Nông dân cần thay đổi tư duy để có chỗ đứng trên thị trường
Chiều 25/12, các đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023-2028 thảo luận tại tổ về những vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Đại biểu cho rằng, nông nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển, tuy nhiên, trong thời kỳ hội nhập và cạnh tranh, nông dân muốn có chỗ đứng trên thị trường cần phải thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất.
Các cấp hội hoạt động hiệu quả
Trình bày tham luận, Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền 2 Lê Quốc Phong cho biết, tính đến nay, ông đã gắn bó với Hội Nông dân Việt Nam, với nông dân và hội viên hơn 25 năm. Sau một thời gian dài đi nhiều và làm việc với bà con các tỉnh, thành phố, ông Phong khẳng định, người làm công tác hội không hề đơn giản, đòi hỏi phải có tâm, có tầm và lòng kiên trì mới làm tốt được công việc.
Ông Lê Quốc Phong cho biết, các chương trình mà Công ty Phân bón Bình Điền hợp tác với Hội Nông dân đều đem lại hiệu quả cao, được bà con ủng hộ như: Nhà nông đua tài, Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam… Trong nhiệm kỳ vừa qua, các hoạt động của Quỹ hỗ trợ nông dân của Trung ương Hội và các cấp hội hoạt động rất hiệu quả. Quỹ càng phát triển, nhiều nông dân được hưởng lợi hơn.
“Về lâu dài, Quỹ hỗ trợ nông dân rất quan trọng đối với người dân trong hoạt động sản xuất, đặc biệt, trong giai đoạn hiện tại và tương lai”, ông Phong khẳng định.
Thảo luận tại tổ, các đại biểu cũng cho ý kiến về dự thảo báo cáo chính trị; dự thảo Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Trung ương Hội khóa VII, dự thảo Điều lệ Hội (sửa đổi, bổ sung). Hầu hết các ý kiến đại biểu đều đánh giá nội dung dự thảo các báo cáo trình tại Đại hội có sự chuẩn bị công phu, bài bản và trình bày khoa học.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, nội dung các báo cáo đã thể hiện được tính khái quát, tính toàn diện về các mặt hoạt động của các cấp Hội trong nhiệm kỳ qua. Từng phần đã nêu được những điểm nhấn, thể hiện được dấu ấn của nhiệm kỳ (kể cả các thành tựu đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, yếu kém và bài học kinh nghiệm). Hệ thống chỉ tiêu trong nhiệm kỳ mới thể hiện tính khoa học, tính thực tiễn. Nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với yêu cầu đặt ra trong giai đoạn tới; linh hoạt để các địa phương vận dụng trong thực hiện.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, phần tổ chức đào tạo nghề cho nông dân cần có thêm minh họa một vài mô hình tiêu biểu để thấy rõ hơn kết quả thực hiện trong nhiệm kỳ, không mang tính chung chung. Báo cáo cần nêu rõ chỉ tiêu thi đua hàng năm, số hộ hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp tăng hay giảm so với cùng kỳ để thể hiện tính tích cực và thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Thay đổi tư duy để có chỗ đứng trên thị trường
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường phân tích, ở các tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều rào cản phát triển kinh tế nông nghiệp, nguyên nhân do tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị còn yếu, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ yếu tại chợ truyền thống, sản phẩm thô “sáng tươi chiều héo”, người dân vẫn có thói quen tiêu thụ "thịt nóng thay vì thịt mát" như các nước phát triển. Theo ông Tạ Văn Tường, trong cơ chế thị trường hội nhập, nếu nông dân không thay đổi phương pháp sản xuất thì sẽ bị đẩy khỏi cuộc chơi.
“Lợi thế của Việt Nam là có nhiều đặc sản vùng miền nhưng chưa được chú trọng khai thác. Gần đây, chúng ta lại nghiêng về hô hào phát triển quy mô lớn, khiến thế mạnh đặc sản vùng miền đôi lúc bị bỏ quên, trong khi ra nước ngoài khách hàng rất thích. Thậm chí, nhiều sản phẩm đặc sản có thể đăng kí nhãn hiệu, làm thương hiệu quốc gia”, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Các ý kiến tham luận đều cho rằng, phát triển sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới cần tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chuyển đổi tư duy về phát triển kinh tế nông thôn, cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo dựng hình ảnh người nông dân thế hệ mới có kiến thức, kỹ năng, tay nghề cao và khả năng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, phát huy hiệu quả vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan trong thực thi nhiệm vụ hỗ trợ thúc đẩy phát triển nông nghiệp, kinh tế tập thể, hợp tác xã; kết nối tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, kinh tế nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, nông dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực chủ thể của nông dân thông qua các giải pháp khơi dậy tinh thần yêu quê hương đất nước, ý thức tự chủ, tự lực, tự cường; nâng cao trình độ giác ngộ, nhận thức về văn hóa, xã hội, chính trị và khả năng phân tích, thảo luận dân chủ, trau dồi kiến thức gắn với phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân.