Nông dân trồng bầu Sao lấy hạt

Thay vì trồng bầu thương phẩm, một nông dân đã chuyển sang trồng bầu giống lấy hạt. Những trái bầu Sao to, vỏ xanh mượt, được trồng trên đồng đất Đức Phổ, Đạ Huoai để lấy những hạt bầu đen sẫm.

Anh Trần Văn Thắng đang để trái bầu "ngủ" dưới gốc chôm chôm

Anh Trần Văn Thắng đang để trái bầu "ngủ" dưới gốc chôm chôm

Gia đình anh Trần Văn Thắng, Thôn 3, xã Đức Phổ, huyện Đạ Huoai đã nhiều năm nay chuyên trồng bầu lấy giống. Anh bảo, bầu Sao là giống bầu to, ruột ít, cùi dày, được trồng nhiều để cung cấp rau xanh trên thị trường. Nhưng bản thân anh lại không trồng bầu Sao thương phẩm mà chuyên trồng bầu giống, trồng bầu để lấy hạt.

Vừa xếp những trái bầu to bự xuống gốc chôm chôm để bầu “ngủ”, anh Trần Văn Thắng cho biết, đây là cây bầu “đời đầu”, được thụ phấn từ những cây bầu cha mẹ. Anh cho biết: “Nhà tôi chuyên trồng bầu Sao giống, với những kỹ thuật rất nghiêm ngặt để đạt chất lượng tốt nhất, hạt thuần nhất, đảm bảo chất lượng để công ty có hạt giống cung cấp cho người trồng rau thương phẩm. Trồng bầu giống có chế độ chăm đặc biệt, khác hẳn trồng rau thương phẩm”. Theo anh Thắng, anh trồng bầu Sao giống theo hợp đồng với doanh nghiệp, hạt bầu giống được công ty cung cấp cho nông dân nhân giống. Cây bầu cha mẹ được trồng và đánh dấu rất nghiêm ngặt, phải chú ý từ khi nhận hạt giống. Giống đầu dòng được giao cho nông dân gieo trồng trên đất sạch bệnh. Như gia đình anh thường thuê đất trồng lúa của nông dân, tới vụ Đông - Xuân tháng 10 bắt đấu xuống giống hạt bầu. Bầu giống yêu cầu đất phải thật sạch, không được trồng rau. Vì thế, mỗi năm gia đình chuyển đất trồng một lần để đảm bảo đất thật sạch.

Anh Thắng cho biết, hạt bầu sau khi gieo được đánh số để quản lý cẩn thận. Cây bầu cha mẹ rất yếu, cần được dùng dây níu ngọn cẩn thận, nếu không sẽ ngã, gãy cành, gãy ngọn. Cây bầu giống yêu cầu chế độ phân rất đặc biệt, với lượng phân hữu cơ rất dồi dào. “Cây bầu cha mẹ thực sự rất ít bệnh do đất sạch nhưng nhu cầu dinh dưỡng và nhu cầu nước rất lớn. Sau khi trồng hai tháng, từ khi bầu bắt đầu ra hoa là gia đình phải chủ động thụ phấn. Đây chính là khâu quan trọng nhất trong trồng bầu giống, đảm bảo hạt thuần, không bị lai tạp”, anh Thắng cung cấp thông tin. Theo anh Thắng, khi thụ phấn bầu cần lấy phấn từ cây dòng cha lai sang hoa của cây dòng mẹ. Thụ phấn xong, nông dân phải dùng kẹp nhựa, kẹp chặt miệng hoa cải lại, tránh tình trạng các con côn trùng khác tiếp tục thụ phấn, gây lai tạp cho hạt giống. “Quy trình thụ phấn là quy trình quan trọng nhất, đảm bảo độ thuần nhất của hạt bầu giống. Nếu không cẩn thận, sản lượng hạt, số lượng hạt sẽ bị lai tạp, không đạt yêu cầu của doanh nghiệp”, anh Thắng đánh giá.

Sau khi thụ phấn xong, chế độ chăm sóc cho cây bầu giống sẽ là nước tưới đầy đủ cũng như lượng phân bón dồi dào. Anh Thắng chia sẻ, trong những giai đoạn trái bầu phát triển nhanh, mỗi ngày trái có thể tăng từ 0,2 - 0,3 kg, nếu không cung cấp phân đầy đủ, trái bầu sẽ không lớn, hạt không đạt chất lượng. Từ khi trồng tới khi thu hoạch là 5 tháng, thời gian dài hơn trồng bầu thương phẩm rất nhiều. Tới khi có thể thu hoạch được, mỗi trái bầu giống đạt trung bình từ 4,5 - 5 kg/trái. Hạt của trái bầu chín đúng độ phải màu đen sẫm, đều màu, không có hạt non, hạt lép. Nếu hái xanh quá, hạt chưa đúng độ tỷ lệ nảy mầm sẽ kém.

"Sau khi thu hoạch trái, anh Thắng phải đưa trái bầu vào các khu vực mát như trong hiên nhà, dưới bóng cây để trái bầu “ngủ” từ 15 - 20 ngày, sau đó mới mang về nhà tiếp tục các công đoạn như lấy hạt, chà nhớt, phơi trong ánh nắng yếu để hạt bầu khô một cách tự nhiên. “Trồng bầu giống rất khó, không phải ai trồng cũng đạt do công ty đặt ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm túc. Như độ thuần của hạt phải đạt trên 98%, độ nảy mầm trên 90%, tất cả chỉ tiêu đều có máy móc cũng như công cụ đo đạc chính xác mà nông dân phải tuân thủ. Tuy nhiên, đã nhiều năm trồng bầu giống theo hợp đồng với doanh nghiệp nên gia đình tôi vẫn đảm bảo được yêu cầu của công ty”, anh Thắng cho hay. Được biết, trồng bầu giống chỉ trồng một vụ một năm, từ tháng 10 tới tháng 3 năm sau. Do đã quen cũng như tuân thủ nghiêm túc quy trình trồng, anh trồng đạt năng suất xấp xỉ 1 tấn hạt/ha đất. Hiện tại, giá hạt giống do công ty chi trả là 450 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí, phân thuốc cũng như công lao động, anh Thắng có nguồn thu khá ổn định cho năm tháng canh tác trái bầu giống.

Ông Lê Doãn Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Phổ, huyện Đạ Huoai cho biết, hộ anh Trần Văn Thắng trồng bầu Sao giống liên kết với doanh nghiệp là chủ trương của chính quyền xã. Thông qua xã Đức Phổ, doanh nghiệp kí kết hợp đồng với nông dân trồng giống một cách bền vững, mang lại lợi ích lâu dài với cả hai bên, là một hướng đi ổn định cho nông nghiệp vùng sâu. Không chỉ nông dân Trần Văn Thắng, thông qua UBND xã làm cầu nối, nhiều nông hộ Đức Phổ cũng đang tích cực liên kết với doanh nghiệp trồng giống các loại rau, mang lại nguồn thu cũng như đa dạng cây trồng trên đất lúa.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/kinh-te/202504/nong-dan-trong-bau-sao-lay-hat-0ec3993/