Nông dân Kiên Giang nâng chất lượng trái cây chưng tết

Vụ trái cây Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, nông dân Kiên Giang chú trọng việc chọn giống chất lượng, có mẫu mã đẹp, giữ được lâu và được thị trường ưa chuộng.

Là người làm ăn trong lĩnh vực xây dựng tại TP. Rạch Giá (Kiên Giang) nhưng đam mê làm vườn khiến anh Huỳnh Thái Lan quyết định mua 10.000m2 đất tại ấp Tân Thành, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành (Kiên Giang) đầu tư nhà lưới trồng rau trái bằng phương pháp tưới nhỏ giọt. Với 5 nhà lưới, anh Lan dành hầu hết diện tích chuyên trồng dưa lưới, còn lại anh trồng cà chua, các loại rau xanh khác.

Đón thị trường Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, anh Lan trồng 2.000 dây dưa lưới các loại, trong đó chọn 200 cặp dưa lưới loại tròn để khắc các chữ tài, lộc, phúc, an khang, thịnh vượng. Dự kiến giá bán lẻ dưa lưới khắc chữ dao động 350.000 đồng/cặp, dưa loại không khắc chữ 60.000 đồng/kg loại 1,5-2,5kg/trái.

Để kịp cung ứng các đơn hàng dưa chưng tết, anh Lan và các kỹ sư tính toán rất kỹ từ khâu ngâm hạt, gieo hạt. Việc ngâm hạt bắt đầu vào tầm giữa tháng 10 âm lịch. Sau khoảng 75 ngày từ khi gieo hạt, dưa lưới đã có thể thu hoạch. Việc khắc chữ là công đoạn hết sức tỉ mỉ và khó khăn.

Kỹ sư Từ Thị Tú Yên phụ trách kỹ thuật của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thái Lan Farm (do anh Huỳnh Thái Lan làm chủ). Kỹ sư Tú Yên cho biết: “Dưa lưới cần nắng. Công đoạn khắc chữ tiến hành khi dưa được 12-16 ngày sau thụ phấn, đến khi chín là 42-50 ngày sau thụ phấn. Khi đó vỏ lưới hoàn thiện và chữ khắc nổi lên rõ ràng hơn. Do trồng theo hướng an toàn nên rất hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón. Trước khi tiêu thụ đảm bảo thời gian cách ly trên 10 ngày”.

Kỹ sư Từ Thị Tú Yên chăm sóc dưa lưới trồng trong nhà lưới bằng phương pháp tưới nhỏ giọt.

Kỹ sư Từ Thị Tú Yên chăm sóc dưa lưới trồng trong nhà lưới bằng phương pháp tưới nhỏ giọt.

Bưởi da xanh là loại trái cây được người tiêu dùng ưa chuộng dùng để chưng, biếu tặng, nhất là vào dịp tết. Mặc dù cho trái quanh năm, nhưng vụ bưởi tết được nhà vườn kỳ vọng nhất trong năm bởi luôn bán được giá cao.

Tại huyện Giồng Riềng (Kiên Giang), ông Nguyễn Văn Khai ngụ ấp Hòa Phú, xã Ngọc Hòa mỗi dịp tết đều tuyển khoảng 600 trái bưởi có dáng cân đối, cuốn đẹp, màu sắc tươi sáng để bán. Mặc dù giá trái cây thường tăng so ngày thường nhưng ông Khai vẫn giữ giá 50.000-55.000 đồng/kg bởi như ông nói: “Xóm giềng, người quen đặt mua nên bán mắc coi không được. Bưởi trồng bao trái từ nhỏ nên đỡ xịt thuốc trừ sâu, chưng ra giêng vẫn ngon ngọt nên bà con tin tưởng đặt nhiều”.

Tại ấp Phú Lâm, xã Đông Thái, huyện An Biên (Kiên Giang), nông dân nơi đây trồng 20ha dưa hấu tròn chưng tết. Thời điểm này hầu hết ruộng dưa đang ở giai đoạn được thụ phấn đồng loạt. Anh Lê Văn Hoàng, ngụ ấp Phú Lâm từ sáng sớm đã có mặt tại ruộng để thực hiện công đoạn thụ phấn cho dưa hấu. Thụ phấn cho dưa là kỹ thuật quan trọng trong canh tác dưa hấu, giúp cho trái có độ đồng đều cao, dễ chăm sóc.

“Trồng dưa hấu phải úp nụ, mỗi dây dưa hấu chỉ giữ một trái, trái càng to thì càng có giá trị nên người trồng dưa phải chủ động úp nụ, lấy trái đúng vị trí trên thân mới phát triển như mong muốn”, anh Hoàng cho biết.

Dưa lưới được khắc chữ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thái Lan Farm.

Dưa lưới được khắc chữ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thái Lan Farm.

Để cho trái dưa hấu to, anh Hoàng chỉ để 1 trái/dây. Việc tuyển trái tiến hành khoảng 40-45 ngày sau khi gieo. Ngoài ra, chăm sóc trong giai đoạn mang trái cũng là yếu tố giúp trái dưa hấu đẹp, tăng giá trị thương phẩm.

“Năm nay tôi trồng 3 công dưa hấu chưng tết và dưa ăn. Từ đầu vụ đến giờ nắng tốt nên dưa phát triển nhanh, ít sâu bệnh. Đến thời điểm này coi như cầm chắc thắng lợi 60% rồi. Nếu chăm sóc tốt, dưa sẽ đạt năng suất khoảng 7-8 tấn/công. Để dưa ngọt, ngon, chưng được lâu, trong 10 ngày trước khi thu hoạch, tôi giảm lượng nước tưới, ngưng bón phân, xịt thuốc”, anh Hoàng nói.

Như thường lệ, từ mùng 9 đến 21 tháng chạp, thương lái từ TP. Hồ Chí Minh, TP. Phú Quốc, TP. Rạch Giá sẽ đến các ruộng dưa tại ấp Phú Lâm xem dưa và đặt cọc. Theo tính toán của anh Hoàng, dưa hấu chưng tết bán được giá 12.000 đồng/kg nông dân có lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/công.

Bài và ảnh: ĐẶNG LINH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/kinh-te/nong-dan-kien-giang-nang-chat-luong-trai-cay-chung-tet-18478.html