người dân, mà còn tạo việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo với công việc chạy chợ bán chuối hay thu hoạch, vận chuyển chuối lúc nông nhàn.

Những năm trước đây, chuyện cây chuối sứ trở thành cây trồng hàng hóa, có giá trị kinh tế cao là điều mà bà con địa phương chưa từng nghĩ đến, vì chuối sứ đã từng được trồng ở địa phương nhưng chỉ rải rác, mỗi hộ vài cây. Nhưng nay, nói về cây chuối, đa số người dân đều có cho rằng đây là cây xóa nghèo, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Chính vì vậy, những năm gần đây, huyện An Lão đã tiếp tục hỗ trợ người dân xã An Quang và An Hưng phát triển trồng cây chuối sứ nhằm nhân rộng mô hình giảm nghèo. Đối tượng được hỗ trợ chính là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với định mức hỗ trợ bình quân hộ nghèo 10 triệu đồng, hộ cận nghèo 8 triệu đồng, hộ mới thoát nghèo 6 triệu đồng.

Chuối sứ là cây xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình ở huyện An Lão.

Chuối sứ là cây xóa đói, giảm nghèo cho nhiều hộ gia đình ở huyện An Lão.

Hiện nay, lượng chuối giống trên địa bàn hai xã An Quang và An Hưng đã được triển khai trồng, đảm bảo đúng chất lượng và quy trình kỹ thuật hướng dẫn. Đây là giống cây ăn quả thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, đất đai ở các địa phương. Theo đó, khi chuối cho quả, người trồng được hưởng lợi 100% sản phẩm thu hoạch và có trách nhiệm duy trì và mở rộng diện tích trồng mới, đồng thời cung cấp cây con giống hỗ trợ cho các hộ có điều kiện trên địa bàn huyện để nhân rộng mô hình.

Mở rộng đầu ra

Những năm gần đây, cây chuối chuyên canh đã phát triển mạnh ở huyện An Lão, tuy nhiên không hề xuất hiện tình trạng được mùa mất giá. Sản phẩm vẫn được tiêu thụ mạnh, có những thời điểm cung không đủ cầu.

Điều này được cho là do người dân đã được hướng dẫn các kỹ thuật trồng chuối, không lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Chuối ở An Lão phù hợp với điều kiện tự nhiên, có mẫu mã đẹp nên không chỉ đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở các chợ dân sinh mà còn được các siêu thị, nhà hàng, khách sạn ưa chuộng.

Có được điều này là nhờ huyện đã cử cán bộ xuống tận cơ sở, tập huấn, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản sản phẩm cho nông dân. Việc làm này được thực hiện theo hướng “cầm tay, chỉ việc” nhằm hướng dẫn đạt hiệu quả tốt nhất cho bà con. Kết quả là sản xuất chuối sứ đã cơ bản đáp ứng được tiêu chuẩn VietGAP, các buồng chuối to vừa phải, quả đều sáng và đẹp.

Đặc biệt, huyện cũng quan tâm thành lập các tổ nghề nghiệp, tổ hợp tác, HTX để hỗ trợ người dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể là HTX nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn (xã An Toàn) đang là đơn vị đứng ra tổ chức thu mua, tiêu thụ chuối sứ cho người dân. Ngoài tiêu thụ theo các đầu mối của thương lái, HTX còn bày bán tại cửa hàng nông sản sạch của chính HTX và liên kết với các siêu thị để đưa chuối đi tiêu thụ.

Ngoài ra, HTX còn thu mua, tiêu thụ các sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (dân tộc Bana và H’re) và cung ứng các mặt hàng thiết yếu cho các thành viên tại địa phương.

Hoạt động này của HTX đã thúc đẩy người dân mở rộng diện tích cây chuối, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Từ đó góp phần giúp các xã và huyện An Lão thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

Để cây chuối phát triển bền vững

Có thể nói, cây chuối sứ đã khẳng định được ưu điểm vượt trội, không chỉ cho năng suất cao mà còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, nâng cao thu nhập, đóng góp trực tiếp vào quá trình tạo việc làm, giảm nghèo cho người dân.

Theo thống kê, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện An lão đã giảm từ 42,47% xuống còn 36,13%. Huyện đang phấn đấu từ nay đến năm 2025 giảm tỷ lệ nghèo đa chiều (hộ nghèo, hộ cận nghèo) trên 9%/năm, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hằng năm từ 7% trở lên. Đến năm 2025, huyện có thêm 5 xã, thị trấn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn (gồm An Trung, An Quang, An Hưng, An Dũng và thị trấn An Lão); tỷ lệ xã đặc biệt khó khăn trong tổng số đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn còn 30% (3/10 xã). Thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Để làm được điều này, ngoài phát triển các cây trồng, vật nuôi khác như bò, trâu, dứa... theo kế hoạch, huyện tiếp tục phát triển bền vững các vùng trồng chuối sứ nhằm tạo thu nhập ổn định cho người nông dân.

Thời gian tới, huyện cũng sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực cho ngành nông nghiệp thực hiện và triển khai các dự án nhân rộng diện tích trồng chuối. Đặc biệt, tăng cường hợp tác, liên kết với doanh nghiệp, HTX để tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, huyện tập trung cho công tác thông tin, quảng bá sản phẩm tại các siêu thị, hội chợ thương mại, nhất là trên sàn giao dịch điện tử hàng nông sản để thương hiệu chuối sứ An Lão vươn xa ra thị trường ngoài tỉnh và cả nước.

Tuy nhiên, để cây chuối sứ phát triển và nhân rộng hơn nữa, chính quyền và các cấp Hội nông dân cần phải tiếp tục giúp người dân trong việc định hướng sản xuất, tập huấn khoa học kỹ thuật trong thu hoạch, sơ chế, đóng gói, đầu tư cho chế biến để cây chuối sứ thực sự trở thành cây xóa đói, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.

Minh Nhương

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/nong-dan-an-lao-apos-song-khoe-apos-nho-chuoi-su-1094658.html