Sân Nhà Nhiều Chó – Mái ấm tình thương

Được thành lập từ năm 2021, đến nay, Sân Nhà Nhiều Chó đã hoạt động tích cực trong lĩnh vực cứu hộ và chăm sóc chó mèo bị bỏ rơi. Nơi đây đã trở thành địa chỉ cưu mang hơn 800 sinh linh nhỏ bé từng bị bỏ rơi, bạo hành, hay thất lạc.

Không chỉ dừng lại ở công việc cứu trợ, Sân Nhà Nhiều Chó còn hướng đến mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về phúc lợi động vật, lan tỏa thông điệp nhân ái không chỉ trong nước mà cả ra thế giới.

Một quyết định không dự tính

Ý tưởng thành lập Sân Nhà Nhiều Chó (SNNC) đến với anh Trần Minh Quang (SN 1985, sống tại Thanh Xuân, Hà Nội) một cách đầy tự nhiên. Không kế hoạch dài hơi, không chiến lược rõ ràng, hành trình bắt đầu chỉ bằng lòng trắc ẩn dành cho những chú chó bị bỏ rơi. "Ban đầu, tôi chỉ cứu một bé, rồi hai chú cún con… Rồi mọi chuyện cứ thế cuốn đi. Đến một lúc, tôi nhận ra mình cần một không gian đủ an toàn, ổn định cho các bạn ấy – thế là Sân ra đời", anh Quang chia sẻ.

Anh Quang đang chia sẻ về hành trình giải cứu và chăm sóc động vật trong sự kiện "Their Pain, Your Voice" (Ảnh: NVCC)

Anh Quang đang chia sẻ về hành trình giải cứu và chăm sóc động vật trong sự kiện "Their Pain, Your Voice" (Ảnh: NVCC)

Từ những ngày đầu loay hoay tìm mặt bằng, xử lý pháp lý, đến khi dần hoàn thiện mô hình, SNNC đã chuyển mình trở thành một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiệp, hoạt động tại Quốc Oai (Hà Nội).

Giữ lửa giữa thử thách: Những bài học xương máu

Khởi đầu bằng cảm xúc, hành trình vận hành SNNC lại là một chuỗi thử thách cam go. Trong bối cảnh pháp lý về cứu hộ động vật tại Việt Nam còn chưa cụ thể, đội ngũ sáng lập phải tự học mọi thứ từ con số 0: từ cách chăm sóc, tiếp nhận đến thiết kế không gian phù hợp cho hàng trăm cá thể với nhu cầu khác nhau.

Khó khăn về tài chính cũng là nỗi trăn trở thường trực. Không có ngân sách cố định, mọi hoạt động đều dựa vào đóng góp từ cộng đồng, doanh nghiệp và các chiến dịch truyền thông gây quỹ.

Bên cạnh đó, việc thiếu nhân sự, đặc biệt là người có chuyên môn và sẵn sàng gắn bó lâu dài, càng khiến hành trình thêm phần gian nan.

Anh Quang nhớ lại biến cố lớn đầu tiên, "khi một đàn chó được giải cứu từ lò mổ bùng phát dịch bệnh. Virus lây lan nhanh chóng khiến cả những cá thể khỏe mạnh trong trung tâm bị ảnh hưởng. Chúng tôi buộc phải đưa ra một quyết định đau đớn: giữ lại những "em" đã ở trung tâm, chia tay những "em" mới nhiễm bệnh. Đó là bài học xót xa nhưng cần thiết, để sau này chúng tôi xây dựng quy trình tiếp nhận an toàn hơn."

Không chỉ đối mặt với khó khăn chuyên môn, tổ chức còn phải hứng chịu nhiều định kiến xã hội. “Có người mỉa mai: tổ tiên ăn thịt chó bao đời, sao giờ lại làm chuyện trái khoáy?”, anh kể. Nhưng hơn tất cả, mỗi sinh mạng được cứu là một lời khẳng định cho hành trình mà họ đang đi là đúng.

Khi tình thương là thứ duy nhất níu chân những người ở lại

Giữa muôn vàn áp lực, có những con người lặng lẽ gắn bó với SNNC chỉ vì một lý do giản dị: tình thương.

Chị Phương, bắt đầu từ vai trò tình nguyện viên, đến nay đã gắn bó hơn 2 năm với vai trò nhân viên chăm sóc. Công việc của chị xoay quanh việc cho ăn, điều trị y tế, đặc biệt tại khu truyền nhiễm – nơi có nhiều cá thể yếu nhất. "Nhiều bé đến trong tình trạng bị đánh đập, thương tích đầy mình… Vui nhất là khi các bé hồi phục, được nhận nuôi. Nhưng cũng có lúc đau lòng đến nghẹn – khi mình yêu thương từng chút một mà vẫn không thể giữ được các bé."

Anh Mua Mì Say thường chơi đùa cùng với đàn chó mỗi khi chăm sóc các bạn. (Ảnh:NVCC).

Anh Mua Mì Say thường chơi đùa cùng với đàn chó mỗi khi chăm sóc các bạn. (Ảnh:NVCC).

Chị Nhung, bác sĩ thú y chính, là người điều trị và quản lý toàn bộ hoạt động y tế tại trung tâm. Mỗi ngày, chị chăm sóc cho từ 30 đến 100 cá thể, mỗi bé lại có chế độ ăn, phác đồ điều trị riêng. “Có bạn chỉ ăn hạt, có bạn chỉ ăn thịt. Có bạn tiêu hóa kém, nếu ăn nhầm là nguy hiểm đến tính mạng. Vậy nên mình phải nhớ từng bé, quan sát từng biểu hiện nhỏ.” Dù đã quá tải, chị vẫn nhận nuôi hai bé yếu nhất đàn – Bê và Beo – vì “không đành lòng để các em ở lại một mình khi trung tâm quá đông”.

Anh Mua Mì Say, tổ trưởng giám sát, chịu trách nhiệm cứu hộ, tiếp nhận chó bị bỏ rơi và quản lý công việc chung. Anh kể về những ca cứu hộ mất nhiều ngày rình rập vì các bé quá sợ người, hay những bé từng liệt nay đã có thể đi lại. "Không gian chật, nhân sự thiếu – nhưng mỗi bé hồi phục là thêm một lý do để tụi mình không bỏ cuộc."

Quá trình lan tỏa và hành trình hợp tác với các tổ chức nước ngoài

Không chỉ dừng lại ở việc cứu hộ, SNNC đang từng bước khẳng định vai trò trong mạng lưới quốc tế bảo vệ động vật. Họ hợp tác với các tổ chức như Thú y Không Biên giới (WWB – Hàn Quốc), các trường quốc tế như UNIS và Elite Group. Những buổi học ngoại khóa, nơi học sinh trực tiếp chăm sóc động vật, đã gieo những hạt giống đầu tiên về sự thấu cảm và tinh thần trách nhiệm.

"Muốn thay đổi nhận thức xã hội, phải bắt đầu từ thế hệ trẻ. Khi các em hiểu và cảm được tình thương với động vật từ sớm, các em sẽ là người tiếp nối, lan tỏa thông điệp nhân đạo ấy xa hơn."

Đội ngũ tình nguyện viên và bác sĩ thú y của Tổ chức thú y không biên giới Hàn Quốc VWB hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho chó mèo tại trung tâm.

Đội ngũ tình nguyện viên và bác sĩ thú y của Tổ chức thú y không biên giới Hàn Quốc VWB hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho chó mèo tại trung tâm.

Từng chút nỗ lực thầm lặng đang giữ cho Sân Nhà Nhiều Chó luôn rực sáng – như một ngọn đèn giữa bóng tối, như một điểm chạm dịu dàng cho những ai còn niềm tin vào điều tử tế. Không chỉ là nơi nương náu cho những sinh linh bị bỏ rơi, Sân Nhà Nhiều Chó còn trở thành biểu tượng của lòng trắc ẩn, của hy vọng và sự bền bỉ. Một địa chỉ được tin yêu không chỉ ở Việt Nam, mà cả trong trái tim của bạn bè quốc tế.

Hà Dương - Thanh Huyền- Phượng Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/san-nha-nhieu-cho-mai-am-tinh-thuong-314284.html