Nông dân nỗ lực làm giàu, nuôi con thành đạt
Từ xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong lên lập nghiệp tại thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa năm 1975 theo diện di dân kinh tế mới với rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhờ siêng năng, chịu khó, ông Lê Văn Hoàng (sinh năm 1965) đã xây dựng được mô hình kinh tế hiệu quả, trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, đồng thời nuôi dạy các con ăn học nên người.
Dẫn chúng tôi đi tham quan mô hình trồng thanh long ruột đỏ kết hợp chăn nuôi gà, lợn của gia đình, ông Hoàng cho biết: “Thời gian đầu lên đây, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn do ở quê vợ chồng tôi chỉ trồng lúa, khi lên đây chuyển sang nghề buôn bán theo tuyến Lao Bảo - Đông Hà không quen việc, rất vất vả. Một thời gian sau, nhận thấy đất đai, khí hậu ở đây thuận lợi nên tôi vừa buôn bán, vừa tranh thủ thời gian cải tạo đất làm nông nghiệp. Gia đình đông con nên vợ chồng luôn động viên nhau cố gắng, quyết tâm ổn định kinh tế để nuôi các con ăn học, sau này có nghề nghiệp ổn định, đỡ vất vả như chúng tôi”.
Với quyết tâm đó, ông Hoàng dành thời gian học hỏi những mô hình trồng trọt có hiệu quả kinh tế ở địa phương và bắt đầu trồng thanh long ruột đỏ. Trên diện tích đất vườn gần 0,5 ha, ông Hoàng xây trụ, xuống giống trồng hơn 250 gốc thanh long ruột đỏ. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay đã hơn 10 năm, thanh long ruột đỏ vẫn là loại cây đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông. Cùng với trồng thanh long ruột, vợ chồng ông đầu tư, xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, duy trì đều đặn mỗi lứa từ 30 - 40 lợn thịt.
Đặc biệt, cách đây 2 năm, qua tìm hiểu cùng sự hỗ trợ của người con lúc đó học đại học ngành Chăn nuôi thú y, ông Hoàng đầu tư hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà giống và gà thịt. Từ vài trăm con, đến nay, khu trang trại luôn duy trì từ 4.000 đến 5.000 gà các loại/ lứa. Trong quá trình mở rộng quy mô trang trại, chăn nuôi gà giống và gà thịt, ông luôn cố gắng tuân thủ chặt chẽ các kỹ thuật hướng dẫn của con, thường xuyên vệ sinh chuồng trại nhằm hạn chế phát sinh dịch bệnh; đồng thời, theo dõi và ghi chép lại quá trình sinh trưởng của gà. Nhờ vậy, các lứa gà đều phát triển rất tốt. “Diện tích đất vườn khá rộng, chỉ trồng cây ăn quả và nuôi lợn, không tận dụng hết diện tích đất nên tôi quyết định mở trang trại chăn nuôi gia cầm.
Từ đây tôi bỏ hẳn việc kinh doanh buôn bán để tập trung cho việc chăn nuôi. Lúc đầu, dù đã có sự hỗ trợ từ con trai song vẫn không tránh khỏi những khó khăn như đầu ra thị trường không ổn định, ảnh hưởng thời tiết nên thỉnh thoảng gà bị bệnh chết... Vượt qua khoảng thời gian khó khăn đó, giờ đây tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn trong chăn nuôi gà và tìm được thị trường tiêu thụ sản phẩm gà thịt, gà giống khá ổn định”, ông Hoàng chia sẻ.
Sau gần 50 năm lập nghiệp trên mảnh đất mới, kinh tế gia đình của ông Hoàng ngày càng được cải thiện, mỗi năm sau khi trừ chi phí, mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi này mang lại cho gia đình ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Cũng nhờ kinh tế gia đình ngày càng phát triển nên ông có điều kiện nuôi các con học hành đàng hoàng. Hiện tại, trong số 5 người con của ông, có 4 người đã tốt nghiệp đại học và đều có việc làm ổn định, riêng người con út đang học Đại học Luật tại TP. Hồ Chí Minh.