Nông dân phải thay đổi cách canh tác để vượt qua khó khăn
Giáo sư.TS Võ Tòng Xuân nhận định: 'Phân bón, xăng dầu tăng giá đẩy nông dân vào thế khó. Thế nên họ phải thay đổi cách canh tác để vượt qua'.
Trên cánh đồng lúa hè thu ở xã Hòa Thạnh (Tam Bình - Vĩnh Long) lúa đang trổ bông. Lúa trên đồng vẫn xanh tốt nhưng trong lòng nông dân thì héo hon. Anh Huỳnh Văn Giàu, một nông dân canh tác 1,5ha lúa hè thu cho biết: “Năm nay lúa hè thu cũng khá trúng mùa. Thế nhưng phân bón, xăng dầu tăng giá quá cao, trong khi giá lúa vẫn cầm chân tại chỗ. Vật giá sinh hoạt hằng ngày cái gì cũng tăng, chỉ có lúa không tăng, việc này làm cho nông dân khó khăn thêm”.
Nông dân không vui vì giá lúa không tăng trong khi xăng dầu, phân bón tăng cao - Ảnh: Văn Kim Khanh
Cũng theo anh Giàu: xăng, dầu tăng giá, công cày xới giờ cũng tăng lên. Năm 2021 công xới 1.000m2 đất giá 100.000 đồng, nay tăng lên 120.000 đồng. Về bón phân, 1.000m2 đất trồng lúa sử dụng 50kg phân bón, gồm phân U rê, 16-16-8, DAP. Trước đây 2 năm, 50 kg phân như trên khoảng 500.000-600.000 đồng, nay tăng lên 1.000.000 -1.200.000 đồng. Thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật tổng chi phí cho 1 ký lúa khoảng 3.800 đồng. Đó là chưa tính nhân công chăm sóc gần 4 tháng. Trong khi đó phân bón hiện nay tăng lên gấp 2 lần so với cách nay 2 năm. Gặt đập 1.000m2 giá 200.000 nay tăng lên khoảng 250.000 đồng/1.000m2. Giá lúa 2 năm trước 5.500 đến 6.000 đồng/kg nay cũng mức đó. Đây là những khó khăn nông dân phải đối mặt khoảng hơn năm nay.
Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập ở ĐBSCL - Ảnh: Văn Kim Khanh
Hầu hết nông dân ở ĐBSCL đang khó khăn vì xăng dầu tăng giá. Chị Trương Thị Nga, một nông dân canh tác 40ha đất lúa ở ấp Tân Vọng, xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, An Giang chia sẻ: “Xăng, dầu tăng giá mọi hàng hóa đều chạy theo, nhất là phân bón. Trước đây làm ruộng có lời. Một ha đất trồng lúa trung bình mỗi vụ cũng lời được 10-15 triệu đồng. Nay thì lợi nhuận giảm xuống 50-60% so với trước kia, do phân bón tăng gấp 2 lần, xăng, dầu tăng 50% so 1, 2 năm trước. Hiện nay ở An Giang xăng tăng hơn 30.000 đồng/lít, còn dầu DO cũng lên 27.500 đồng/lít. Do giá xăng dầu, phân bón cứ tăng lên trong khi giá lúa thì dậm chân tại chỗ nên đời sống nông dân tất khó khăn”.
Chở lúa từ ngoài đồng về nhà bằng xe bánh xích - Ảnh: Văn Kim Khanh
Theo ông Trương Thành Dãnh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, hiện nay ở ĐBSCL tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác nông nghiệp đạt từ 80 - 90%, từ khâu cày, xới, sạ, gặt đập, chở lúa về, sấy... đều làm bằng máy móc. Vì thế việc xăng dầu tăng giá, phân bón tăng giá đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nông dân. Nếu Nhà nước nghiên cứu điều chỉnh thuế phí xăng dầu, giá xăng dầu, phân bón giảm phần nào thì cuộc sống nông dân sẽ đỡ hơn.
Xăng dầu, phân bón tăng giá, chỉ riêng giá gạo xuất khẩu tăng rất chậm - Ảnh: Văn Kim Khanh
Chung quanh vấn đề trên, Giáo sư. TS Võ Tòng Xuân có ý kiến khá mới mẽ: “Xăng dầu, phân bón tăng giá do điều kiện khách quan của tình hình kinh tế thế giới. Bây giờ muốn các hàng hóa này giảm giá cũng rất khó. Để khắc phục khó khăn người nông dân phải đổi mới cách canh tác nông nghiệp, cách trồng lúa. Người nông dân ĐBSCL hiện nay sạ lúa mật độ dày, vừa hao giống, hao tiền, lúa không tốt. Phân bón nông dân bón quá dư so với nhu cầu cây lúa, tốn tiền, hao phí. Điều này làm cho cây lúa không hấp thu hết, phân tan chảy ra ô nhiễm môi trường, một số khác bốc hơi, bay vào không khí. Trước đây, khi còn lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan có chỉ đạo ngành nông nghiệp Tháp Mười thí điểm canh tác lúa với việc sạ thưa, giảm 50% giống; giảm sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu... Kết quả năng suất lúa vẫn đảm bảo nhưng giá thành đầu tư 1 kg lúa giảm từ 3.800 đồng xuống còn 2.300 đồng, lợi nhuận tăng lên khả quan. Như vậy, trong khi chờ giá phân bón, xăng dầu điều chỉnh, giá lúa tăng lên, nông dân phải thay đổi cách canh tác, thích ứng với thị trường. Riêng lĩnh vực xăng dầu, Nhà nước cũng nên xem xét, giảm bớt một số thuế phí có thể điều chỉnh giảm được. Có như vậy, người nông dân sẽ giảm bớt chi phí, vượt qua những khó khăn hiện nay”.