Những ngày cuối tháng 1/2024, từ đêm tối đến khi trời lờ mờ sáng, trên các cánh đồng lúa của người dân ở huyện: Nghi Lộc, Yên Thành, Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã rộn ràng tiếng nói cười. Số ít trong đó là chủ ruộng, đa số là những người cấy thuê cho kịp ngày.
Người dân ở xã Hoa Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) cho hay, đợt này thời tiết rét đậm, thỉnh thoảng có mưa nhưng họ không thể hoãn việc cấy lúa lại. Bởi chung một cánh đồng, các ruộng phải cấy đồng loạt với nhau để đảm bảo thời gian sinh trưởng và chăm sóc.
Chị Đặng Thị Đông (45 tuổi, trú ở xã Vĩnh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có "thâm niên" hơn 20 năm trong nghề cấy lúa thuê, cho biết: Thông thường người đi cấy lúa thuê lập tổ nhóm và sẽ nhận cấy theo hai cách là cấy công và cấy khoán. Nếu cấy công thì tiền có thể ít hơn nhưng khỏe hơn. Còn cấy khoán thì người làm sẽ mệt hơn, nhưng đổi lại sẽ nhận được nhiều tiền hơn.
Nhóm của chị Đông có 8 người, thường đi nhận cấy thuê khoán ở nhiều huyện khác nhau. Để có thể cấy nhanh, nhận được nhiều ruộng, nhóm của chị căn cứ thực tế để cấy tập trung hay chia đôi ra để cấy. Thông thường, nhóm của chị Đông sẽ bắt đầu ra đồng từ 5h30 sáng và cấy đến 22h đêm.
"Chúng tôi nhận cấy lúa thuê khoán, mỗi ngày nhóm 7-8 người cấy được khoảng 1 mẫu ruộng. Tính ra mỗi người sẽ nhận về 700 nghìn đồng. Nhưng thời gian dài. Phải dậy từ 5h30 ra cấy đến 22h đêm mới về. Buổi trưa, buổi tối ăn cơm ngay tại ruộng rồi nghỉ ngơi một lát rồi lại cấy tiếp cho kịp. Vất vả lắm. Mấy hôm nay trời lạnh, đeo 2, 3 lớp găng tay nhưng vẫn lạnh cóng", chị Đặng Thị Đông chia sẻ.
Thời tiết ở Nghệ An những ngày này trời rét buốt nên khi ra đồng cấy, ngoài mặc nhiều lớp áo ấm, bịt kín mặt mũi thì họ sẽ khoác thêm lớp áo ni-lon vừa giữ nhiệt vừa tránh sương, tránh mưa gió thất thường.
Khi màn đêm buông xuống nhưng việc chưa xong, những người nông dân lại đỏ đèn để cấy cho kịp.
Xa xa trên những cánh đồng đều thấy lập lòe ánh đèn của những người cấy lúa.
Ánh đèn chỉ soi rõ một khoảng ruộng chừng nửa mét nhưng như đã quen tay, những người thợ vẫn thoăn thoắt dùng liềm để nhổ mạ (lúa non).
Rồi lại thoăn thoắt tỉa từng cây lúa cắm sâu xuống lớp đất bùn nhão nhoẹt.
Trời tối mịt chỉ có ánh đèn nhỏ để soi nhưng những người thợ vẫn cấy đều tăm tắp, đảm bảo theo yêu cầu của chủ ruộng.
Cả ngày cúi để cấy lúa, đêm về nhiều người không ngủ được vì quá mệt, đau lưng.
"Cấy từ sáng đến tối đau mỏi lưng lắm nhưng vẫn phải cố. Nếu không cấy nhanh thì không kịp nhận ruộng khác. Bởi mỗi đợt cấy chỉ kéo dài trong vòng vài ba tuần thôi. Huyện nào cấy muộn thì mình còn nhận thêm được. Tranh thủ cấy được từng nào thì cấy, Tết còn có thêm tiền mua bánh, mua đồ Tết cho gia đình", chị Đông chia sẻ.
"Chúng tôi cấy xong của nhà mới đi cấy thuê cho họ. Thường thì chỉ cấy gần nhà, có lúc đi cấy xa nhà phải ở lại. Có đợt đi cấy lâu nhất là 5 ngày mới về. Mùa này tôi được 5 triệu đồng tiền công rồi. Xong nốt cánh đồng này chúng tôi về nghỉ ngơi ăn Tết thôi. Cũng mệt lắm rồi", chị Trần Thị Tình (37 tuổi, trú xã Hồng Thành, Yên Thành) vừa cấy vừa cười nói.
Ngọc Tú